Đề tài NCKH cấp bộ

Đề tài: “Giải pháp đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc ở Việt Nam để phát triển bền vững nền kinh tế trong bối cảnh mới”

18/10/2021 - 1125 lượt xem

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ NĂM 2021

Giải pháp đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc ở Việt Nam để phát triển bền vững nền kinh tế trong bối cảnh mới

1. Tên đề tài: “Giải pháp đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc ở Việt Nam để phát triển bền vững nền kinh tế trong bối cảnh mới”

- Cấp quản lý: Cấp Bộ

- Cơ quan chủ quản: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Cơ quan quản lý: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

2. Chủ nhiệm đề tài: ThS. Hoàng Văn Cương, Nghiên cứu viên Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Mục tiêu nghiên cứu

- Mục tiêu tổng quát của Đề tài: Đề xuất các nhóm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội nhằm thích ứng nhanh hơn với việc ứng phó với những cú sốc tác động từ bên ngoài để phát triển bền vững nền kinh tế trong bối cảnh mới ở Việt Nam.

- Mục tiêu cụ thể của đề tài: (1) Làm rõ những vấn đề lý luận chung về hệ thống an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc để phát triển bền vững nền kinh tế; (2) Phân tích và đánh giá kinh nghiệm một số nước về đảm bảo hệ thống an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc để phát triển bền vững nền kinh tế; (3) Phân tích và đánh giá thực trạng hệ thống an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc để phát triển bền vững nền kinh tế tại Việt Nam thời gian qua, đặc biệt có chú ý đến việc phân tích đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid 19; và (4) Đề xuất phương hướng và giải pháp đảm bảo hệ thống an sinh xã hội nhằm ứng phó nhanh hơn với những cú sốc để phát triển bền vững nền kinh tế tại Việt Nam trong bối cảnh mới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu: Hệ thống giải pháp đảm bảo hệ thống an sinh xã hội nhằm ứng phó với những cú sốc để phát triển bền vững nền kinh tế tại Việt Nam trong bối cảnh mới, trong đó nhấn mạnh vào hai trụ cột là (i) Bảo hiểm xã hội và (ii) Trợ giúp xã hội.

4.2. Phạm vi nghiên cứu:

+ Về thời gian: Nghiên cứu tập trung đánh giá thực trạng và chính sách an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc để phát triển bền vững nền kinh tế trong một số mốc thời gian như khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, khủng hoảng tài chính năm 2008, đại địch SARS 2003, biến đổi khí hậu toàn cầu và gần đây là đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, đây là mốc thời gian thực hiện Cương lĩnh 2011, triển khai và thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2008, 2014; Hiến pháp 2013; Nghị quyết số 15 và Nghị quyết số 28 được thực hiện đồng bộ.

+ Về không gian: Cả nước.

+ Về nội dung: Đề tài tập trung đánh giá hệ thống an sinh xã hội dựa trên 02 bộ phận cơ bản (có thể gọi là các tiểu hệ thống) là (i) Bảo hiểm xã hội và (ii) Trợ giúp xã hội. Từ đó, đối chiếu vào các chức năng của hệ thống an sinh xã hội ứng phó với các cú sốc để phát triển bền vững nền kinh tế (gồm: (i) Chức năng phòng ngừa; (ii) Giảm thiểu rủi ro; và (iii) Khắc phục rủi ro). Để từ đó, Đề tài đề xuất giải pháp đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc ở Việt Nam để phát triển bền vững nền kinh tế trong bối cảnh mới.

Các cú sốc được xem xét ở đây là các cú sốc mang tính chất vĩ mô. Trong đó, tập trung vào cú sốc gần đây nhất là đại dịch Covid-19 và những cú sốc có tần suất xảy ra ngày càng tăng trong thời gian qua và dự báo trong thời gian tới là những cú sốc liên quan tới biến đổi khí hậu và môi trường.

Trong phân tích dẫn chứng cụ thể, Đề tài sẽ nhấn mạnh vào việc tổ chức, triển khai và thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Từ đó sẽ có những đề xuất giải pháp quản lý kinh tế vĩ mô dưới góc độ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

5. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cách tiếp cận

Để thực hiện mục tiêu đặt ra trong nghiên cứu này, các cách tiếp cận của Đề tài như sau:

- Từ lý luận đến thực tế: Đề tài nghiên cứu các cách tiếp cận khác nhau từ các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước về hệ thống giải pháp ASXH, ứng phó với các cú sốc nhằm đảm bảo phát triển kinh tế bền vững của các quốc gia khác nhau trên thế giới, rút ra bài học cho Việt Nam. Trên cơ sở phân tích thực trạng về các giải pháp đảm bảo ASXH, ứng phó với những cú sốc để phát triển kinh tế bền vững trong thời gian qua ở Việt Nam, kết hợp với bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Đề tài sẽ đưa ra các định hướng và đề xuất các giải pháp tăng cường đảm bảo ASXH, ứng phó với những cú sốc ở Việt Nam trong những năm tới nhằm phát triển bền vững nền kinh tế.

- Từ khái quát đến cụ thể: Để đánh giá các giải pháp ASXH ứng phó với những cú sốc để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu các vấn đề cơ bản của hệ thống ASXH, các trụ cột và chức năng chính của hệ thống này, nội dung và tình hình thực hiện đảm bảo ASXH. Đồng thời, để đưa ra bức tranh tổng thể về các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc để phát triển kinh tế bền vững trong thời gian qua ở Việt Nam, nhất là trong đại dịch Covid-19, Đề tài sử dụng các nguồn số liệu thứ cấp trong nước để đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và những vấn đề tồn tại đang đặt ra.

- Cách tiếp cận liên ngành: Đảm bảo ASXH ứng phó với những cú sốc để phát triển kinh tế bền vững không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn là trách nhiệm Bộ tổng hợp, đề xuất chính sách (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các Bộ tổ chức thực thi chính sách liên quan. Việc thực hiện các mục tiêu về ASXH, y tế, giáo dục, hay xóa đói giảm nghèo… muốn đạt được không chỉ phụ thuộc vào trách nhiệm và năng lực của các Bộ ngành mà còn là sự phối kết hợp trong tổ chức triển khai hoạt động của các cơ quan quản lý của chính quyền trung ương, địa phương.

Do đó, cách tiếp cận này giúp Đề tài có cái nhìn tổng quát về các chính sách đảm bảo ASXH ứng phó với những cú sốc một cách toàn diện nhất.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra, Đề tài dự kiến sử dụng một số phương pháp chính sau:

- Phương pháp phân tích kết hợp với tổng hợp các nghiên cứu, kết quả nghiên cứu từ các công trình có liên quan và các công trình/báo cáo đánh giá về giải pháp chính sách đảm bảo ASXH ứng phó với những cú sốc để phát triển kinh tế bền vững.

- Lấy ý kiến chuyên gia thông qua trao đổi tại Hội thảo, thảo luận nhóm.

Ngoài ra, Đề tài sử dụng phương pháp thống kê, phân tích các số liệu thứ cấp để làm cơ sở, căn cứ cho các nhận định và nội dung phân tích của Đề tài.

6. Dự kiến những đóng góp mới của Đề tài

- Làm rõ cơ sở lý luận thông qua các nghiên cứu trong và ngoài nước, kinh nghiệm thực tiễn của một số nước về giải pháp đảm bảo ASXH, ứng phó với những cú sốc để phát triển kinh tế bền vững.

- Thông qua các tài liệu, số liệu thứ cấp, Đề tài sẽ đánh giá, đưa ra bức tranh tổng thể về các giải pháp đảm bảo ASXH, ứng phó với những cú sốc để phát triển kinh tế bền vững trong thời gian qua ở Việt Nam, từ đó chỉ rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, và những vấn đề tồn tại đang đặt ra.

- Đưa ra các định hướng và đề xuất các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với những cú sốc ở Việt Nam để phát triển bền vững nền kinh tế trong bối cảnh mới.

7. Kết cấu Đề tài

Ngoài các phần như mục lục, danh mục từ viết tắt, danh mục bảng, biểu, hình, hộp và sơ đồ, cấu trúc/bố cục của Đề tài gồm các phần như sau:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận chung và kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc để phát triển kinh tế bền vững.

Chương 2: Đánh giá thực trạng đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam thời gian qua.

Chương 3: Các phương hướng và giải pháp đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với những cú sốc ở Việt Nam phát triển bền vững nền kinh tế trong bối cảnh mới.