27/05/2020 - 2994 lượt xem
Tóm tắt đề tài
1. Tên đề tài: Một số khuyến nghị giải pháp phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2021- 2030
- Cấp quản lý: cấp Bộ
- Cơ quan chủ quản: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Cơ quan quản lý: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
2. Chủ nhiệm đề tài: ThS. Trịnh Đức Chiều - Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp
3. Mục tiêu nghiên cứu:
Mục tiêu tổng quát của đề tài: Đề xuất phương hướng và mục tiêu đối với phát triển kinh tế tư nhân và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2021- 2030.
Mục tiêu cụ thể của đề tài: (1) Tổng quan làm rõ những vấn đề lý luận về vai trò của KTTN trong nền kinh tế; (2) Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và rút ra một số bài học về xác định vai trò và định hướng phát triển đối với KTTN; (3) Đánh giá thực trạng về KTTN tại Việt Nam; (4) Đề xuất định hướng và mục tiêu về phát triển KTTN giai đoạn 2021-2030 và một số giải pháp chính sách chủ yếu nhằm phát triển KTTN.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
Đối tượng nghiên cứu của đề tài: Đề tài tập trung xem xét, đánh giá hệ thống quy định pháp luật và chính sách về phát triển kinh tế tư nhân cũng như quá trình triển khai thực hiện các quy định, chính sách này. Đề tài cũng đánh giá thực trạng phát triển của các chủ thể thuộc khu vực kinh tế tư nhân, trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp của tư nhân.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài:
- Về không gian:
Nghiên cứu vấn đề phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
- Về thời gian: Đánh giá thực trạng phát triển KTTN kể từ sau Đổi mới, trong đó, tập trung vào giai đoạn 2011-2020 và đề xuất quan điểm, định hướng và giải pháp được áp dụng cho giai đoạn 2021-2030.
5. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
Cách tiếp cận của đề tài: Từ góc độ khung lý luận về kinh tế tư nhân và kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ; thực tiễn vai trò của kinh tế tư nhân trong các nền kinh tế; thực trạng phát triển kinh tế tư nhân tại Việt nam giai đoạn 2011- 2020 và yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh mới để đề xuất quan điểm, phương hướng và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân đến 2030. Quy trình nghiên cứu tổng quát của đề tài như sau:
Bước 1: Nghiên cứu, rà soát cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tư nhân và bài học cho Việt Nam.
Bước 2: Phân tích thực trạng khung pháp luật và chính sách đối với phát triển kinh tế tư nhân và thực trạng phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam, tập trung vào giai đoạn 2011- 2020 và những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế và nguyên nhân đối với phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Bước 3: Trên cơ sở phân tích bối cảnh, kết hợp với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam đề xuất mục tiêu và khuyến nghị giải pháp nhằm phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2021- 2030.
Phương pháp nghiên cứu: Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu tại bàn: tổng quan, phân tích các nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật, chính sách của nhà nước; tổng hợp tài liệu thứ cấp, so sánh, thống kê mô tả.
Ngoài ra, đề tài còn sử dụng phương pháp chuyên gia thông qua hình thức toạ đàm.
6. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục, Đề tài được kết cấu gồm 3 chương chính:
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn đối với phát triển kinh tế tư nhân
Chương 2. Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam
Chương 3. Một số đề xuất về mục tiêu, định hướng và khuyến nghị giải pháp phát triển kinh tế tư nhân.