Hội thảo "Đổi mới đầu tư khoa học công nghệ của doanh nghiệp Hà Nội"
Hội nghị hội thảo

Hội thảo "Đổi mới đầu tư khoa học công nghệ của doanh nghiệp Hà Nội"

15/12/2015 - 3932 lượt xem

Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại biểu đến từ các Bộ, Ban ngành có liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia và một số cơ quan thông tấn báo chí.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết  khoa học công nghệ là một trong những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh của ngành. Phát biểu đề dẫn, Chủ nhiệm đề tài - TS. Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Tổng biên tập Tạp chí quản lý kinh tế, khẳng định nhằm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của thành phố Hà Nội, đầu tư khoa học công nghệ là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết đối với các doanh nghiệp Hà Nội. CIEM tổ chức Hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi, thảo luận về thực trạng đầu tư khoa học công nghệ của các doanh nghiệp Hà Nội, từ đó làm cơ sở để nhóm thực hiện Đề tài đề xuất một số giải pháp mang tính khả thi và đột phá nhằm thúc đẩy đầu tư khoa học công nghệ và góp phần phát triển bền vững cho đất nước. 

Ảnh 2: ThS. Ngô Văn Mơ - Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ trình bày báo cáo

Tại Hội thảo, ThS. Ngô Văn Mơ – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trình bày báo cáo về đổi mới đầu tư khoa học công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội. Theo Th.S Mơ, phát triển khoa học và công nghệ được coi là một giải pháp mang tính chiến lược giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp thành công trong việc coi trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ như Viettel hay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, v.v… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến phát triển khoa học và công nghệ, mức đầu tư thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao và vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Qua đó, Th.S. Mơ đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình đầu tư khoa học công nghệ cho doanh nghiệp như: nên có chính sách khuyến khích sự hình thành các tổ chức khoa học công nghệ; thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ mang tính tự thân của doanh nghiệp; v.v…

Ảnh 3: T.S Lưu Hải Minh – Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ mới Nhật Hải trình bày báo cáo 

T.S Lưu Hải Minh – Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ mới Nhật Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho rằng nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia là nền tảng vững chắc và là động lực mạnh mẽ nhằm phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển bền vững. Theo TS.Minh, chuyển giao công nghệ tạo điều kiện cho các nước phát triển mở rộng thị trường, mở rộng được khu vực ảnh hưởng. Tuy nhiên, chuyển giao công nghệ cũng đem lại nhiều khó khăn cho kinh tế xã hội Việt Nam trong những năm vừa qua. Theo nhận định của những nhà chuyên môn, có tới 25% sẽ thiết bị công nghệ nhập từ nước ngoài là các thiết bị đã qua sử dụng, được tân trang lại và nâng cấp. Những hợp đồng chuyển giao công nghệ do không được cân nhắc kỹ những bất cập nên dẫn đến những điều khoản có lợi cho bên đối tác và làm thiệt hại đến lợi ích của nền kinh tế nước nhà. Qua đó, TS.Minh đề xuất một số nhóm giải pháp như: nên thực hiện giải pháp kích cung/cầu công nghệ, nên sớm hình thành cơ quan tư vấn dịch vụ, hoàn thiện chính sách cơ chế nhằm phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Ảnh 4: TS. Nghiêm  Thị Vân – Vụ Tổng hợp, Tổng cục Thống kê trình bày báo cáo 

Trình bày về một phần kết quả Đề tài về Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư KHCN - TS. Nghiêm  Thị Vân – Vụ Tổng hợp, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) -  thành viên tham gia đề tài, cho biết đầu tư khoa học công nghệ đối với hai ngành công nghiệp và dịch vụ Hà Nội đã mang lại hiệu quả, tuy nhiên chỉ dừng ở mức độ khiêm tốn. Do đó, TS. Vân đề xuất bộ tiêu chí đánh giá nhằm đánh giá hiệu quả đầu tư khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp, làm cơ sở để doanh nghiệp đổi mới đầu tư, làm cơ sở để các cơ quan quản lý xem xét năng lực đầu tư KHCN trong các chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư KHCN. Theo TS. Vân, bộ tiêu chí gồm 4 nhóm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động thực tế hàng năm với tổng số điêm đánh giá là 400 gồm: chỉ tiêu kinh tế (tối đa 120 điểm), chỉ tiêu đào tạo (tối đa 100 điểm), chỉ tiêu hiệu suất sử dụng vốn (tối đa 90 điểm) và chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ thông tin (tối đa 90 điểm). Và thang điểm xếp loại đánh giá như sau: đạt hiệu quả cao ( từ 350 điểm trở lên), đạt hiệu quả tốt ( từ 300-350 điểm), đạt hiệu quả khá ( từ 250-300 điểm), đạt hiệu quả trung bình (từ 200 đến 250 điểm) và hiệu quả dưới trung bình ( dưới 200 điểm).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đều đồng tình với nhận định ngân sách đầu tư của nhà nước cho khoa học công nghệ chưa thực sự hiệu quả, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp vẫn còn tình trạng khó tiếp cận nguồn vốn từ các dự án hỗ trợ đổi mới công nghệ trong nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá cao bộ chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp công nghiệp ở Hà Nội trong phần trình bày của TS. Nghiêm Vân và mong muốn bộ chỉ số này sẽ sớm được áp dụng trong thực tiễn.

Ảnh 5: Toàn cảnh Hội thảo 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá cao phần trình bày của các diễn giả. Đồng thời TS. Cung cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia cũng như các đại biểu tham dự Hội thảo, khẳng định đây sẽ là cơ sở để chủ nhiệm và nhóm thực hiện đề tài hoàn thiện nghiên cứu và đề xuất những giải pháp khả thi./.

 

.Tệp đính kèm:

Tài liệu Hội thảo

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

hoặc liên hệ  ĐT: 84-4-37338930   Email: tttl@mpi.gov.vn

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi