Hội thảo “Kinh nghiệm cải cách thị trường điện cạnh tranh ở Cộng hòa Liên bang Đức và bài học đối với Việt Nam”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Kinh nghiệm cải cách thị trường điện cạnh tranh ở Cộng hòa Liên bang Đức và bài học đối với Việt Nam”

11/12/2015 - 4247 lượt xem

Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng, CIEM và TS. Michael Krakowski – Cố vấn trưởng, Dự án GIZ đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại biểu đến từ các Bộ, Ban ngành liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước, một số cơ quan báo chí. 

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng, CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, tự do hoá và xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh là một trong những nội dung của cải cách kinh tế. CIEM đã phối hợp với Dự án GIZ tổ chức Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của Cộng hoà Liên bang Đức và so sánh sự khác nhau giữa Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức trong lĩnh vực phát triển thị trường điện cạnh tranh. Từ đó tìm kiếm giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình tự do hoá thị trường điện ở Việt Nam.

Ảnh 2: TS. Michael Krakowski - Cố vấn trưởng Dự án GIZ phát biểu tại Hội thảo

TS. Michael Krakowski - Cố vấn trưởng Dự án GIZ cho biết việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và xã hội. Trong đó, lợi ích thiết thực nhất là có nhiều đơn vị cùng tham gia cung cấp điện, họ cạnh tranh với nhau, giá điện giảm, người tiêu dùng được hưởng lợi. Đồng thời, tạo điều kiện tốt cho nền sản xuất công nghiệp phát triển.

Ảnh 3: GS. TS. Andreas Polk (Đại học Kinh tế và Luật Berlin) trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, GS. TS. Andreas Polk đến từ Đại học Kinh tế và Luật Berlin đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình cải cách thị trường điện theo hướng tự do hoá thị trường ở Cộng hoà Liên bang Đức. GS. TS. Andreas Polk cho biết khi tự do hóa thị trường điện từ năm 2007-2008, diễn biến thị trường điện ở Đức đã trở nên sôi động hơn. Khối lượng giao dịch trên thị trường giao ngay tăng gấp đôi tính từ năm 2009 và xu hướng giá giảm khoảng 50% so với năm 2008. Tuy nhiên, tự do hóa cũng đặt thị trường điện trước những yêu cầu về minh bạch cơ cấu giá thành, cũng như giảm quyền lực của các doanh nghiệp đang chiếm lĩnh thị trường khi đó. Để chính sách tự do hóa thị trường phát điện cạnh tranh đạt được hiệu quả, Chính phủ Đức đã tiến hành tự do hóa đồng thời ở tất cả các khâu, bao gồm: Sản xuất điện, bán buôn, bán lẻ và truyền tải điện. Cùng với đó, để giúp tất cả các công ty đầu tư vào lĩnh vực điện được đối xử công bằng và bình đẳng, Chính phủ Đức cũng sửa đổi Luật Năng lượng vào các năm 2003 và 2005; và thành lập Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia, cơ quan này sẽ đưa ra quyết định về năng lượng.  

Theo GS. TS. Andreas Polk, để quá trình vận hành thị trường phát điện cạnh tranh mang lại hiệu quả, Việt Nam nên tiến hành cạnh tranh đồng thời ở tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải đến tiêu thụ điện. Đồng thời, cần thành lập cơ quan quản lý quốc gia về năng lượng và cơ quan này phải hoạt động độc lập, không bị chi phối bởi những yếu tố chính trị nhằm đưa ra những quyết định mạnh mẽ, thúc đẩy thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả.

Ảnh 4: Ông Lê Đồng Hải – chuyên gia thị trường điện, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) trình bày tham luận tại Hội thảo 

Trong phiên thảo luận về cải cách thị trường điện ở Việt Nam, ông Lê Đồng Hải – chuyên gia thị trường điện, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết tại Việt Nam, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được vận hành từ ngày 1/7/2012. Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, từ chỗ chỉ có 31 nhà máy điện tham gia thị trường đến nay đã có 60 nhà máy, nguồn cung ứng điện ổn định hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau 3 năm vận hành vẫn còn nhiều bất cập, do cơ sở hạ tầng yếu. Công tác đầu tư đã được chú trọng nhưng vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa nguồn và lưới điện truyền tải - phân phối điện. Để nâng cao thị phần các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện, ông Hải cho rằng cần quyết liệt hơn nữa trong việc đôn đốc các nhà máy điện mới chuẩn bị các điều kiện để tham gia thị trường điện và nghiên cứu phương án tham gia thị trường điện của các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và nhà máy điện BOT.

Ảnh 5: Chuyên gia Cao Đạt Khoa (Tập đoàn điện lực Việt Nam) trình bày tham luận 

Chuyên gia Cao Đạt Khoa (Tập đoàn điện lực Việt Nam) cho biết Việt Nam nên xem xét luật hóa quá trình tái cơ cấu ngành điện, thể hiện cam kết nhất quán, kiên định về định hướng thị trường điện, từng bước ngành điện hoạt động đúng theo quy luật cơ bản thị trường về quan hệ cung – cầu, giá cả. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đều đồng tình với việc đầu tư cho phát triển thị trường điện ở Việt Nam còn thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các ngành, cơ chế, chính sách quản lý; sự tập trung thị trường còn rất lớn, nên giá điện vẫn cao và sự cạnh tranh còn hạn chế. Do đó, Việt Nam nên thay đổi hành vi tiêu dùng điện theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và chấp nhận cơ chế thị trường trong ngành điện. Đồng thời, các vấn đề về công ích, xã hội nên được giải quyết trực tiếp đến đối tượng ưu tiên, không thực hiện qua doanh nghiệp như hiện nay.

Ảnh 6: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cảm ơn GS. TS. Andreas Polk đã chia sẻ và trình bày những kinh nghiệm của Cộng hoà Liên bang Đức về cải cách thị trường điện. Đồng thời cảm ơn TS. Michael Krakowski và Dự án GIZ đã đồng hành cùng với CIEM trong những năm vừa qua. TS. Cung cho biết xây dựng thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam là một chủ trương nhất quán của Việt Nam. Và để nâng cao sức cạnh tranh của thị trường điện, chúng ta cần quan tâm đến chính sách quản lý điện như: giá điện phân phối và bán lẻ; cơ cấu chi phí của hệ thống; v.v…/.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

hoặc liên hệ  ĐT: 84-4-37338930   Email: tttl@mpi.gov.vn

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

 


Tin tức khác