DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh
Tin tức

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh

18/04/2025 - 106 lượt xem

Chiều ngày 17/4/2025, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức "Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh", tham dự và chủ trì Diễn đàn gồm có: Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, chiến lược Trung ương); Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế tài chính của Quốc hội khóa XV; Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) đánh giá, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường như hiện nay, liên kết doanh nghiệp càng trở nền quan trọng hơn để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, kết nối và hiện thực hóa các mô hình kinh doanh mới, chia sẻ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và ứng phó hiệu quả với các diễn biến bất lợi, nhờ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo bà Minh, các hình thức liên kết hiện nay đang ngày một đa dạng hơn, bao gồm hợp tác doanh nghiệp cùng ngành (liên kết ngang); hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng (liên kết dọc); đầu tư, góp vốn, mua bán, sáp nhập và hình thành các nhóm công ty, ký kết hợp tác chiến lược nhằm chia sẻ thị trường, thông tin, nghiên cứu và phát triển.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược

(Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) phát biểu tại Diễn đàn

Trong mối liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng tăng. Liên kết doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước có điều kiện thuận lợi để phát triển thông qua chủ trương cổ phần hóa và đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Tuy vậy, bà Minh nhận định, nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu sự liên kết chặt chẽ có tính hệ thống và bài bản.

Việt Nam đã có một số doanh nghiệp lớn tham gia cạnh tranh quốc tế, tham gia một số khâu, công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và thế giới. Tuy nhiên, mạng lưới doanh nghiệp liên kết vẫn bị giới hạn chủ yếu trong phạm vi số ít các doanh nghiệp cùng hệ thống sở hữu; đồng thời còn thiếu các doanh nghiệp lớn, cả doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân, có khả năng kết nối, làm chủ chuỗi giá trị và dẫn dắt hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước để phát triển các ngành kinh tế chiến lược quốc gia có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Bên cạnh đó, bà Minh cho rằng, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hoạt động đơn lẻ và chưa chủ động tham gia vào các quan hệ đối tác, liên kết. Trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, chuỗi cung ứng đứt gãy..., các doanh nghiệp trong nước không tạo được vòng tuần hoàn chặt chẽ để cùng liên kết, cung ứng, chia sẻ và tối đa hóa đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, cùng nhau phát triển.

Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Bà Minh chỉ ra, số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp FDI chỉ đạt khoảng 300 trên tổng số hơn 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó chủ yếu cung ứng hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng thấp hoặc đơn giản.

Toàn cảnh "Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh"

Số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2018-2024 cho thấy có trên 97% trả lời không có hoạt động liên quan đến xuất khẩu và 99% doanh nghiệp không có gia công hoặc sản xuất hàng hóa cho nước ngoài. Một nghiên cứu của VCCI năm 2022 cũng cho thấy, một nửa doanh nghiệp khảo sát trả lời (53,3%) không đặt mục tiêu gì khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tức là thiếu định hướng rõ ràng.

Bà Minh đánh giá, năng lực nội tại của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối hạn chế, từ cạnh tranh về giá, chất lượng cho đến khả năng giao hàng đúng thời hạn, thực hiện đơn hàng lớn, tiếp cận kênh phân phối. Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19, qua đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, và khả năng thích ứng và liên kết với bên ngoài.

Trong mối quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài, việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ để cùng tham gia chuỗi giá trị do một số nguyên nhân quan trọng.

Liên quan đến vấn đề thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp còn bất cập. Chính sách phát triển doanh nghiệp chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh để tham gia các liên kết doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và quốc tế. Hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp.

Trong khi đó, Việt Nam còn thiếu chính sách đặc thù về thúc đẩy các hình thức liên kết doanh nghiệp, nhất là chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh theo mức độ tham gia liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Quy định hiện hành chưa đủ thuận lợi cho hoạt động tiếp cận các hình thức cấp vốn theo chuỗi giá trị.

Do đó, bà Minh kiến nghị, trong thời gian tới cần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh. Theo đó, quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông hiện đại và các công nghệ điển hình.

Mặt khác, cần xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả để thực hiện quản lý nhà nước trên môi trường số và thực hiện các mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ cho các chủ thể kinh doanh. Khẩn trương hoàn thiện, kết nối, chia sẻ đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để hình thành một hệ thống thông tin kết nối và thống nhất về đăng ký kinh doanh, cấp phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, thuế, hóa đơn, báo cáo tài chính,...

Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng bằng chính sách ưu đãi vượt trội về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, mặt bằng kinh doanh theo mức độ tham gia liên kết.

Theo bà Minh, việc điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng nâng cao điều kiện ràng buộc về tỷ lệ nội địa hóa và tỷ lệ sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Nhà nước đầu tư và có cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Sớm hình thành và phát triển các khu thương mại tự do làm cứ điểm chiến lược để các doanh nghiệp phát triển tập trung và phát triển theo chuỗi liên kết ngành, gắn với các mô hình kinh doanh mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,...).

Đồng thời, cần thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam quy mô lớn đóng vai trò liên kết, quy tụ, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước ở một số ngành, lĩnh vực có thể đem lại vị thế quan trọng của quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

"Trước mắt, cần thúc đẩy phát triển thực chất đối với công nghiệp bán dẫn, điện tử tiên tiến, phát triển phần mềm và trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp, công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, các dịch vụ có tính kết nối (logistics, ICT) và hạ tầng thông minh. Ưu tiên mua sắm công đối với sản phẩm, dịch vụ của các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia thực hiện các dự án đầu tư công", bà Minh nói.

Cuối cùng, bà Minh cho rằng, cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tập trung vào thực hiện một số giải pháp đồng bộ như: Phát triển nền tảng số của Việt Nam để thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác và tận dụng nguồn lực chung. Xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu, giúp doanh nghiệp dễ dàng truy cập thông tin thị trường, xu hướng ngành và cơ hội hợp tác. Củng cố, đổi mới mô hình cụm liên kết ngành giữa các doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI theo chuỗi giá trị.

 

Nguồn Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

 


Tin tức khác