Hội thảo công bố báo cáo “Chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ở một số tỉnh tại Việt Nam – Một số quan sát và kiến nghị”
Hoạt động

Hội thảo công bố báo cáo “Chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ở một số tỉnh tại Việt Nam – Một số quan sát và kiến nghị”

14/11/2016 - 2970 lượt xem

Ảnh 1: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM cho biết mục tiêu nghiên cứu hướng tới đưa ra một góc nhìn độc lập về những vấn đề cụ thể trong triển khai hoạt động chi tiêu công cho giáo dục, y tế và giao thông công cộng, đồng thời đánh giá yếu tố bình đẳng giới trong triển khai các dịch vụ công ở cấp địa phương. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách cho giáo dục, y tế và giao thông công cộng.

Ảnh 2: Ông Nguyễn Anh Dương - Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) phát biểu tại Hội thảo 

Nghiên cứu được thực hiện tại 7 địa phương ở Việt Nam, bao gồm cả thành thị (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Trà Vinh) và nông thôn (Cao Bằng, Hà Giang và Đăk Nông). Kêt quả nghiên cứu đã tái khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc xây dựng các chương trình đầu tư công, nhất là ở những khu vực khó khăn. Tuy chi ngân sách cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng đang ngày càng được ưu tiên và độ phủ của chính sách không ngừng được cải thiện, nhưng chất lượng của các dịch vụ này còn yếu, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng không đồng bộ với hỗ trợ về dịch vụ, người dân không được biết đến và không được giám sát chất lượng các hỗ trợ này. Nhiều kết quả quan trọng được báo cáo đề cập đến, như:

Về y tế, Việt Nam đứng thứ hai từ dưới lên (2007) và thứ năm từ trên xuống (2014) trong số các nước ASEAN về chi tiêu công cho y tế trên tổng chi y tế, tỷ lệ này có tăng theo thời gian (31% năm 2007 và 54,1% năm 2014). Tuy vậy, khó khăn về đội ngũ y bác sĩ ở tuyến cơ sở ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của nhóm cận nghèo còn thấp (55%) dù được hỗ trợ từ 70% mệnh giá bảo hiểm trở lên.

Về giáo dục, mặc dù chi tiêu công cho giáo dục trên tổng chi cho giáo dục của Việt Nam đứng thứ hai từ trên xuống trong khu vực ASEAN, phần lớn (82%) xgi này là cho chi thường xuyên. Điều này có nghĩa các nhu cầu đầu tư để cải tiến chất lượng giáo dục còn rất hạn chế. Các cơ sở đào tạo được giao tự chủ tài chính nhưng lại không được giao tự chủ mức thu học phí, do đó việc tự chủ tài chính là không thực chất.

Về giao thông công cộng, mặc dù người dân đóng góp đến 15% tổng số vốn các đường liên thôn liên xã được sửa chữa, thi công trong thời gian qua, nhưng việc người dân tham gia xây dựng quy hoạch và giám sát các công trình này còn hạn chế, hời hợt và nhiều nơi chỉ là hình thức. Chỉ 0,24 – 0,47% người dân được biết về chương trình hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động trợ cước, trợ giá vận chuyển và cung cấp phương tiện vận chuyển, vốn được ưu tiên cho khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.

Tại phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo đều đồng tình với phương pháp tiếp cận của báo cáo và đánh giá báo cáo chứa đựng nhiều thông tin có nội dung sâu sắc và có nhiều điểm mới, phù hợp với xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng mục tiêu của nghiên cứu khá lớn so với kết quả đạt được, nhìn nhận chính sách ở chu trình động, phân mảng nguồn ngân sách, đề cập thêm bối cảnh tác động đến chi tiêu công, đặc biệt làm rõ tính bền vững của chi tiêu công cho những dịch vụ này,…

Theo bà Hoàng Phương Thảo, để tăng chất lượng và tỷ lệ người dân hưởng lợi các dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông công cộng, Nhà nước cần huy động được người dân tham gia với vai trò bình đẳng hơn trong xây dựng quy hoạch, đóng góp chi phí, thực hiện và giám sát các dự án đầu tư công.

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cảm ơn các ý kiến đóng góp, chia sẻ của các đại biểu thanm dự Hội thảo. Đồng thời TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh bày tỏ mong muốn CIEM tiếp tục được tài trợ để có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về các lĩnh vực này./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).         

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi