Hội thảo " Báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế 2011-2015 hướng đến xây dựng đề án tái cơ cấu 2016-2020"
Hội nghị hội thảo

Hội thảo " Báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế 2011-2015 hướng đến xây dựng đề án tái cơ cấu 2016-2020"

17/12/2015 - 3623 lượt xem

Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ban ngành có liên quan, các chuyên gia kinh tế cao cấp và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết năm 2015 đã đánh dấu 4 năm thực hiện quyết định tái cơ cấu nền kinh tế trên ba lĩnh vực là đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), doanh nghiệp (trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước) và hệ thống tài chính (trọng tâm là ngân hàng thương mại). CIEM tổ chức hội thảo nhằm nhìn lại và đánh giá hiệu quả quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế 4 năm (2011 – 2015). Đồng thời khuyến nghị một số giải pháp góp phần xây dựng Đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2016 – 2020.

Ảnh 2: TS. Nguyễn Tú Anh – Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM)

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tú Anh – Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM) trình bày báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế từ năm 2011 đến năm 2015. Theo TS. Tú Anh, với những chính sách của Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, hoạt động này đã đạt được những kết quả khá tích cực. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là nền kinh tế vĩ mô, tiền tệ được giữ vững; chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao; môi trường kinh doanh có sự cải thiện và tăng trưởng kinh tế phục hồi và hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể; v.v… Tuy nhiên, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư; tốc độ cổ phần hóa còn chậm, những ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước vẫn đang là những yếu tố làm méo mó thị trường; quá trình xử lý nợ xấu kéo dài và cơ chế xử lý nợ xấu thiếu minh bạch. Các yếu tố thúc đẩy nợ công tăng đang rất hiện hữu và tái cơ cấu vùng, ngành chưa đi vào thực chất, chưa tuân thủ các nguyên tắc thị trường trong liên kết vùng.

Ảnh 3: Ông Raymond Mallon – Cố vấn cao cấp (Dự án RCV)

Ông Raymond Mallon – Cố vấn cao cấp (Dự án RCV) cho biết một số kết quả đã đạt được của tái cơ cấu nền kinh tế 2011 – 2015 là: Ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện tính minh bạch trong đầu tư công và tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng đã được đẩy nhanh, v.v... Bên cạnh những kết quả đạt được, tái cơ cấu nền kinh tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn hạn chế như: tiến trình cải cách còn chậm, chưa thống nhất về khái niệm tái cơ cấu kinh tế và chưa chú trọng vào xây dựng thể chế kinh tế, v.v… Theo ông Mallon, một trong những yếu tố quan trọng để tái cơ cấu thành công là phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, Việt Nam cần tập trung xây dựng một thể chế kinh tế cạnh tranh và công bằng nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả. 

Về thách thức và khó khăn của tái cơ cấu nền kinh tế 2016 – 2020, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng với nguồn lực hạn chế, nhu cầu đầu tư lớn đặc biệt là hạ tầng và cạnh tranh quốc tế ngày càng lớn, mô hình sản xuất nhỏ lẻ thiếu liên kết sẽ không còn phù hợp. Kết cấu hạ tầng chất lượng thấp trong khi vốn đầu tư khan hiếm, huy động khó khăn, chi phí hạ tầng vượt quá lợi ích hạ tầng đã kéo lùi tăng trưởng là những thách thức trong việc tái cơ cấu 2016 – 2020. Bên cạnh đó, TS.Cung cho biết mục tiêu tái cơ cấu năm 2016 – 2020 là ưu tiên tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho người dân; khuyến khích doanh nghiệp vừa và lớn tạo liên kết vùng, cụm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực đầu tư, đổi mới thể chế quản lý kinh tế. Trong đó, cần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài phát triển; đổi mới quản lý đầu tư công; cải cách chức năng chủ sở hữu, quản lý của Nhà nước và doanh nghiệp; dịch vụ công và ngân sách; v.v…

Ảnh 4: ThS. Nguyễn Xuân Thành – Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Trong phiên thảo luận, ThS. Nguyễn Xuân Thành – Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, việc Chính phủ duy trì mức thâm hụt ngân sách trong giai đoạn tới như hiện nay sẽ làm cho tỷ lệ nợ công/GDP sẽ tăng tới mức không bền vững. Bên cạnh đó, về điều hành chính sách tiền tệ, việc tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 nhưng không đi vào các hoạt động sản xuất là một quan ngại. Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng dư nợ cho nền kinh tế tăng 12,1%, nhưng phần tín dụng cho công nghiệp chỉ tăng 6,7%; xây dựng tăng 14,3% trong khi tiêu dùng cá nhân và bất động sản tăng tới 18,7%.  

Ảnh 5: Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế cao cấp

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá cao báo cáo kết quả tái cơ cấu kinh tế 2011 – 2015 của nhóm nghiên cứu. Báo cáo có ý nghĩa chính sách cao và mục tiêu rõ ràng, đã trình bày rõ những thay đổi về chính sách tác động đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng nhóm nghiên cứu nên làm rõ vai trò của hệ điều hành trong tái cơ cấu nền kinh tế và bổ sung thêm phần đánh giá tác động của tái cơ cấu đầu tư công lên những cân đối vĩ mô lớn.

Báo cáo được các chuyên gia, đại biểu  đánh giá là chứa đựng nhiều thông tin, phân tích sắc sảo, có số liệu cụ thể và rất hữu ích.

Ảnh 6: Toàn cảnh Hội thảo 

Kết thúc Hội thảo, TS.Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày của các diễn giả cũng như những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo. Đồng thời, TS. Cung nhấn mạnh trọng tâm tái cơ cấu 2016 – 2020 là phải thay đổi đủ toàn diện, đủ mạnh và nhất quán để thực hiện hóa cơ hội; chuyển thách thức và điểm yếu thành cơ hội./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu 

ĐT: 84-4-37338930   Email: tttl@mpi.gov.vn

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

 

 


Tin tức khác