Khảo sát tình hình thực hiện cơ chế chính sách phát triển nông thôn giai đoạn 2001- 2004 tại tỉnh Thanh Hóa (15- 19/12/2004) và Thái Nguyên (06- 11/12/2004)
Trong nước

Khảo sát tình hình thực hiện cơ chế chính sách phát triển nông thôn giai đoạn 2001- 2004 tại tỉnh Thanh Hóa (15- 19/12/2004) và Thái Nguyên (06- 11/12/2004)

19/03/2004 - 6477 lượt xem

- Thực trạng ruộng đất nông nghiệp của hai tỉnh rất manh mún, bình quân mỗi hộ có từ 6- 7 thửa. Thanh Hoá đã thực hiện công tác “đổi điền dồn thửa” nhưng mới chỉ tập trung ở các huyện đồng bằng, mặc dù Thanh Hóa làm công tác này tốt nhất cả nước. Trong khi ở tỉnh Thái Nguyên, việc chuyển đổi ruộng đất rất khó khăn. Thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa hình thành.

- Cung cấp thông tin thị trường đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp: chưa có đơn vị, cá nhân nào đứng ra đảm trách công việc này. Bản thân người nông dân thì không có điều kiện để tiếp cận thị trường, trình độ sử dụng công cụ khai thác thông tin của cán bộ địa phương còn yếu kém, trong khi vai trò của thông tin rất quan trọng. Điều này lý giải vì sao sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn là tự phát, tự cung tự cấp, chưa lấy thị trường làm định hướng sản xuất.

- Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Nhưng thực tế, nhiều công trình sau khi xây dựng xong, đưa vào sử dụng lại không có hiệu quả. Vì vậy, phải xác định công trình nào, xã nào được ưu tiên xây dựng trước tránh đầu tư dàn trải. Đồng thời cần phải chú ý đến việc khai thác, duy tu, bảo dưỡng công trình.

- Nguồn vốn huy động trên địa bàn không nhiều, do thu nhập bình quân/người còn thấp, vốn tích luỹ trong dân không lớn, chủ yếu chỉ huy động được vốn ngắn hạn. Vốn cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp, nguồn thu ngân sách của tỉnh chưa đáp ứng đủ chi thường xuyên. Bên cạnh đó, giá cả một số loại sản phẩm sản xuất trong tỉnh giảm trong khi giá đầu vào tăng, thị trường bị thu hẹp, gây khó khăn không nhỏ cho sản xuất, kinh doanh.

- Việc áp dụng các tiến bộ khoa học- công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, thị trường KH-CN chưa hình thành. Nguyên nhân chủ yếu là do khả năng tiếp nhận kỹ thuật mới của người nông dân còn yếu và nguồn ngân sách cho việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật còn quá mỏng.

- Vấn đề đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn của hai tỉnh thực sự vấp phải rất nhiều khó khăn. Tình trạng đào tạo xong nhưng không được sử dụng diễn ra phổ biến.

- Hai tỉnh đã có quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp nhỏ và vừa, phát triển ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, các hoạt động phi nông nghiệp trong nông thôn chưa có nhiều, một số nghề truyền thống chưa thực sự phát triển. Các khu công nghiệp, cụm công gnhiệp chưa thu hút được các nhà đầu tư như mong muốn.

- Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp sự biến động của nhu cầu thị trường. Chưa thực sự xác định được cơ cấu cây, con hợp lý trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi