Hội thảo “Đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược Công nghiệp hoá trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược Công nghiệp hoá trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản”

18/12/2015 - 3845 lượt xem

Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM, Tổ trưởng Tổ công tác Chiến lược CNH và ông Toma Masaaki - Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có các nhóm chuyên trách tại các Bộ chủ trì triển khai kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp trong Chiến lược CNH, thành viên Tổ công tác Chiến lược CNH, đại diện các Bộ, ngành có liên quan, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản và một số cơ quan báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá và trao đổi thông tin về tình hình, tiến độ và kết quả triển khai Kế hoạch hành động phát triển của các ngành trong Chiến lược CNH đến tháng 12/2015 và dự kiến Kế hoạch hoạt động cho năm 2016 nhằm đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược CNH.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM,Tổ trưởng Tổ công tác Chiến lược CNH

Ông Toma Masaaki cho biết trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị bước sang Kế hoạch 5 năm tiếp theo trong Chiến lược 10 năm (2011- 2020), phát triển công nghiệp là một trong những yếu tố rất quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nền kinh tế bền vững. 

Ảnh 2: Ông Toma Masaaki - Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh trình bày báo cáo chung về tình hình 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược CNH. Sau 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược CNH, Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: chưa thu hút được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, thiếu nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ triển khai Kế hoạch hành động và sự phối hợp giữa các bộ ngành chưa hiệu quả, v.v… Các nhóm giải pháp nhằm triển khai thực hiện Chiến lược CNH  hiệu quả hơn được đề xuất như: vận động nguồn lực từ bên ngoài, đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong công tác triển khai thực hiện Chiến lược CNH, v.v…

Ảnh 3: Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trình bày báo cáo đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện Kế hoạch hành động ngành công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản và đề xuất nên có sự trao đổi thông tin thường xuyên hơn giữa phía Nhật Bản với cơ quan đầu mối triển khai các Kế hoạch hành động, đề nghị phía Nhật Bản cung cấp thêm nhiều thông tin hơn về công nghệ tiên tiến trong sản xuất, .v.v…

Ảnh 4: Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông

Trong lĩnh công nghiệp điện tử, Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc triển khai Quyết định mới chỉ dừng ở việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về kế hoạch thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn còn gặp khó khăn trong việc đăng ký phân bổ nguồn vốn triển khai nên Quyết định 1290 chưa được Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện.

Ảnh 5: Đại diện Bộ Giao thông vận tải

Về tình hình thực hiện Chiến lược CNH trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là ngành đóng tàu, Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết trong thời gian qua, Bộ đã tiến hành một số nhiệm vụ như dự thảo định hướng hình thành 3 cụm liên kết ngành đóng tàu và xây dựng một số ít các doanh nghiệp cốt lõi của ngành. Tuy nhiên, ngành đóng tàu của Việt Nam cũng như trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới suy giảm và các doanh nghiệp đóng tàu của Việt Nam đang vướng mắc trong việc tái cơ cấu và tìm kiếm các đơn hàng.Đại diện Bộ Công thương cho rằng ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới sẽ hoàn thành xây dựng cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ theo đúng tiến độ. Đồng thời, ngành công thương cũng đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư thực hiện các nội dung ưu tiên của Kế hoạch hành động.

 

Ảnh 6: Đại diện Bộ Công thương

Đại diện Bộ Công thương cho biết ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô đã hoàn thành việc điều chính các loại thuế, lệ phí liên quan đến ô tô và phát triển công nghiệp hỗ trợ bằng việc ban hành các Nghị định. Đồng thời đang xem xét và điều chỉnh một số dòng thuế đối với phụ tùng, linh kiện ô tô trong khuôn khổ VJEPA và VKFTA theo Hành động 3 của mục B.

Trong phiên thảo luận, các đại diện bên phía Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác hỗ trợ của Nhật Bản trong quá trình thực hiện triển khai Chiến lược CNH. Đồng thời đề nghị phía Nhật Bản vận động các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa và có thêm những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhật Bản khi tham gia vào công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Về phía Nhật Bản, các đại biểu cho biết Nhật Bản sẽ cố gắng hơn trong việc thúc đẩy Chiến lược CNH của Việt Nam và sẽ cung cấp thêm bộ dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ vào năm 2016. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị phía Việt Nam nên có hệ thống tổ chức nghiên cứu và tìm hiểu kĩ về những kế hoạch và công việc phải làm trong thời gian tới để phía Nhật Bản có thể hỗ trợ hiệu quả hơn.

Ảnh 7: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cảm ơn phần trình bày của các diễn giả và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo. Đồng thời hy vọng các Bộ, ban ngành sớm hoàn thiện báo cáo về Kế hoạch hành động năm 2016 nhằm tìm ra phương hướng và cách thức thực hiện triển khai Chiến lược CNH trong năm tới hiệu quả hơn nữa./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu 

ĐT: 84-4-37338930   Email: tttl@mpi.gov.vn

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi