Hội thảo công bố “Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý III năm 2016”
Hội thảo

Hội thảo công bố “Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý III năm 2016”

28/10/2016 - 4046 lượt xem

Tham dự Hội thảo có ông Raymond Mallon – Cố vấn cao cấp của Dự án RCV; các chuyên gia kinh tế cao cấp; đại diện các bộ, ban ngành có liên quan; các cán bộ nghiên cứu của CIEM cùng đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết trong bối cảnh giao thoa mạnh mẽ giữa những chuyển biến tích cực và thách thức, giữa nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn và xử lý các vấn đề tái cơ cấu, cũng như giữa cải cách trong nước và hội nhập, tăng trưởng kinh tế nước ta phục hồi còn chậm, chưa thực sự gắn với đà tăng vững chắc của đầu tư và xuất khẩu. Tuy nhiên, những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, v.v... vẫn rất đáng trân trọng trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn, bất định.

Ảnh 2: Th.S Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô trình bày báo cáo

Tại Hội thảo, Th.S Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô cho biết bức tranh kinh tế Việt Nam trong Quý III năm 2016 tiếp tục có những chuyển biến so với 6 tháng đầu năm. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Quý III ít nhiều phục hồi, lạm phát và và mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát, tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao so với hầu hết các nước trong khu vực, v.v… GDP trong quý III tăng 6,62% so với cùng kỳ 2015. Khu vực công nghiệp-xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế (tăng 8,1% trong quý). Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đã tăng trưởng trở lại (tăng 1,48%), nhưng còn không ít khó khăn. Giá trị gia tăng của dịch vụ tăng 7,03%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Mặc dù vậy, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng (6,7%) hầu như không khả thi. Ngay cả mục tiêu tăng trưởng 6,3-6,5% cho cả năm cũng đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực chính sách trong quý IV.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng phân tích yêu cầu hoàn thiện chính sách cạnh tranh ở Việt Nam. Việt Nam đã có Luật Cạnh tranh từ năm 2005; tuy nhiên, chưa có một chính sách cạnh toàn diện và hiệu quả, chưa quan tâm đầy đủ đến xây dựng và thi hành chính sách, pháp luật về trật tự thị trường, trong đó nền tảng là vấn đề cạnh tranh bình đẳng. Qua đó, báo cáo đề xuất một số giải pháp trước mắt nhằm hướng tới một nền kinh tế thị trường lành mạnh và hiệu quả.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đều đánh giá cao việc báo cáo đã có những nhìn nhận sâu xa hơn, đã chỉ ra được những mặt tích cực cũng như tiêu cực của những vấn đề kinh tế nổi bật trong thời gian qua. Các đại biểu cho rằng Chính phủ mới đã bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và năng suất lao động trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách vi mô có phần chưa tương xứng với kỳ vọng, nhất là các phương diện như cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hóa thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế và các đại biểu tham dự Hội thảo. TS. Cung cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, các báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý của CIEM sẽ tiếp tục duy trì các phân tích cập nhật, chính xác và sâu sắc nhất gắn với bối cảnh điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và yêu cầu cải cách ở Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vnĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi