Hội thảo “Chính sách và các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp để hợp tác nghiên cứu và áp dụng chuyển giao công nghệ thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Chính sách và các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp để hợp tác nghiên cứu và áp dụng chuyển giao công nghệ thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản”

26/11/2015 - 2416 lượt xem

Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM và ông Matsushita Takashi – Cố vấn cao cấp (JICA tại Việt Nam) đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các Ban ngành, các chuyên gia, hiệp hội các doanh nghiệp và một số cơ quan báo chí. 

Ảnh 1: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM cho biết chuyển giao công nghệ là vấn đề nóng hổi đang được quan tâm ở Việt Nam. Hội thảo này được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác nghiên cứu, áp dụng chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và các doanh nghiệp Việt Nam trong sáu ngành công nghiệp được ưu tiên lựa chọn của Chiến lược CNH.   

TS. Tuệ Anh trình bày tổng quan về các chính sách chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. TS. Tuệ Anh cho biết, hiện nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ đã được ban hành và có hiệu lực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách về chuyển giao công nghệ vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: (1) chưa có chính sách khuyến khích việc chuyển giao công nghệ trong nước; (2) chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế; (3) vấn đề về quyền sở hữu kết quả nghiên cứu và ứng dụng công nghệ,v.v…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Matsushita Takashi – Cố vấn cao cấp (JICA tại Việt Nam) cho biết chuyển giao công nghệ ở Việt Nam tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn. Ông hy vọng những trao đổi kinh nghiệm của Nhật Bản về chuyển giao công nghệ tại Hội thảo sẽ góp phần hỗ trợ và phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh 2: Ông Lưu Đức Khải – Trưởng ban Chính sách Phát triển nông thôn (CIEM) trình bày tại Hội thảo

Đề cập đến những vấn đề về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam, ông Lưu Đức Khải – Trưởng ban Chính sách Phát triển nông thôn (CIEM) cho biết Việt Nam tuy là một nước nông nghiệp nhưng so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, In đô nê xi-a, v.v… thì tăng trưởng nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm. Theo ông Khải, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập như: (1) cơ sở hạ tầng nông thôn kém; (2) trình độ của đối tượng tiếp nhận còn hạn chế; (3) thị trường công nghệ trong nông nghiệp chưa phát triển, v.v… Ông Khải đã đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp tại Việt Nam.

Ảnh 3: Ông Yoichi Sakurada – Chuyên gia Viện Nghiên cứu Mitsubishi chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản tại Hội thảo 

Tại Hội thảo, ông Yoichi Sakurada – Chuyên gia Viện Nghiên cứu Mitsubishi trình bày về kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc chuyển giao kỹ thuật phát triển công nghiệp phụ trợ. Tại Nhật Bản, sự hình thành các Viện nghiên cứu phát triển công đã đóng góp vai trò to lớn vào việc nâng cao năng lực kỹ thuật sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Yoichi cho rằng cách các doanh nghiệp lớn hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó để phát huy vai trò ở Việt Nam. Ông đã khuyến nghị rằng Việt Nam nên thành lập những Viện nghiên cứu phát triển công như Nhật Bản để có thể đem lại hiệu quả cao hơn. Trong tương lai, Việt Nam nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở mức độ cao hơn trong việc lập kế hoạch và kinh doanh.

Ảnh 4: Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) trình bày tham luận

Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) giới thiệu về chính sách thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Luật Chuyển giao công nghệ được ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, tạo thuận lợi cho các tổ chức cá nhân trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Luật cũng quy định ưu tiên phát triển công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng đổi mới, v.v… Ông Phụng phân tích cụ thể về việc mặc dù Luật thuế đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với chuyển giao công nghệ nhưng một số chính sách vẫn chưa phù hợp với Chiến lược cải cách thuế và chưa phù hợp với thực tiễn. Một số khuyến nghị cũng được đưa ra để thảo luận như: cần thống nhất quan điểm ưu đãi trong Chiến lược thuế và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ; nên hướng vào ưu đãi thuế thu nhập hơn là ưu đãi thuế xuất nhập khẩu hay là thuế giá trị gia tăng, v.v…

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia, đại biểu đều đồng tình với nội dung trình bày của các chuyên gia trong nước và chuyên gia Nhật Bản. Nhiều ý kiến bày tỏ hy vọng phía Nhật Bản sẽ chia sẻ thêm nhiều thông tin và kinh nghiệm về chuyển giao công nghệ và tiếp tục giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ.

Ảnh 5: Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo. Đồng thời, TS. Tuệ Anh cảm ơn sự đồng hành và hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản cũng như tổ chức JICA trong suốt thời gian qua. TS. Tuệ Anh cho biết trong thời gian tới, CIEM sẽ phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản và tổ chức JICA tiến hành nghiên cứu về việc hình thành các tổ chức, cơ sở nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ./.

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

hoặc liên hệ  ĐT: 84-4-37338930   Email: tttl@mpi.gov.vn

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi