Hội thảo “Hội nhập tiền tệ EU – Đông Á và một số hàm ý chính sách”
Hoạt động

Hội thảo “Hội nhập tiền tệ EU – Đông Á và một số hàm ý chính sách”

15/03/2016 - 3901 lượt xem

Hội thảo có sự tham dự của các giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ hoạch định chính sách đến từ các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu và các cơ quan liên quan đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô (CIEM) phát biểu khai mạc

Đại diện CIEM, TS. Nguyễn Tú Anh - Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Vĩ mô phát biểu đề dẫn, khai mạc Hội thảo, giới thiệu diễn giả chính tại Hội thảo là GS. Jacques Mazier đến từ Đại học Paris 13, Cộng hòa Pháp.

Ảnh 2: GS. Jacques Mazier đến từ Đại học Paris 13, Cộng hòa Pháp trình bày báo cáo 

Tại Hội thảo, GS. Jacques Mazier trình bày nghiên cứu về “Hội nhập kinh tế EU và Đông Á: Bài học từ phân tích so sánh các chế độ tiền tệ”. Trong nghiên cứu của mình, GS. Jacques Mazier giới thiệu mô hình FSC (Flow – Stock Consistent Model) với hai cấu phần chính gồm: (i) cấu phần hạch toán dòng-luồng các giao dịch trong nền kinh tế tương tự bảng SAM hoặc bảng I-O của Việt Nam và (ii) cấu phần gồm một hệ các phương trình hành vi, bao gồm những giả định của mô hình. Trong mô hình FSC, tác giả đã xây dựng mô phỏng các kịch bản ứng với những giả định khác nhau về các chế độ tiền tệ/tỉ giá ở EU và Đông Á sẽ dẫn đến những kết cục khác nhau về mất cân bằng thương mại ở các quốc gia, qua đó cho thấy đối với từng quốc gia trong mô hình thì việc chọn lựa chế độ tiền tệ/tỉ giá nào là tốt hơn.

Mô hình FSC cho EU cấu trúc theo 4 khối nước gồm: Bắc Âu, Nam Âu, Mỹ, và các nước còn lại (RoW) dựa trên các chế độ tỉ giá khác nhau trong quá khứ, hiện tại và giả định cho tương lai. Mô hình FSC cho Đông Á cũng dựa theo 4 khối nước nhưng phân tách cho 2 trường hợp bao gồm: (i) Mô hình Đông Á thế hệ 1 gồm Trung Quốc, Đông Á, Mỹ, RoW và (ii) Mô hình Đông Á thế hệ 2 gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Á, RoW, đặc biệt với giả định xuất hiện đồng tiền chung Châu Á (ACU) tương tác với các đồng nội tệ lớn trong khu vực như Nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng Yên của Nhật, tham chiếu theo đồng USD. Kết quả mô phỏng cho thấy hội nhập tiền tệ theo các chế độ tiền tệ hiện hành có thể bất lợi đối với các nền kinh tế qui mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu.

Đối với trường hợp EU, trong bối cảnh các quốc gia áp dụng chính sách tiền tệ sử dụng đồng tiền chung nhưng vẫn duy trì chính sách tài khóa riêng, nhiều đề xuất về chế độ tiền tệ thay thế đã được xây dựng và dường như nhận được nhiều sự đồng thuận, tuy nhiên vấn đề là giai đoạn chuyển đổi có thể gặp rủi ro khủng hoảng tài chính gắn với sự suy giảm sức mua quốc tế khi đồng tiền mất giá.

Đối với trường hợp Đông Á, hàm ý chính sách từ kinh nghiệm hội nhập tiền tệ của EU là cần tránh áp dụng các chế độ tiền tệ/tỉ giá quá cứng nhắc hoặc vội vàng áp dụng đồng tiền chung Châu Á (ACU). Một chế độ tiền tệ linh hoạt sẽ phù hợp hơn đối với Đông Á, kết hợp với đẩy mạnh cải cách thể chế và các biện pháp duy trì sự ổn định.

Các đại biểu dự Hội thảo đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cùng GS. Jacques Mazier xoay quanh các vấn đề về mối liên hệ giữa việc áp dụng các chế độ tiền tệ/tỉ giá với sức cạnh tranh của các quốc gia, các biện pháp trung hòa hóa có thể được áp dụng, những giả định cốt lõi của mô hình, những vẫn đề cần lưu ý và khả năng áp dụng cho Việt Nam.

Bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng mô hình FSC mà GS. Jacques Mazier giới thiệu rất hữu ích với các quốc gia Đông Á. Tùy thuộc vào việc áp dụng chế độ tiền tệ/tỉ giá mà hội nhập tiền tệ có thể mang lại lợi ích nhiều cho các quốc gia lớn hoặc bất lợi với các nền kinh tế qui mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Mô hình FSC là một ví dụ tốt mà Việt Nam có thể tham khảo mặc dù ở thời điểm hiện tại Việt Nam đang gặp vấn đề về cơ sở dữ liệu./.

Nguồn: Ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô (CIEM)

Tệp đính kèm: Bài_trình_bày_của_GS.Jacques Mazier


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi