Báo cáo kết quả tham dự hội thảo quốc tế về "Thực thi hợp đồng tại Việt Nam, Bru-nây, Ả rập Xê-út" 10/2013
Hoạt động

Báo cáo kết quả tham dự hội thảo quốc tế về "Thực thi hợp đồng tại Việt Nam, Bru-nây, Ả rập Xê-út" 10/2013

19/11/2013 - 12138 lượt xem

                                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                                        Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

                                                                  ---------o0o-----------

                                                                                                                    Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2013

 

                                                                         BÁO CÁO

       KẾT QUẢ THAM DỰ HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ “Thực thi hợp đồng tại Việt Nam, Bru-nây, Ả Rập XÊ-ÚT”

Từ ngày 30-31 tháng 10 năm 2013 tại Sơ-un, Cộng hòa Hàn Quốc

Trong chương trình Cải cách nhằm tạo thuận lợi hóa cho hoạt động kinh doanh của Ủy ban Kinh tế, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hiện đang phối hợp với Bộ Tư pháp Hàn Quốc và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc triển khai hoạt động nghiên cứu về Nâng cao hiệu lực thực thi hợp đồng tại Việt Nam – Pha II. Trong khuôn khổ hoạt động này, Viện đã chủ trì đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Hội thảo quốc tế về “Thực thi hợp đồng tại Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Việt Nam và Ả-rập Xê-út”do Bộ Tư pháp Hàn Quốc và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đồng tổ chức tại Sơ-un, Hàn Quốc vào hai ngày 30-31 tháng 10 năm 2013. Thành phần đoàn đại biểu của Việt Nam về phía Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gồm có TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng, Trưởng đoàn; Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, đại diện Việt Nam tại Ủy ban Kinh tế APEC; Ông Phan Đức Hiếu, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh cùng bà Đinh Thu Hằng và TS. Lê Hương Linh, các nghiên cứu viên của Ban Chính sách kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, tham gia đoàn còn có các cán bộ của Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), Vụ Hợp tác quốc tế (Tòa án Nhân dân Tối cao) và Tòa Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

Đến dự Hội thảo có khoảng 50 đại biểu quốc tế, đại diện của các cơ quan tư pháp, các công ty luật đến từ các quốc gia Bru-nây, Việt Nam, Ả rập Xê-Út, Phi-líp-pin, Mê-hi-cô và 30 đại biểu của nước chủ nhà Hàn Quốc. Trong đó, các đại biểu của Phi-líp-pin và Mê-hi-cô đến tham dự với tư cách quan sát viên. Báo cáo viên tại Hội thảo là các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Cơ quan trọng tài quốc tế của Liên Hợp Quốc, và đại diện công ty luật ở các quốc gia được nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Lãnh đạo các Bộ Tư pháp, Ngoại giao, và Quản trị Tòa án Quốc gia của Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu lực thực thi hợp đồng đối với quá trình hợp tác và phát triển kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định sẽ tích cực hợp tác, trợ giúp kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm với các nước đối tác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo diễn đàn để các chuyên gia chia sẻ thông tin và kiến thức liên quan đến hoạt động thực thi hợp đồng thông qua các quan điểm, kinh nghiệm và thực tế của mỗi quốc gia/nền kinh tế được trình bày trong suốt hội thảo.

Tham gia phần Khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - khẳng định cải thiện môi trường kinh doanh vẫn đang là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam, trong đó thực thi hợp đồng là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Cho đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện khung pháp lý đối với hợp đồng thương mại, hợp đồng kinh doanh, phù hợp với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Năng lực của đội ngũ thẩm phán, cán bộ tư pháp, trọng tài viên, v.v. không ngừng được nâng cao. Nhiều thông lệ quốc tế đã và đang được xem xét và/hoặc áp dụng ở Việt Nam. Tuy vậy, nội dung thực thi hợp đồng vẫn cần được tiếp tục cải thiện trên nhiều phương diện, từ khung pháp lý, thể chế thực thi, cũng như vận dụng các thông lệ quốc tế tốt. Trong quá trình này, vai trò hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc – một điển hình về hiệu quả thực thi hợp đồng – đối với Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, mà còn với quá trình hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc.

Trong hai ngày hội thảo, các đại biểu trình bày và thảo luận nội dung về:

  • Tạo thuận lợi hóa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh: Tạo thuận lợi hóa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh là một nội dung quan trọng của APEC nói chung và của Ủy ban Kinh tế APEC nói riêng. Trong bối cảnh thuế quan ở khu vực APEC đã giảm đáng kể, các nền kinh tế thành viên đã chuyển mối quan tâm sang các biện pháp nhằm cải cách và xử lí những trở ngại về mặt cơ cấu và pháp lý. Đánh giá thực trạng của các nền kinh tế APEC trên các phương diện cụ thể của Tạo thuận lợi hóa cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, như khởi sự doanh nghiệp, thực thi hợp đồng, tiếp cận tín dụng, thương mại qua biên giới, v.v. giúp đưa ra cái nhìn toàn cảnh về vai trò của thực thi hợp đồng đối với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh – đầu tư. Phần đánh giá thực trạng này cũng cho thấy những nền kinh tế APEC đang đi đầu trên từng phương diện, và xếp hạng tương ứng của Bru-nây và Việt Nam. Trên cơ sở đó, những cải cách về mặt cơ chế tập trung vào chính sách trong nước và cải cách thể chế từ đó ảnh hưởng đến tự do lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ, nâng cao năng lực kinh doanh nhằm tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế một cách thuận lợi và hiệu quả.
  • Hiệu lực thực thi hợp đồng là một trong năm nội dung thuộc chủ đề Tạo thuận lợi hóa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của APEC. Các nghiên cứu cho thấy, tăng hiệu lực thực thi hợp đồng thường song hành với tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tăng lưu chuyển thương mại, và giảm khu vực phi chính thức. Dựa trên các vụ kiện với các giả định chung cho các nền kinh tế, hiệu lực thực thi hợp đồng được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu: số ngày giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa, các bước phải thực hiện từ khi khởi kiện cho tới khi nhận được phán quyết và thực thi phán quyết, chi phí cho luật sư, án phí và chi phí thực thi tính theo phần trăm giá trị hợp đồng.
  • Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, các kinh nghiệm quốc tế thành công trong cải thiện hiệu lực thực thi hợp đồng tập trung vào 4 lĩnh vực: chuyên môn hóa các tòa án thương mại, công khai hóa các phán quyết của tòa, thực hiện thủ tục khởi kiện và xét xử điện tử, đo lường/giám sát kết quả thực hiện. Các quốc gia đã thực hiện các biện pháp sau để tăng cường hiệu lực thực thi hợp đồng: tăng hiệu quả của các thủ tục ở Tòa thụ lý, làm cho các phán quyết được thực hiện một cách hiệu quả và/hoặc nhanh hơn, giới thiệu tòa án chuyên biệt xử các vụ liên quan tới thương mại, giới thiệu thủ tục khởi kiện qua con đường điện tử.
  • Thực trạng và định hướng phát triển hệ thống thực thi hợp đồng của Việt Nam. Nội dung này do Công ty tư vấn luật BizConsult dự thảo. Theo đó, Hệ thống thực thi hợp đồng của Việt Nam gồm 3 bộ phận chính: tòa án, trung tâm trọng tài, cơ quan thực thi. Trong 5 lĩnh vực Tạo thuận lợi hóa cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, thực thi hợp đồng là lĩnh vực mà Việt Nam có xếp hạng tương đối cao. Tuy vậy, đánh giá dựa trên các vụ tranh chấp (với điều kiện giả định chung) cho thấy dư địa để cải thiện hiệu lực thực thi hợp đồng ở Việt Nam còn khá nhiều. Các đề xuất cụ thể bao gồm: nâng cao trình độ của thẩm phán và bồi thẩm đoàn và các trọng tài viên; cải thiện hệ thống và năng lực của tòa án, cơ quan trọng tài; áp dụng công nghệ thông tin như “tòa án điện tử”; đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện thực thi hợp đồng; xem xét lại cơ chế chi phí thuê luật sư; v.v.
  • Hội thảo cũng xem xét và thảo luận về Hệ thống pháp luật thực thi hợp đồng của Bru-nây. Bộ máy tư pháp của Bru-nây hiện áp dụng Hệ thống quản lý các trường hợp tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các phiên tòa. Định hướng phát triển tiếp theo của quốc gia này được tập trung vào việc hình thành hệ thống tòa án điện tử, nâng cấp hệ thống và dịch vụ khởi kiện điện tử, cải cách về cơ cấu, thủ tục cũng như phân xử; nâng cao trình độ của các thẩm phán.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung và các đại biểu của Việt Nam đã có dịp được trao đổi với các quan chức, chuyên gia cao cấp của Hàn Quốc, Bru-nây Đa-rút-xa-lam và Ả-rập Xê-út về các vấn đề chung, điều kiện để thực thi hợp đồng có hiệu quả, xử lý tranh chấp hợp đồng v.v. và kinh nghiệm ở các nước trong khu vực. Trong phiên thảo luận về Việt Nam, đoàn đại biểu của Việt Nam cũng tích cực trao đổi về Dự thảo báo cáo “Thực thi hợp đồng ở Việt Nam” do Công ty Luật Bizconsult thực hiện. Các ý kiến trao đổi, thảo luận đã góp phần giúp các đại biểu quốc tế hiểu sâu hơn về thực trạng thực thi hợp đồng ở Việt Nam. Các nội dung góp ý này sẽ được Công ty Luật BizConsult tiếp thu, chỉnh sửa và gửi cho các cơ quan Việt Nam để lấy ý kiến trong thời gian sớm nhất. Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp vào ngày 31 tháng 10 năm 2013.

Bên lề Hội thảo, Bộ Quản trị Tòa án Quốc gia đã trân trọng mời TS. Nguyễn Đình Cung và đoàn đại biểu của Việt Nam tới thăm Tòa án Tối cao của Hàn Quốc và Trung tâm Công nghệ thông tin của Tòa án Tối cao Hàn Quốc. Trong chuyến thăm tới Trung tâm Công nghệ thông tin của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, đoàn đại biểu của Việt Nam đã được trực tiếp chứng kiến sự vận hành của hệ thống công nghệ thông tin cho mô hình Tòa điện tử của Hàn Quốc – một điển hình tiên tiến được thế giới công nhận. Hệ thống tòa án điện tử được kết nối song song và đồng bộ liên tục với một hệ thống khác nhằm tăng cường khả năng lưu trữ và ứng phó với các trường hợp rủi ro (ví dụ: bị tấn công mạng). Tòa án điện tử lưu trữ một khối lượng lớn dữ liệu liên quan tới các phiên tòa trong quá khứ. Từ hệ thống này, người dân và doanh nghiệp có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện điện tử, tòa án xét xử điện tử tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cũng như mang lại tính minh bạch, chính xác, khả năng tiếp cận thông tin. Ngoài ra, ba trung tâm phục hồi dữ liệu (back-up) cũng được thiết kế nằm rải rác trên cả nước nhằm kịp thời phục hồi dữ liệu khi xảy ra sự cố. Hệ thống phần mềm giúp tiếp nhận hồ sơ khởi kiện được xây dựng khá hiện đại, thân thiện với người sử dụng, kết quả xử lý nhanh. Chính vì vậy, mức độ sử dụng thủ tục khởi kiện điện tử là khá cao, tới 45% các vụ kiện. Thay mặt đoàn Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc và chúc Trung tâm Công nghệ Thông tin của Tòa án Tối cao Hàn Quốc tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, và có nỗ lực hợp tác phát triển để nhân rộng mô hình này ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nhìn chung, Hội thảo quốc tế về “Thực thi hợp đồng tại Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Việt Nam và Ả-rập Xê-út” đã thành công tốt đẹp. Đoàn đại biểu của Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động trao đổi, góp ý và đề xuất giải pháp chính sách tại Hội thảo. Nhiều ý kiến góp ý đã được ghi nhận, tiếp thu. Các hoạt động trao đổi và phối hợp của Đoàn đại biểu Việt Nam – với sự chủ trì của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cũng đã góp phần để lại những ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc với các đại biểu, chuyên gia quốc tế, qua đó làm bền chặt thêm quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia/nền kinh tế trong khu vực APEC.

                                             QUYỀN VIỆN TRƯỞNG

                                                  TRƯỞNG ĐOÀN

                                                Nguyễn Đình Cung


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi