Hội thảo "Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015"
Hội nghị hội thảo

Hội thảo "Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015"

29/01/2016 - 3359 lượt xem

Tham dự Hội thảo có ông Raymond Mallon – Cố vấn cao cấp của Dự án RCV; các chuyên gia kinh tế cao cấp; đại diện các bộ, ban ngành có liên quan; các cán bộ nghiên cứu của CIEM cùng đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết kinh tế Việt Nam đang ở thời kỳ chuyển giao. Quá trình chuyển giao không chỉ thực hiện giữa hai kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (tương ứng cho giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020), mà còn từ ổn định và phục hồi tăng trưởng sang tăng trưởng và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn. Việt Nam cũng hướng mạnh mẽ hơn vào cải cách kinh tế vi mô và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, sau một thời gian chỉ tập trung điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. CIEM tổ chức Hội thảo "Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015" nhằm nhìn lại, đánh giá và trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2015 và đưa ra những dự báo về kinh tế Việt Nam trong năm 2016.

Ảnh 2: ThS. Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Kinh tế vĩ mô trình bày báo cáo

Tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Kinh tế vĩ mô thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV/ 2015. Theo đánh giá của báo cáo, tăng trưởng kinh tế đã phục hồi rõ nét khi tăng dần qua các quý và cao hơn so với cùng kỳ 2014, mặc dù còn thấp hơn giai đoạn 1990 – 2010. Năm 2015, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội đã vượt mục tiêu đề ra như GDP tăng 6,68%, tương đối cao so với mục tiêu 6,2%; lạm phát 0,6%; tăng trưởng tín dụng ước đạt trên 18% và giải ngân FDI đạt 14,5 tỷ USD, tăng đáng kể so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa làm tăng áp lực lạm phát khi kinh tế chưa thực sự thoát khỏi sự suy giảm và động lực tăng trưởng chưa đủ. Xuất khẩu cũng đã không đạt được mục tiêu đề ra khi chỉ tăng 7,9%.

Đánh giá về cơ hội phát triển trong năm 2016, ThS. Dương cho biết đầu tư tư nhân và FDI có triển vọng tăng nhờ môi trường được cải thiện, đầu tư công có thể tăng nhanh trong năm đầu của khung đầu tư trung hạn 2016 - 2020. Ngoài ra, cơ hội cũng đến với Việt Nam từ hàng loạt các Hiệp định thương mai tự do thế hệ mới đã, đang và sắp ký kết, thực hiện. Bên cạnh các cơ hội, nhóm nghiên cứu cũng đặt ra một số rủi ro, bất định tác động đến kinh tế Việt Nam 2016 như đà phục hồi chậm của các quốc gia phát triển, xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi (riêng vốn rút khỏi Trung Quốc từ 6/2014-11/2015 là 1.000 tỷ USD), giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới giảm. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô một cách thực chất. Trong đó, cần giảm thâm hụt ngân sách, đảm bảo kỷ luật chi, ổn định lạm phát vẫn là ưu tiên cao nhất. Đồng thời, cần nâng cao môi trường kinh doanh trên cơ sở tăng cường thực thi Nghị quyết 19; v.v...

Theo TS.Cung, nhìn bề ngoài các chỉ số kinh tế đều tốt lên nhưng nhìn sâu vào các chỉ tiêu thì lại chưa rõ ràng. Tăng trưởng tín dụng mặc dù đạt trên 18% song vấn đề đặt ra là vẫn chưa giảm được lãi suất cho vay và phải dành một phần thanh khoản cho Trái phiếu Chính phủ. Trong khi đó, tình hình tài khóa căng thẳng hơn trong năm 2015, dẫn tới loay hoay tìm nguồn chi ngân sách và đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, TS Cung cho biết những vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế năm 2015 được chỉ ra, đó là: việc phát hành trái phiếu chính phủ tăng mạnh và xem đây là thành tích; nguồn lực từ cổ phần hóa không dùng để tái đầu tư mà dùng để hỗ trợ cho chi ngân sách Nhà nước; khả năng và kế hoạch trả nợ chưa rõ ràng và khu vực tư nhân bị chèn lấn.Tuy nhiên, việc thực hiện cải cách có thể được thực hiện thực chất hơn từ nửa cuối năm 2016; đầu tư sẽ gia tăng và những cơ hội từ hội nhập kinh tế mang lại cũng sẽ giúp cho GDP Việt Nam năm 2016 có thể đạt mức cao hơn mục tiêu đề ra với 6,82%.

Ảnh 3: Ông Raymond Mallon – Cố vấn cao cấp của Dự án RCV phát biểu tại Hội thảo

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đều đánh giá cao việc báo cáo đã có những nhìn nhận sâu xa hơn, đã chỉ ra được những mặt tích cực cũng như tiêu cực của những vấn đề kinh tế nổi bật trong thời gian qua. Đồng thời, các đại biểu cũng đồng tình với nhận định của TS. Cung rằng quá trình cải cách và hội nhập kinh tế cũng đi kèm với không ít thách thức. Những thách thức ấy có thể bao gồm quyết tâm cải cách chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn; nhận thức chưa đầy đủ về cơ hội, thách thức và yêu cầu của thực tiễn cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như vai trò của Nhà nước, Chính phủ trong điều hành kinh tế và tổn phí điều chỉnh đối với một số nhóm dân cư, doanh nghiệp.

Ảnh 4: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế và các đại biểu tham dự Hội thảo. TS. Cung cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, các báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý của CIEM sẽ tiếp tục duy trì các phân tích cập nhật, chính xác và sâu sắc nhất gắn với bối cảnh điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và yêu cầu cải cách ở Việt Nam./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

hoặc liên hệ qua:  Email: tttl@mpi.gov.vn

ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi