Đề tài NCKH cấp bộ

Nghiên cứu phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư công ở Việt Nam

16/03/2011 - 7970 lượt xem

Đề tài cấp Bộ 2011 về “Nghiên cứu phân cấp quản lý Nhà nước về đầu tư công ở Việt Nam” đã tập trung nghiên cứu phân tích thực trạng phân cấp quản lý ĐTC ở Việt Nam từ năm 2000 đến nay, trong đó tìm ra những bất cập và nguyên nhân của những bất cập để từ đó đề xuất những quan điểm và giải pháp định hướng nhằm thúc đẩy công tác đổi mới phân cấp quản lý hiện nay ở Việt Nam.

Xu hướng phân cấp QLNN nói chung và phân cấp quản lý về ĐTC nói riêng đang ngày càng mạnh mẽ. Nhìn chung, chủ trương phân cấp QLNN là đúng đắn và phù hợp với xu thế chung. Chủ trương này đã thực sự góp phần nâng cao hiệu lực QLNN về ĐTC, tăng cường tính tự chủ, sáng tạo của CQĐP, là cơ sở cho việc triển khai cải cách thủ tục hành chính và trực tiếp góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy vậy, việc phân cấp quản lý ĐTC một cách toàn diện, triệt để cho các Bộ, ngành và ĐP như hiện nay cũng đã bộc lộ nhiều mặt bất cập, hạn chế. Thực tế cho thấy tình trạng ĐTC bị phê phán là kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí, thất thoát,… trong nhiều năm vừa qua chính là hệ lụy của những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện phân cấp QLNN về ĐTC.

Kinh nghiệm quốc tế trong phân cấp QLNN về đầu tư đã cho thấy rằng muốn cho quá trình phân cấp ĐTC thành công, không thể không tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản, đó là: phân cấp phải phù hợp với năng lực (bộ máy, con người, tiềm lực tài chính,..), phù hợp với trình độ phát triển KT-XH; phân cấp tài khóa phải tương ứng với nhiệm vụ chi,…. Ngoài ra, tăng cường phân cấp QLNN về ĐTC từ CQTW cho CQĐP cần phải gắn liền với việc phải thiết lập một CQTW đủ mạnh, có khả năng giám sát việc thực hiện của chính quyền cấp dưới; phải có hệ thống pháp luật về ĐTC hoàn chỉnh, cùng với cơ chế phát huy cao độ tính dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội tham gia hoạt động quản lý nhà nước về ĐTC.

Ở Việt Nam, hiện nay các dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm và tùy theo quy mô và tính chất của từng dự án đầu tư mà mức độ phân cấp QLNN có sự khác nhau. Tuy nhiên, tư duy phân cấp theo quy mô và tính chất dự án (mà không phân cấp theo nhiệm vụ được giao giữa các cấp) như hiện nay chính là một trong những rào cản và là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng phân cấp tài khóa không tương ứng với phân cấp nhiệm vụ giữa các cấp. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện phân cấp QLNN về ĐTC còn xuất hiện một số vấn đề bất hợp lý, đó là: phân cấp gần như giao toàn quyền, chưa có một cơ chế phân cấp/phân quyền phù hợp với đặc điểm và năng lực của CQĐP, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở; việc theo dõi, giám sát của CQTW còn hình thức, nặng tính hành chính; tình trạng cấp dưới ra quyết định đầu tư nhưng không cân đối được vốn đầu tư và phải phụ thuộc vào nguồn vốn cấp trên,…

Để giải quyết các bất hợp lý nên trên, trong quá trình xây dựng khung pháp lý phân cấp QLNN về ĐTC ở Việt Nam thời gian tới, trước hết cần phải xác định đúng và rõ ràng vai trò của Nhà nước đến đâu trong phát triển KT-XH, và chỉ khi xác định được cụ thể vai trò của Nhà nước thì lúc đó Nhà nước mới có thể sử dụng chính sách ĐTC một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, trong điều kiện trình độ phát triển KT-XH và năng lực QLNN ở các cấp địa phương có sự chênh lệch lớn thì việc đa dạng hóa hình thức phân cấp/phân quyền là điều rất cần thiết. Ngoài ra, mặc dù khung pháp lý phân cấp QLNN về ĐTC có một vai trò hết sức to lớn, tuy vậy hệ thống pháp luật cũng có giới hạn của nó, những vấn đề cần được giải quyết bằng ý thức hệ, nhận thức chính trị hay các tương quan quyền lực thường khó có thể giải quyết bằng công cụ pháp luật. Do vậy, chỉ có bằng quyết tâm chính trị mới cơ bản giải quyết được các bất cập liên quan tới QLNN về đầu tư công hiện nay.