Toạ đàm “Nghiên cứu thúc đẩy hộ doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”
Hội nghị hội thảo

Toạ đàm “Nghiên cứu thúc đẩy hộ doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”

22/04/2016 - 3275 lượt xem

Toạ đàm do PGS. TS. Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng CIEM chủ trì; có sự tham gia của đại diện ​​​Mekong business initiative (MekongBiz), đại biểu một số bộ, ngành, viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài CIEM.

Ảnh 1: PGS. TS. Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Toạ đàm

Tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Luyến – Phó Trưởng ban Phụ trách ban Thể chế kinh tế (CIEM) trình bày báo cáo “Tổng quan khung pháp luật và chính sách liên quan đến chính thức hóa kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và việc tổ chức thực hiện” trên cơ sở rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành về thành lập, tổ chức và hoạt động của hộ kinh doanh; xác định các lợi thế, bất lợi thế của hộ kinh doanh so với các loại hình doanh nghiệp khác; luận giải những nguyên nhân và yếu tố tác động đến kết quả chuyển đổi hộ kinh doanh sang các hình thức doanh nghiệp chính thức của Luật Doanh nghiệp.

Ảnh 2: TS. Nguyễn Thị Luyến – Phó Trưởng ban Phụ trách ban Thể chế kinh tế (CIEM) trình bày báo cáo

Báo cáo Thực trạng hoạt động của hộ kinh doanh ở Việt Nam do ThS. Phạm Đức Trung - Phó Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) trình bày đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay; nêu bật vai trò của hộ kinh doanh trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao tinh thần kinh doanh và thúc đẩy phát triển của kinh tế thị trường ở Việt nam; chỉ ra những những điểm hạn chế của loại hình tổ chức kinh doanh này đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ảnh 3: ThS. Phạm Đức Trung - Phó Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) trình bày báo cáo

Các báo cáo đã đề xuất nhiều kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách đối với hộ kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển thành doanh nghiệp chính thức của Luật Doanh nghiệp.

Phiên thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với kết quả ban đầu của các báo cáo, đồng thời  mong muốn nhóm nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung cơ sở khoa học và thực tế để các kiến nghị chính sách cụ thể hơn, rõ ràng hơn, đóng góp thiết thực cho các cơ quan quản lý trong quá trình hoàn thiện thể chế và pháp luật đối với loại hình tổ chức kinh doanh đặc biệt này của Việt Nam.

Ảnh 4: Toàn cảnh Toạ đàm

Kết thúc Tọa đàm, PGS.TS. Trần Kim Chung đánh giá cao sự tham gia cũng như những ý kiến thảo luận tích cực, có trách nhiệm và thẳng thắn trên tinh thần khoa học của các đại biểu; định hướng những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện trong các hoạt động tiếp theo cho phù hợp với mục tiêu của Dự án nghiên cứu./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM) Email: tttl@mpi.gov.vn

ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác