Báo cáo Kết quả diễn đàn quốc tế về cải cách kinh tế lần thứ sáu của các nền kinh tế chuyển đổi Châu Á tại Hải Nam, Trung Quốc, từ 28/03/2009-29/3/2009.
Hoạt động

Báo cáo Kết quả diễn đàn quốc tế về cải cách kinh tế lần thứ sáu của các nền kinh tế chuyển đổi Châu Á tại Hải Nam, Trung Quốc, từ 28/03/2009-29/3/2009.

19/03/2009 - 8327 lượt xem

1. Tất cả các quốc gia tham dự Diễn đàn đã và đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế (IFC) ở mức độ khác nhau, trong đó chịu tác động nặng nề hơn cả là Trung Quốc. Với tốc độ tăng trưởng GDP dương trong năm 2008, hầu hết các nền kinh tế chuyển đổi và mới nổi Châu Á không rơi vào khủng hoảng, mà là suy giảm kinh tế.

2. Về diễn biến tới đây của cuộc khủng hoảng có nhiều ý kiến khác nhau. Một số cho rằng khủng hoảng vẫn tiếp diễn và chưa đến đáy, một số khác lại cho thấy bắt đầu có bằng chứng đã qua đáy khủng hoảng. Tuy vậy, phần lớn nhất trí rằng diễn biến của IFC vẫn còn phức tạp và tác động của nó đã lan rộng trên phạm vi toàn cầu xét cả về khía cạnh kinh tế và xã hội.

3. Tác động tiêu cực của IFC đến các nền kinh tế đang phát triển có thể gây ra bởi nhiều kênh khác nhau:

-Do giảm dòng vốn tư nhân gồm FDI và vốn đầu tư gián tiếp;

-Bất ổn tăng trên thị trường vốn;

-Rủi ro về tỷ giá hối đoái do dòng vốn thiếu ổn định;

-Có thể giảm vốn ODA và cho vay nợ của các nước phát triển;

-Giảm cho vay tín dụng thương mại;

-Có thể giảm tiền gửi về nước;

-Giảm cầu hàng hóa và dịch vụ ở các nền kinh tế phát triển (hàng hóa cuối cùng và hàng hóa trung gian; cầu đối với xuất khẩu dịch vụ của nước đang phát triển);

-Giảm cầu đối với những hàng hóa có thể gây bất ổn giá hàng hóa nói chung. Tác động qua kênh này tuy nhiên còn phụ thuộc vào nước bị ảnh hưởng là nước dư mua hay dư bán hàng hóa đó.

Các nước tham gia Diễn đàn bị ảnh hưởng của IFC đều rơi vào một hay nhiều trường hợp nêu trên. Chẳng hạn, Trung Quốc là nước đang phải hứng chịu tác động nặng nề do giảm cầu hàng hóa và dịch vụ của nước này ở các nước phát triển. Trong khi đó, một số nước bị lệ thuộc nhiều vào dòng tiền gửi về nước như Kyrgyztan.

4. Bên cạnh giảm mạnh thương mại toàn cầu và suy giảm tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp, các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn còn cảnh báo tác động xã hội gián tiếp của IFC đến các nước đang phát triển qua kênh thương mại toàn cầu, đặc biệt là tác động của suy giảm thương mại toàn cầu đến các mục tiêu phát triển con người và xóa đói giảm nghèo. Căn cứ cho nhận định này là đã thấy dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Nếu tự do hóa thương mại được coi là động lực của tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo trước khi IFC xảy ra, thì chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng có nghĩa là thương mại sẽ đánh mất vai trò động lực này. Hệ quả là có thể gia tăng thất nghiệp, thiếu việc làm, điều kiện lao động tồi đi do bùng nổ lao động trong khu vực phi kết cấu … gây tác động ngược đến vấn đề giới, phát triển con người và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

5. Cho đến nay, các nước trên thế giới đều đã có phản ứng chính sách nhằm đối phó với khủng hoảng và ngăn chặn suy giảm kinh tế. Phản ứng chính sách của các nước G20 bao gồm:

- Hỗ trợ khu vực tài chính: các nước phát triển dành trung bình 5,25% GDP để hỗ trợ khu vực tài chính. Nếu tính cả các khoản bảo lãnh và tăng tính thanh khoản của Ngân hàng TƯ cho khu vực này thì gói hỗ trợ thực tế ước lên đến 43,1% GDP.

- Thực hiện gói kích thích kinh tế trong ba năm, với giá trị trung bình bằng 0,5% GDP trong năm 2008, 1,5% GDP trong năm 2009 và 1% trong năm 2010. Gói kích thích kinh tế hướng vào các mục tiêu sau:

+ Thực hiện chính sách tài khóa để hỗ trợ các ngành công nghiệp đang bị kiệt quệ vì khủng hoảng, trong đó ưu tiên ngành sử dụng nhiều lao động, người thất nghiệp, người nghèo thông qua các chương trình đặc biệt tạo việc làm, tập trung vào khu vực nông nghiệp và sản xuất lương thực.

+ Hỗ trợ người nghèo nhằm tăng sức mua, qua đó kích cầu tiêu dùng.

+ Hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng và chi tiêu cho các lĩnh vực xã hội, mạng lưới an sinh xã hội.

-Một loạt các phản ứng khác như tăng vai trò của thể chế ngân hàng phát triển trong hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhằm đồng thời tăng cung và cầu trên thị trường nội địa; Thực hiện vai trò quyết định trong tăng ODA và cho vay ưu đãi đối với các nước đang phát triển; cân nhắc các chiến lược thương mại tới đây và phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

-G 20 cho rằng cần có sự đồng bộ về chính sách và phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ giữa các quốc gia, vùng và quốc tế. Đồng thời, cần tiến hành cải cách nền tảng cấu trúc tài chính quốc tế trong trung và dài hạn, trong đó gồm cả các nước đang phát triển.

Các nền kinh tế chuyển đổi có những phản ứng chính sách khác nhau nhằm chống tác động của IFC, nhưng hầu hết cũng sử dụng gói kích thích kinh tế kết hợp với chính sách tiền tệ có phần nới lỏng nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư. Về nguyên tắc, các biện pháp tập trung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo an ninh lương thực; hỗ trợ người nghèo, an sinh xã hội như vấn đề thất nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng cơ sở hạ tầng…Tuy vậy, ở một vài nước, các giải pháp kích cầu được thực hiện thận trọng hơn do ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính ổn định của hệ thống ngân hàng (Kyrgyztan và Việt Nam có tỷ lệ lạm phát năm 2008 khoảng 20%).

7. Cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế đã ảnh hưởng rõ nét đến Trung Quốc. Theo đánh giá của các chuyên gia Trung Quốc, nền kinh tế nước này đã trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh (trên 10%) từ sau khi gia nhập WTO, nhưng cũng từ đó ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào cầu tiêu dùng của bên ngoài và không thể tách rời khỏi nền kinh tế thế giới. Trước mắt, mục tiêu 8% tăng trưởng GDP trong năm 2009 là một thách thức lớn đối với Trung Quốc. Nhưng nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, Trung Quốc có thể phải đối mặt với vấn đề thất nghiệp gia tăng và chi phí tăng cho đảm bảo an sinh xã hội. Đây là bài toán lớn không dễ có lời giải trong diễn biến còn khá phức tạp của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo tại Diễn đàn, ước tính đã có khoảng 20 triệu người thất nghiệp do khủng hoảng, 4 triệu người thiếu việc làm, 6 triệu người đang tìm việc làm. Tình trạng dòng di cư lao động ngược chiều từ thành thị về nông thôn đang gây sức ép lớn đối với khu vực phi kết cấu xét về việc làm, điều kiện làm việc cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đang yếu và thiếu ở nông thôn.

Ngay từ Quí IV năm 2008, Trung Quốc đã phản ứng nhanh bằng gói kích thích kinh tế 4 nghìn tỷ NDT (gần 590 tỷ USD). Mục tiêu của gói kích thích kinh tế là nhằm duy trì mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2009, phát triển nông thôn, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn và tái cơ cấu ngành công nghiệp. Trọng tâm của gói giải pháp là kích cầu tiêu dùng và đầu tư ở khu vực nông thôn thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cho giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội cơ bản, an sinh xã hội khu vực nông thôn; xây dựng nhà ở xã hội; tái thiết lại cơ sở hạ tầng tỉnh Tứ Xuyên sau hậu quả nặng nề của động đất trong năm 2008 và một phần sử dụng để tái cơ cấu một số ngành công nghiệp chịu tác động nặng nề của IFC (ví dụ ngành chế biến như dệt, may, ngân hàng…).

Trong thực hiện các giải pháp chống tác động của IFC, Trung Quốc đã nhấn mạnh chính sách phát triển nông thôn, bao gồm chính sách đất đai đối với nông dân, cải cách ruộng đất, trưng thu đất thực hiện đô thị hóa, tạo việc làm và nâng thu nhập ở nông thôn, cung cấp và tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở vùng nông thôn. Đối với người nghèo và nông dân, đất đai không chỉ tạo thu nhập, mà còn là tài sản đảm bảo xã hội. Nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng và phê phán đầu tư cho dịch vụ xã hội cơ bản chưa tương xứng cho vùng nông thôn. Hệ quả của nó là làm trầm trọng thêm tác động xấu của IFC đến khu vực này cũng như cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tượng thiểu phát trong hai tháng đầu năm 2009 chứng tỏ những biện pháp đã thực hiện chưa đủ kích thích kinh tế. Nguyên nhân có thể do một số thể chế cho vay không hoạt động tốt mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng tín dụng(từ tháng 2 cho vay nhiều hơn theo chương trình hỗ trợ). Bên cạnh đó, kích cầu trong nước có tác động làm tăng tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nhưng lại chưa thực sự tác động đến cầu tiêu dùng ở khu vực nông thôn hay người dân nông thôn chưa được hưởng lợi từ chính sách kích cầu. Đó cũng là hạn chế lớn nhất của gói kích cầu nhằm chống tác động của IFC gắn với phát triển khu vực nông thôn về lâu dài, trong khi đó tăng cầu ở khu vực nông thôn được cho là có tính quyết định đến tăng cầu tiêu dùng trong nước. Từ đó, nhiều ý kiến đề xuất Trung Quốc cần trước hết phát triển ngành công nghiệp chế biến (CNCB) tại nông thôn, tiếp theo là thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ phục vụ CNCB, từ đó tạo ra cầu nối giữa ngành CNCB và dịch vụ. Cách tiếp cận này sẽ góp phần tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, có nghĩa là kích thích tăng tiêu dùng ở nông thôn.

8. Nhìn chung có sự nhất trí cao khi cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu chính là sự yếu kém của Chính phủ Mỹ nói riêng và các chính phủ nói chung trong thực hiện chức năng giám sát các thể chế tài chính, phản ứng chính sách chậm khi có dấu hiệu xảy ra khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng cũng là bằng chứng cho sự yếu kém của chính phủ trong quản lý kinh tế ở Mỹ cũng như ở các nền kinh tế khác. Bong bóng giá tài sản ở Mỹ là hệ quả của tình trạng cho vay dưới chuẩn, duy trì chính sách lãi suất thấp trong thời gian dài đi kèm với thất bại trong phát hiện, quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đã có ý kiến phê phán chính sách kinh tế của Mỹ trong vòng 5 năm qua dẫn đến kích thích tiêu dùng quá mức, trong khi tiêu dùng lại dựa vào tín dụng. Bên cạnh đó, chi phí quá lớn cho y tế và an sinh xã hội (khoảng 15% GDP hàng năm) do khu vực doanh nghiệp hứng chịu làm chi phí sản xuất bị đẩy lên quá cao so với thực lực của khu vực này. Với những hệ quả gây ra đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của Mỹ trong đối phó với khủng hoảng.

Do vậy, cải cách chính phủ là cần thiết. Các đề xuất là chính phủ cần giảm can thiệp hành chính, quản lý theo tín hiệu thị trường; thực hiện tốt chức năng giám sát tài chính, hệ thống ngân hàng, thắt chặt các qui định đối với hệ thống ngân hàng được cho là quá lỏng lẻo trước khủng hoảng. Bên cạnh đó, chính phủ cần xác định rõ quan điểm chính trị là xây dựng lòng tin đối với dân chúng. Muốn vậy, cần giám sát bằng các chỉ tiêu, qui chế tiêu chuẩn và theo các nguyên tắc đã được chuẩn hóa.

Ở Trung Quốc, nhiều vấn đề nổi lên xuất phát từ sự yếu kém trong thực hiện chức năng quản lý của chính phủ, nhất là chính quyền địa phương. Chính phủ thực hiện chức năng đảm bảo phúc lợi xã hội, giảm những nhân tố bất định ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, tâm lý… Đây cũng là cuộc khủng hoảng lòng tin của dân chúng đối với chính phủ.

Năng lực ứng phó khủng hoảng của chính quyền còn thể hiện qua hiệu quả thực hiện trách nhiệm cung ứng dịch vụ xã hội cho người dân, ví dụ giải quyết tình trạng thất nghiệp, việc làm, giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội… Đó là những thách thức lớn đối với chính quyền địa phương trong đối phó với tác động của IFC.

9. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần có vai trò quan trọng hơn trong cuộc chiến chống tác động của IFC trên thế giới. Sau 30 năm tiến hành cải cách và chuyển đổi, Trung Quốc giờ đây là một trong số bốn nền kinh tế mới nổi và bắt đầu có được vị trí nhất định đối với nền kinh tế thế giới. Trung Quốc không chỉ vươn lên vị trí thứ ba thế giới về qui mô kinh tế, mà còn là nước có dự trữ lớn nhất thế giới với gần 2000 tỷ USD và đông dân nhất thế giới.

Để vượt qua khủng hoảng, thế giới cần sự hợp tác tích cực hơn nữa, thông qua nhiều hình thức khác nhau như hợp tác Nam – Nam, hợp tác khu vực. Đồng thời cần kêu gọi các nước phát triển cam kết và tích cực hơn để đối phó với khủng hoảng. Ở khu vực Châu Á cũng cần đẩy mạnh hợp tác khu vực như hợp tác Trung Quốc-ASEAN, ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản). Muốn vậy cần chính phủ mạnh để cam kết và thực hiện hợp tác.

10. Bên cạnh nguy cơ, cuộc khủng hoảng cũng là cơ hội để thúc đẩy cải cách nhằm vượt qua khủng hoảng và tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng IFC chỉ là một lí do, bởi đối với các nền kinh tế chuyển đổi Châu Á, tiếp tục cải cách vẫn cần thiết ngay cả khi cuộc khủng hoảng không xảy ra.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng qua cuộc khủng hoảng, những yếu kém về mô hình phát triển kinh tế đã bộc lộ rõ. Đối với Trung Quốc và một số nước, cuộc khủng hoảng đã chấm dứt chuỗi thời gian thành công của mô hình công nghiệp chế biến dựa vào xuất khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc còn gặp phải vấn đề sản xuất hàng hóa thừa, trong khi gia tăng bất bình đẳng về phân phối thu nhập dấn đến bất hợp lý về cơ cấu cầu tiêu dùng[1]. Nhận ra được bài học này sẽ là cơ hội tốt cho nghiên cứu, chuyển đổi mô hình phát triển. Để gói kích thích kinh tế có hiệu quả nhằm chống khủng hoảng cần có sự kết hợp giữa tăng trưởng với cải cách, thể hiện ở ba điểm sau:

- Duy trì tăng trưởng đi đôi với cải cách thể chế (được ví như phương thức hai bàn tay). Một mặt điều chỉnh chính sách, dùng gói tài chính để kích cầu đầu tư (bàn tay thứ nhất), mặt khác cải cách thể chế để thúc đẩy thị trường và phát huy những yếu tố tiềm năng cho tăng trưởng (bàn tay thứ hai). Kinh nghiệm cho thấy, các nước thường dùng bàn tay thứ nhất, chưa dùng bàn tay thứ hai là cải cách thể chế. Liên hệ trường hợp của Trung Quốc về gói kích thích kinh tế 4 nghìn tỷ NDT nhằm mục tiêu tăng trưởng 8 %, nếu chỉ dựa vào kích cầu sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng.

- Tăng trưởng cần đi đôi với tạo việc làm. Muốn vậy Trung Quốc cần thay đổi mô hình tăng trưởng vốn không còn phù hợp nữa. Ví dụ như chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, dịch vụ xã hội cơ bản không được đáp ứng ở nông thôn cũng như đối với lao động nông thôn ra thành thị. Đó là những rào cản cho tăng trưởng tạo nhiều việc làm.

- Tiếp tục cải cách theo hướng thị trường, bao gồm:

+ Cải cách cơ cấu, giảm và xóa bỏ độc quyền, chú trọng hơn chính sách vĩ mô trong trung hạn thay vì quá tập trung vào chính sách ngắn hạn như hiện nay.

+ Cải cách lĩnh vực xã hội: Nhiều vấn đề kinh tế có nguyên nhân xã hội, do lệch pha giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội ( ví dụ phân phối không công bằng, dịch vụ công không tốt). Do dó, cần điều chỉnh chính sách xã hội tương ứng hướng tới người dễ bị tổn thương, tăng dịch vụ công nhằm tạo lòng tin đối với dân, đồng thời có tác động kích cầu tiêu dùng trong ngắn hạn. Về dài hạn đòi hỏi kết hợp cải cách kinh tế, cải cách xã hội và cải cách dịch vụ công.

+ Cần tiếp tục mở cửa nền kinh tế, tăng cường hợp tác để chống bảo hộ mậu dịch, tăng hợp tác trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ với các nước khác. Thực hiện gói kích cầu lớn là thách thức lớn đối với khu vực công. Vai trò của Chính phủ là lôi cuốn đầu tư xã hội, không phủ nhận vai trò của thị trường. Muốn vậy, Chính phủ cần can thiệp một cách hiệu quả, thực hiện chức năng điều phối nguồn lực, điều chỉnh ngắn hạn cần hướng tới mục tiêu dài hạn (ví dụ khi giảm trợ cấp một số ngành). Đặc biệt là cần tăng vai trò đối với đảm bảo dịch vụ công, tăng đầu tư cho giáo dục và y tế.

Cuộc khủng hoảng đã đem lại bài học và gợi mở nhiều điều cho các nền kinh tế chuyển đổi. Đó là cần xây dựng hệ thống tài chính quốc gia lành mạnh, tăng cường đầu tư cho khu vực nông thôn, tăng đầu tư cho lĩnh vực xã hội, tăng trưởng cần song hành với cải cách thế chế, tiếp tục cải cách chính phủ, tiếp tục mở cửa. Cuối cùng, các nước cần thúc đẩy hợp tác để cùng chống tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

--------------------------------------------------------------------------------

[1]Người giàu tập trung vào sản phẩm tiêu dùng cao cấp, lâu bền, trong khi đại đa số người nghèo không tham gia thị trương này là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thừa.

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi