Khảo sát tìm hiểu kinh nghiệm chuyển đổi, đặc biệt là tư nhân hóa các doanh nghiệp lớn và hình thành khung pháp lý về đầu tư và doanh nghiệp, tại Liên Bang Nga (25-30/5và Cộng hòa Séc
Điều tra khảo sát

Khảo sát tìm hiểu kinh nghiệm chuyển đổi, đặc biệt là tư nhân hóa các doanh nghiệp lớn và hình thành khung pháp lý về đầu tư và doanh nghiệp, tại Liên Bang Nga (25-30/5và Cộng hòa Séc

19/03/2004 - 5093 lượt xem

Về tư nhân hoá.

Tư nhân hoá là một trong những nội dung cơ bản và được thực hiện đầu tiên của quá trình chuyển đổi ở cả Nga và Séc. Tư nhân hoá ở cả Nga và Séc đều được thực hiện một cách ồ ạt, toàn diện và triệt để ngay từ giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi. Trong hơn mười mấy năm qua, đã có không ít các nhà nghiên cứu và công trình nghiên cứu đánh giá về tư nhân hoá ở các nước kinh tế chuyển đổi nói chung và ở Nga và Séc nói riêng. Tuy nhiên, qua trao đổi và thông tin nhận được, Đoàn có một số nhận xét như sau:

1.Ở cả hai nước, mục đích của tư nhân hoá chủ yếu là mang tính chính trị, không phải là kinh tế xã hội. Tư nhân hoá là nhanh chóng tạo ra tầng lớp hữu sảnlàm nền tảng kinh tế cho xã hội mới mà họ hướng tới. Vì vậy, “tốc độ” là ưu tiên hàng đầu trong tư nhân hoá. Đã có không ít so sánh giữa phương thức chuyển đổi ở Châu âu và Châu á và cho rằng “chuyển đổi từ từ” là ưu việt và thành công hơn. Tuy vậy, ôngMau, Viện trưởng Viện Kinh tế Quốc dânlại cho rằng so sánh và đánh giá như vậy là không có cơ sở vì điều kiện ở Liên xô trước đây hoàn toàn khác với điều kiện của Châu á(cụ thể là ở Việt nam và Trung quốc). Vào thời kỳ chuyển đổi ở Liên xô trước đây đã đồng thời xảy ra 4 khủng hoảng và tươngứng là 4 “biến đổi”: khủng hoảng cơ cấu công nghiệp, khủng hoảng tài chính-ngân sách, khủng hoảng bản thân nền kinh tế XHCN và khủng hoảng nhà nước(khủng hoảng chính trị), nhà nước sụp đổ. Trong bối cảnh đó, ai cũng mong bất ổn định để “đục nước, béo cò”, thìkhông thể tư nhân hoá và chuyển đổi từ từ được, mà phải nhanh chóng chuyển đổi tạo nên tầng lớp hữu sản; và chính họ sẽ quan tâm đến bảo vệ tài sản của họ, và tạo ra “nền tảng” kinh tế cho chế độ mới dự định thiết lập. Trong bối cảnh đó, việc tư nhânhoá theo một kế hoạch thống nhất được chuẩn bị công phu cũng không thể có được. Chính chuyển đổi nhanh mới có cơ hội nhanh chóng lập lại trật tự xã hội và thoát khỏi khủng hoảng.

2.- Về đối tượng tư nhân hoá, người ta đã phân biệt loại tài sản và hoạt động không tư nhân hoá; còn lại là tài sản và hoạt độngthuộc đối tượng tư nhân hoá. Tài sản và hoạt động không tư nhân hoá thường gồm những thứ đặc biệt nguy hiểm đến cuộc sống như mỏ uran, khai thác, sản xuất và sử dụng uran hay các lĩnh vực có bí mật quốc gia.

3.-Tư nhân hoá ở Nga và Séc đã được thực hiện với nhiều phương thức khác nhau, trong đó, có tư nhân hoá thông qua voucher. Tư nhân hoá bằng Voucher nhằm: tạo điều kiện để đông đảo tầng lớp nhân dân có thể tham gia vào tư quá trình tư nhân hoá, qua đó, thực hiện được công bằng và mọi người đều có cơ hội hưởng lợi. Tư nhân hoá bằng voucher cũng là phương pháp nhằm nhanh chóng tạo ra tầng lớp hữu sản rộng lớn trong xã hội. Nhìn lạitư nhân hoá theo phương pháp này cho thấy có 2 kết cục. Một là, những người dân bình thường đã nhanh chóng bán voucher hoặc cổ phần của mình cho người khác có năng lực kinh doanh, và tài sản lại tập trung vào tay một số người, trong đó, không ít là người nước ngoài. Hai là, doanh nghiệp được tư nhân hoá có cơ cấu sở hữu phân tán, không có cổ đông có năng lực kinh doanh; từ đó, doanh nghiệp không tìm được phương hướng kinh doanh mới hoặc mất phương hướng kinh doanh; kết cục cuối cùng là phá sản.

4.- So với ở Nga, thì ở Séc, quá trình chuyển đổi đã được thực hiện một cách có trật tự, theo kế hoạch đã chuẩn bị. Người Séc đã chuẩn bị và thông qua “luật chơi” trước, rồi mới tiến hành cuộc chơi. Còn ở Nga, thì hình như “chơi” trước khi có luật, hay nói cách khác “cuộc chơi” mà chưa có luật thích hợp. Tuy nhiên, như nói trên, tình hình ở Nga khác ở Séc, và không cho phép làm khác được.

5.- Hơn 10 năm nhìn lại về tư nhân hoá ở cả hai nước có ý kiến cho rằng: tốt nhất là tư nhân hoá 100%, nếu không thì nhà nước nắm giữ 100%, còn “hỗn hợp nhà nước tư nhân” là không thích hợp, ngay cả khi nhà nước có hơn 50% cổ phần. Trong các công ty cổ phần hỗn hợp, cổ phần nhà nước thường được giao cho một hoặc một số người trực tiếp quản lý; cơ chế giám sát thường buông lỏng hơn so với 100% vốn nhà nước. Do đó, nếu nhà nước có hơn 50% cổ phần, thì những người được giao quản lý cổ phần nhà nước nắm quyền chi phối; và các cổ đông tư nhân ở vị thế thiểu số chủ động tìm cách cấu kết với những người nói trên chuyển giá trị tài sản Nhà nướcđầu tưsang cho tất cả họ. Chính các cổ đông tư nhân được hưởng lợi nhiều hơn từ phương thức này so với duy trì ổn định và phát triển công ty. Còn nếu nhà nước chỉ chiếm nhỏ hơn 50%, thì chính những người được giao quản lý cổ phần sẽ chủ động tìm cách cấu kết với các cổ đông khác chuyển giá trị công ty ra bên ngoài. Như vậy, yếu tố ngầm luôn có và chi phối trong hoạt động kinh doanh trong cả hai trường hợp nói trên. Thêm vào đó, các cơ quan hành chính và công chức có liên quan vẫn có thói quen và cơ sở để can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tóm lại, doanh nghiệp với cơ cấu sở hữu hỗn hợp nhà nước- tư nhânthường có hoạt động “ngầm” và chưa hoàn hoàn tuân theo cơ chế thị trường.

6.- Định giá doanh nghiệp cũng là vấn đề quan tâm. Về vấn đề này, kinh nghiệm của Séc có thể là hữu ích. Tuy tiến hành tư nhân hoá toàn diện và với tốc độ nhanh, nhưng giá bán doanh nghiệp vẫn được quan tâm. Tuy nhiên, giá bán không phải là mối quan tâm duy nhất của tư nhân hoá. Kinh nghiệm của Séc là ngoài giá bán, thì tìm được người mua có chiến lược kinh doanh hợp lý, ổn định và phát triển được doanh nghiệp cũng không kém phần quan trọng. Trong khi Bộ tài chính (Séc) muốn bán với giá cao nhất, thì Bộ Công nghiệp và Thương mại thiên về ưu tiên tìm kiếm đối tác, người mua tốt nhất. Bán với giá cao có thể gây thêm khó khăn cho người mua trong tổ chức kinh doanh, từ đó, không trả được nợ gây thiệt hại cho ngân hàng và xã hội nói chung. Với quan niệm trên, đấu giá và đấu thầu là 2 phương thức tư nhân hoá chủ yếu ở Séc. Riêng về tư nhân hoá theo voucher, thì cách định giá ở Séc cũng đơn giản và khá hiệu quả thông qua tìm kiếm “cân bằng” cung cà cầu. Ví dụ, người ta định tư nhân hoá doanh nghiệp A. Dựa trên những chỉ tiêu hiệu quả và đặc tính doanh nghiệp, người ta định số lượng cổ phần(ví dụ 1000) với giá 100đ/cổ phần (tức giá dự định là 1000*100 = 100.000 kuron). Người ta đem ra chào bán; nếu số lượng đăng ký mua là 1500 cổ phần, doanh nghiệp không được bán vì cầu vượt cung. Người ta điều chỉnh lại giá lên 120(chẳng hạn) và chào bán lần 2; cho đến khi số lượng cổ phần đặt mua tương ứng với số cổ phần chào bán với giá được điều chỉnh. Nếu số lượng cổ phần đăng ký mua ít hơn số chào bán thì chu trình ngược lại. Cách này tuy có kéo dài, nhưng đơn gỉan và xác suất bán doanh nghiệp đúng với giá thị trường là rất cao. Có lẽ, đây là kinh nghiệm hữu ích đối với chúng ta khi định giá doanh nghiệp và giá cổ phần trong cổ phần hoá.

7. Tư nhân hoá ở Nga và Séc không hạn chế hay khống chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, nhà đầu tư nước ngoài có quyền mua đến 100% cổ phần ở các doanh nghiệp cổ phần hoá ở tất cả các lĩnh vực. tuy nhiên, trên thực tế, sự tham gia của đầu tư nước ngoài ở Séc phổ biến hơn ở Nga; có lẽ vì môi trường kinh doanh ở Séc tốt hơn ở Nga. Tuy nhiên, việc tư nhân hoá các doanh nghiệp cung cấp gas và khí đốt ở Séc với sự tham gia của đầu tư tư nhân nước ngoài (Đức) đã làm cho việc cải tổ ngành này trở nên chậm hơn, và khó khăn hơn.

8. Ở cả Nga và Séc, người ta đã tư nhân hoá các lĩnh vực công nghiệp độc quyền. Ở Séc, các ngành điện, viễn thông, khai thác mỏ và luyện kim, xăng dầu và khí đốt .v.v.. đều đã tư nhân hoá hết. Công nghiệp điện được tư nhân hoá bằng cách tách riêng biệt 3 phần: sản xuất điện, chuyển tải điện và phân phối điện. Phần chuyển tải điện, tức mạng lưới chuyển tải, không tư nhân hoá thuộc sở hữu chính phủ trung ương, do Cơ quanđiều tiết và giám sát ngành điện quản lý. Còn lại, khu vực sản xuất điện và phân phối điện đã được tư nhân hoá. ở Séc, Nhà nước chỉ duy trì 100% sở hữu đối với các nhà máy điện hạt nhân. Theo hệ thống này, nhà phân phối được quyền tự do lựa chọn nhà sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng được tự do lựa chon nhà phân phối. Có sự cạnh tranh ở cả sản xuất và phân phối điện; và thậm chí, nhà phân phối có thể chọn mua nguồn điện từ nước ngoài. Nhà nước chỉ quy định mức giá tối đa, và các doanh nghiệp cạnh tranh trong mức giá tối đa đó. Thực ra, cải cách như miêu tả trên đây là thực hiện theo mô hình phổ biến ở các nước phát triển. ở Nga, tư nhân hoá ngành điện đang trong quá trình chuẩn bị. Vấn đề khó của nước Nga nằm ở hệ thống chuyển tải do có sự “tranh chấp” về quyền sở hữu giữa chính quyền trung ương và địa phương. Nếu Chính quyền trung ương không giữ được quyền sở hữu hoặc chi phối mạng lưới chuyển tải, thì mạng đó khó vận hành một cách thống nhất, thông suốt. Việc tư nhân hoá ngành điện theo cách nói trên sẽ không thực hiện được triệt để. Vấn đề khác ở nước Nga là hiện nay nhà nước đang thực hiện trợ cấp chéo, lấy thu từ bán điện cho sản xuất để trợ giá điện cho người tiêu dùng; do đó, giá điện tiêu dùng dân cư ở Nga còn rất thấp. Tư nhân hoá tất yếu sẽ dẫn đến tăng giá điện tiêu dùng dân cư; và điều đó sẽ đụng chạm đến lợi ích của đông đảo tầng lớp nhân dân Nga. Đây là vấn đề không dễ giải quyết.

9. Tư nhân hoá ngành khai thác dầu là vấn đề có ý kiến khác nhau ở Nga. Có ý kiến cho rằng tư nhân hoá khai thác dầu đã chuyển độc quyền từ tay nhà nước sang tư nhân; đưa tài nguyên quốc gia và tạo lợi nhuận siêu ngạch cho các chủ sở hữu tư nhân.Số lợi nhuận thu nhập của các chủ sở hữu tư nhân bằng khoảng 1/3 tổng thu ngân sách liên bang; trong khi đó, rất thiếu ngân sách để chi tiêu cho các vấn đề cơ bản của xã hội như y tế, giáo dục, lương hưu trí, lương công chức.v.v...Tuy vậy, có ý kiến khác lại cho rằng chính tư nhân hoá đã buộc các công ty của Nga phải cạnh tranh quốc tế; và chính cạnh tranh này đã buộc các công ty của Nga phải thu hút và bỏ thêm vốn đầu tư, thay đổi công nghệ, thay đổi cơ cấu và cách thức quản lý, quản lý minh bạch, công khai. Nhờ đó, các công ty Nga đã trở thành công ty lớn hàng đầu, có độ minh bạch và uy tín cao trên thị trường thế giới.

Cũng tương tự như vậy đối với ngành khai thác than và luyện kim. Trong khi ở Tây âu và một số nước khác, vấn đề cấu trúc lại ngành khai thác than và luyện kim đã tiến hành hàng chục năm mà vẫn chưa giải quyết được; thì ở Nga, ngành khai thác than và luyện kim được tư nhân hoá, cơ cấu lại được sản xuất và thay đổi quản lý. Từ đó, các công ty luyện kim Nga đã trở thành đối thủ cạnh tranh và có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

10. Còn, ngược lại, GASPROM, khai thác và sản xuất khí đốt, chưa tư nhân hoá, quản lý không minh bạch, không tính được chi phí sản xuất, không biết được lưu chuyển dòng tiền (cash flow), không biết được đã thu và chi bao nhiêu, lợi nhuận thế nào.v.v...?.

11. Cho đến nay, có thể nói tư nhân hoá ở Nga và Séc đã vào giai đoạn cuối. Khu vực kinh tế nhà nước ở Séc chỉ chiếm 20% GDP; số doanh nghiệp nhà nước còn lại rất ít. Ngoài ra, nhà nước còn có cổ phần trong các doanh nghiệpchỉ tư nhân hoá một phần. Ở Nga hiện còn 9500 xí nghiệp liên hợp nhà nước, 4000 công ty nhà nước có 100% đến vài phần trăm cổ phần (trong đó, từ 250 đến 300 công ty có cổ phần chi phối của nhà nước, còn lại là dưới 50%, 5000 công ty nhà nước có cổ phần vàng. Điều đáng lưu ý là, các xí nghiệp liên hợp nhà nước vẫn hoạt động hoàn toàn theo cơ chế cũ dưới chế đô kinh tế kế hoạch hoá tập trung.

12. Trong các cuộc tiếp xúc và làm việc ở Nga, Đoàn nhận thấy luôn có ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề, nhất là giữa những cơ quan, những người đã có từ thời kỳ Liên xô cũ và những cơ quan mới xuất hiện trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, về doanh nghiệp nhà nước, thì ý kiến đánh giá lại giống nhau. Đó là: không hiệu quả, không minh bạch, không rõ quyền sở hữu nhà nước, không thực hiện được vai trò và nhiệm vụ như mong muốn; và nên được tư nhân hoá.

Chính sách lợi tức của nhà nước chưa rõ ràng và chưa linh hoạt. Số lợi nhuận nhà nước thu được ngày càng tăng, nhưng về tổng thể vẫn còn nhỏ so với tài sản và vốn đầu tư.

Dự kiến đến năm 2007, Chính phủ Nga sẽ hoàn thành tư nhân hoá; lúc đó, nhà nước chỉ còn giữ những tài sản đảm bảo cho hoạt động bình thường của nhà nước, còn lại sẽ tư nhân hoá hết. Cụ thể là:đến 2005 nhà nước sẽ bán hết cổ phần còn lại của mình trong các ngành khai thác khí, điện ảnh, chế tạo máy không chiến lược; đến 2006 trong ngành hàng không dân dụng, y tế, hoá và hoá dầu.Có ý kiến lo ngại rằng phương hướng chính sách là hợp lý, nhưng thời gian thực hiện quá gấp; do đó, nguy cơ tài sản nhà nước rơi vào tay chủ sở hữu không đáng tin cậy là rất lớn.

13. Ai nắm quyền chủ sở hữu cổ phần nhà nước?. Ở Séc, phân biệt 2 loại. Đối với những doanh nghiệp nhà nước, thì các bộ quản lý ngành tương ứng vừa là người thành lập đồng thời nắm quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tương ứng đó. Về phương diện này, hiện nay, Bộ Công nghiệp và thương mại có lẽ là “người chủ” lớn nhất. Còn đối với cổ phần nhà nước trong các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (kể cả 100% vốn cổ phần nhà nước) thì do Quỹ tài sản quốc gia nắm quyền sở hữu( Quỹ này là một bộ phậncủa Bộ Tài chính).

Còn ở Nga, cơ cấu hiện hành có vẻ phức tạp và kém rõ ràng hơn. Hiện nay, Tổng thống, Thủ tướng, Bộ quản lý tài sản nhà nước, Quỹ tài sản quốc gia liên bang đang được uỷ nhiệm thực hiện quyền sở hữu nhà nước. Tuy vậy, dự kiến sẽ tập trung quyền sở hữu về một cơ quan thống nhất thực hiện. Đó là cơ quan liên bang quản lý tài sản nhà nước, một bộ phận của Bộ phát triển kinh tế và thương mại.

Về khung pháp luật kinh doanh.

14. Ở hai nước Nga và Séc, cho đến nay khung pháp luật về kinh doanh về cơ bản đã hình thành. Ở Séc, khung pháp luật đó đang được thay đổi, cải thiện đáp ứng đủ các yêu cầu và đòi hỏi chung của EU.

Cho đến nay, khung pháp luật về kinh tế thị trường về cơ bản đã được xây dựng ở Nga và Séc. Nền kinh tế ở Séc đã là nền kinh tế thị trường. Còn theo Ông Vladimir Mau, thì thể chế thị trường ở Nga hiện nay có thể so với 50 năm trước đây ở Tây âu; ở Nga đã có hệ thống pháp luật; nhưng đó không phải là tất cả của thể chế kinh tế thị trường. Ở Nga có ngân hàng, có toà án, có cảnh sát..v.v.. nhưng những cơ quan đó vừa kém phát triển, vừa không có được sự tin cậy của dân chúng. Các cơ quan bảo vệ pháp luật hoạt động không hiệu quả, không công bằng, không được tin cậy.

15. ở Séc, không có luật doanh nghiệp (luật công ty), mà các loại hình doanh nghiệp (bao gồm công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh được quy định trong Bộ Luật thương mại. Ngoài ra, ở Séc còn có Luật doanh nghiệp nhà nước ( Zakon o statní Podniku). Còn ở Nga, có luật công ty có phân biệt công ty cổ phần mở và công ty cổ phần đóng (tương ứng là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn); các loại hình hợp danh và doanh nghiệp tư nhân được quy định trong Bộ Luật dân sự. Cả hai nước đều không có luật khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Thậm chí, tất cả các ưu đãi về thuế đã có trước đây, thì nay đều đã bị bãi bỏ.

16. Như vậy, ở mức độ nhất định, còn có phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp “ngoài” nhà nước; còn lại, pháp luật áp dụng chung thống nhất đối với doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty với 100% vốn cổ phần nhà nước vẫn được coi là công ty “tư”, được tổ chức quản lý và hoạt động theo pháp luật áp dụng chung cho các doanh nghiệp của khu vực tư nhân.

Các doanh nghiệp có vốn cổ phần nước ngoài được đối xử (cả về pháp lý và quản lý) giống như đối với doanh nghiệp chỉ có vốn cổ phần trong nước. Ở Nga chỉ có một khác biệt nhỏ; đó là, các công ty có cổ phần nước ngoài phải kiểm toán ít nhất 3 năm một lần; và yêu cầu này không áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước.

17. Về ngành, nghề kinh doanh, ở Nga có phân biệt: cấm kinh doanh, kinh doanh cần phải có giấy phép đặc biệt và tự do kinh doanh; còn ở Séc, hình như không còn lĩnh vực cấm kinh doanh. Các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, cơ cấu sở hữu đều được quyền tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Séc đã là thành viên của WTO và EU, nhưng không còn bảo lưu bất cứ ngành, nghề nào; tự do hoá và mở cửa không hạn chế đối với đầu tư nước ngoài.

18. Ở cả 2 nước, không có chế độ cấp phép đầu tư. Để kinh doanh, trước hết, các nhà đầu tư phải đăng ký thành lập doanh nghiệp với thủ tục và điều kiện như nhau đối với cả người đầu tư trong nước và người đầu tư nước ngoài. Sau đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tuỳ thuộc vào ngành, nghề kinh doanh, bị chi phối và điều chỉnh bởi các quy định pháp luật tương ứng. Ví dụ, để xây dựng một nhà máy, doanh nghiệp không cần xin phép đầu tư, không cần trình dự án đầu tư, không cần xác nhận vốn và chứng minh nguồn vốn.v.v.v. Tuy vậy, doanh nghiệp phải có được chấp thuận về địa điểm xây nhà máy, có giấy phép xây dựng; khi xây xong nhà máy, thì phải qua kiểm định về tiêu chuẩn môi trường, vệ sinh dịch tễ, điều kiện lao động .v.v..bởi một hội đồng kiểm định; sau đó, nhà máy mới bắt đầu hoạt động. Tất cả các “công việc quản lý” nói trên đều do các cơ quan tương ứng của Chính quyền địa phương thực hiện; không có sự chi phối, chỉ đạo trực tiếp của cơ quan trung ương.

Về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước hết, ở cả hai nước, người ta đã coi sở hữu tư nhân là một trong các trụ cột nền tảng của xã hội, là điều kiện không thể thiếu của kinh tế thị trường. Do đó, kinh tế tư nhân có không gian và điều kiện phát triển tối đa không hạn chế; còn doanh nghiệp nhà nước và tài sản nhà nước chỉ khống chế ở mức tối thiểu đủ duy trì hoạt động “bình thường” của nhà nước.

Tuy vậy, ở Nga không có chính sách và bộ máy riêng hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn ở Séc, thì Czinvest Agency ( Cơ quan đầu tư Séc, trực thuộc Bộ công nghiệp và thương mại) chịu trách nhiệm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Séc sử dụng chính sách chung của EU trong lĩnh vực này; nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Séc gồm nguồn từ ngân sách Chính phủ và quỹ tái cơ cấu của EU. Czinvestthực hiện cả hai chức năng hỗ trợ và xúc tiến đầu tư; có chi nhánh ở 14 tỉnh, và 7 văn phòng đại diện ở nước ngoài. Về hỗ trợ, có thể coi Czinvest là “trung gian” giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các quỹ hỗ trợ. Cơ chế “hậu hỗ trợ” được thực hiện. Tức là, các doanh nghiệp đầu tư, nếu dự án hội đủ điều kiện được ưu đãi, thì làm đơn, kèm hồ sơ chứng minh về việc thực hiện dự án. Như vậy, hỗ trợ chỉ được cấp khi dự án đã được thực hiện.


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi