Hội thảo công bố Báo cáo "Thể chế pháp luật kinh tế một số quốc gia trên thế giới"
Hoạt động

Hội thảo công bố Báo cáo "Thể chế pháp luật kinh tế một số quốc gia trên thế giới"

17/03/2016 - 3664 lượt xem

Ảnh 1: Ban chủ trì Hội thảo

Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại biểu đến từ các bộ, ban ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia cao cấp và một số cơ quan thông tấn báo chí.

Ảnh 2: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết vừa qua Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản Luật, nó kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho quá trình cải cách thể chế kinh tế lâu dài. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng mới đây đã đưa ra nhiệm vụ “tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược” trong đó có hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để có thể xác định được nội dung của cải cách thể chế kinh tế, Việt Nam cần làm gì, làm như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai? Thì việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các quy phạm pháp luật của các quốc gia khác từ đó có lựa chọn chính sách phù hợp cho Việt Nam là rất cần thiết.  

Ảnh 3: ThS. Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu

Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế đã huy động đội ngũ chuyên gia luật học am hiểu sâu và có nhiều kinh nghiệm để thực hiện nghiên cứu và phát hành cuốn sách. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hệ thống pháp luật các nước ngày càng tiệm cận với nhau hơn; bản thân pháp luật cũng có tính thừa kế, tính đặc thù xã hội và văn hoá. Do vậy, việc lựa chọn nghiên cứu các quy phạm pháp luật của 6 quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Đức, Hàn Quốc, Malaysia và Cộng hoà Liên bang Nga chỉ mang tính chất tham khảo và học hỏi kinh nghiệm. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đánh giá cao cuốn sách “Thể chế pháp luật kinh tế một số quốc gia trên thế giới”. Cuốn sách dày 509 trang chứa đựng khối lượng thông tin đồ sộ. Cuốn sách cũng đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cho việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các luật nhằm góp phần đa dạng hóa pháp luật kinh tế và hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam trong thời gian tới. Với những phân tích mang tính giới thiệu về thể chế pháp luật kinh tế của các quốc gia được lựa chọn, cuốn sách đem lại nhiều thông tin cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Quốc hội. Đồng thời, cuốn sách còn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan thực thi pháp luật, hệ thống tư pháp, các cá nhân, doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và hoạch định chính sách.

Bên cạnh đó, một số đại biểu mong muốn sắp tới có những đổi mới về mặt nội dung  luật cũng như cách thức làm luật ở Việt Nam, đặc biệt là mong muốn được cung cấp thêm kết quả nghiên cứu về tình hình thực thi pháp luật trên thế giới để rút ra bài học cho Việt Nam.

Ảnh 4: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng một thể chế pháp luật kinh tế cần có sự tham gia của người chơi (bao gồm Nhà nước, tổ chức, cá nhân), sân chơi (nền kinh tế) và luật chơi (các quy định pháp luật). Từ kết quả của Hội thảo này sẽ gợi mở hướng tìm kiếm và phân tích cho những nghiên cứu tiếp theo./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM) Email: tttl@mpi.gov.vn

ĐT: 043.7338930

Sách download tại đây

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi