Tọa đàm khoa học “Toàn cầu hóa kinh tế và thực tiễn quản lý/quản trị nhân sự ở các nước đang phát triển – trường hợp Việt Nam”
Hội nghị hội thảo

Tọa đàm khoa học “Toàn cầu hóa kinh tế và thực tiễn quản lý/quản trị nhân sự ở các nước đang phát triển – trường hợp Việt Nam”

07/12/2016 - 2587 lượt xem

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu cho biết thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn là một trong những định hướng chính sách chính trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Quá trình này mở ra thêm cơ hội để doanh nghiệp trong nước hợp tác và tham gia cung ứng sản phẩm cho các đối tác nước ngoài; tạo thêm động lực giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất, cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm để nắm bắt các cơ hội mới.Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải xử lý thách thức trong việc nâng cao chất lượng quản lý, đặc biệt về nhân sự và tổ chức sản xuất vàđây cũng chính làđiều kiện tiên quyết cho chiến lược hội nhập của doanh nghiệp.

Ảnh 1: Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu phát biểu khai mạc Toạ đàm

Tại Hội thảo, TS.Hitoshi Sato – Trưởng nhóm nghiên cứu (IDE-JETRO) đã trình bày báo cáo tổng quan về quốc tế hóa đối với các doanh nghiệp và thực tiễn quản lý/ quản trị nhân sự ở các nước đang phát triển.Bài trình bày đưa ra một cái nhìn tổng quan về mối quan hệ giữa quốc tế hoá và năng suất của các doanh nghiệp mà trong đó thực tiễn quản lý nguồn nhân lực (HRM) đóng vai trò quan trọng như là một yếu tố quyết định năng suất lao động. Đồng thời, ông Hitoshi cũng chỉ ra những lợi ích tiềm năng từ sự tham gia của các doanh nghiệp vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) như dễ dàng tiếp cận các thị trường nước ngoài, lan toả công nghệ và tri thức cho các doanh nghiệp trong nước, v.v..., đặc biệt đối với các nước đang phát triển.

Ảnh 2: Trưởng nhóm nghiên cứu Hitoshi Sato trình bày báo cáo tại Toạ đàm

Tiếp theo phần tổng quan của TS. Hitoshi Sato, bà Trần Bình Minh – Thành viên nhóm nghiên cứu (CIEM) trình bày phần quốc tế hóa kinh tế và thực tiễn quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào một số nghiên cứu tình huống. Trong bài trình bày của mình, bà Minh đã phân tíchmức độ tham gia ngày càng tăng vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) đối với phân ngành chế biến chế tạo của Việt Nam. Nghiên cứu tình huống thứ nhất là một điển hình về doanh nghiệp nội địa, không ngừng nâng cao vị thế và chất lượng sản phẩm thông qua cải thiện các quy định kiểm soát nội bộ, tăng phúc lợi cho người lao động và cải thiện điều kiện làm việc. Trường hợp thứ hai là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Hà nội và cũng nỗ lực cải thiện nội quy lao động, và tạo môi trường làm việc thân thiện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng định kỳ thực hiện đánh giá chất lượng đối với các nhà cung cấp trong nước, với hàm ý lan tỏa thực tiễn quản trị tốt cho các doanh nghiệp trong nước.

Ảnh 3: Bà Trần Bình Minh – Thành viên nhóm nghiên cứu trình bày tại Toạ đàm

Ông Kiyoyasi Tanaka – Thành viên nhóm nghiên cứu (IDE-JETRO) đã trình bày về vai trò của thực tiễn quản lý nhân sự trong việc quá trình quốc tế hoá của doanh nghiệp ở Việt Nam, dựa trên kết quả của một cuộc khảo sát đối với các doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo. Trọng tâm của khảo sát này hướng đến thực tiễn quản trị nhân sự, bao gồm chế độ lương thưởng, tuyển dụng và đào tạo. Theo đó, các doanh nghiệp quốc tế hóa phản ứng tích cực hơn với việc đào tạo cho lao động, hiện đại hóa sản xuất,chất lượng sản phẩm và chú trọng tới đổi mới. Sự khác biệt về kỹ năng và kinh nghiệm cho cấp quản lý mới ít được quan tâm hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp quốc tế hóa có xu hướng tuyển dụng cấp quản lý được đào tạo ở nước ngoài.

Ảnh 4: Ông Kiyoyasu Tanaka – Thành viên nhóm nghiên cứu trình bày tại Toạ đàm

Kết  thúc Toạ đàm, ông Phan Đức Hiếu cảm ơn phần trình bày nhiều thông tin của các diễn giả và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Phó Viện trưởng Hiếu cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến nhằm hoàn thiện báo cáo cuối cùng./.

Ảnh 5: Toàn cảnh Toạ đàm

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM). 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi