Hội thảo “Phát triển công nghiệp máy nông nghiệp ở Việt Nam: Kinh nghiệm của Nhật Bản, bài học và cơ hội hợp tác”
Hội thảo

Hội thảo “Phát triển công nghiệp máy nông nghiệp ở Việt Nam: Kinh nghiệm của Nhật Bản, bài học và cơ hội hợp tác”

16/11/2016 - 3417 lượt xem

Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM chủ trì. Tham dự Hội thảo có ông Kosaburo Shimose – Bí thư thứ nhất phụ trách về Hợp tác trong lĩnh vực Nông Lâm Thuỷ sản (Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam), đại diện đến từ các bộ, ban ngành có liên quan và các chuyên gia kinh tế.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết mục tiêu của Hội thảo là để các đối tác trong lĩnh vực máy nông nghiệp trao đổi và thảo luận về những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc phát triển công nghiệp máy nông nghiệp ở Việt Nam. Đồng thời thảo luận về những chính sách hiện nay liên quan đến phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp nhằm góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động phát triển công nghiệp máy nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1342/QĐ-TTg, ngày 12/08/2014.

Ảnh 2: Ông Vũ Tuấn Anh – Trưởng phòng Cơ điện, Cục Chế biến nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Vũ Tuấn Anh – Trưởng phòng Cơ điện, Cục Chế biến nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) đã trình bày báo cáo “Đẩy mạnh cơ giới hoá tạo động lực tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam”. Theo đó, trong những năm qua, cơ giới hoá nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển nhanh về số lượng, loại máy; mức độ cơ giới hoá ở một số khâu tăng lên rõ rệt như làm đất lúa gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch. Đặc biệt, vùng sản xuất lúa hàng hoá ở Đồng bằng Sông Cửu Long có mức độ cơ giới hoá cao nhất cả nước đáp ứng tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên, cơ giới hoá nông nghiệp vẫn còn thấp, mới chỉ tập trung vào cây lúa ở một số khâu, chưa đồng bộ, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Ảnh 3: Ông Chu Văn Thiện – Nguyên Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại Hội thảo

Trong phần trình bày về “Thực trạng phát triển công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp ở Việt Nam”, ông Chu Văn Thiện – Nguyên Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết trong nhiều năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp trên cả hai lĩnh vực: Hỗ trợ công nghiệp chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và Hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị. Nhờ đó, mức độ cơ giới hoá nông nghiệp của cả nước có tăng trưởng khá trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất nông nghiệp cả về số lượng và chất lượng.

Ảnh 4: Ông Kosaburo Shimose – Bí thư thứ nhất phụ trách về Hợp tác trong lĩnh vực Nông Lâm Thuỷ sản (Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam) chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Kosaburo Shimose đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học và cơ hội hợp tác với Việt Nam trong việc thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp. Theo ông Kosaburo, thời gian lao động trong canh tác lúa nước, đặc biệt là các hoạt động cày bừa, trồng lúa, gặt lúa, v.v… đã giảm đi rất nhiều khi nông nghiệp dần được cơ giới hoá. Tình hình sở hữu số lượng máy công nghiệp trong nông nghiệp khá cao mặc dù quy mô kinh doanh nhỏ. Bên cạnh đó, ông Kosaburo còn trình bày một số chính sách thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp ở Nhật Bản.

Ảnh 5: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cảm ơn phần trình bày của các diễn giả cũng như những chia sẻ kinh nghiệm của ông Kosaburo Shimose. Phó Viện trưởng Tuệ Anh hy vọng trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy cơ giới hoá trong nông nghiệp ở Việt Nam./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM). 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi