Đề tài NCKH cấp bộ

Chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Tây Bắc

16/03/2011 - 5664 lượt xem

Tóm tắt đề tài

1. Tên đề tài: Chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Tây Bắc

- Cấp quản lý: cấp Bộ

- Cơ quan chủ quản: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Cơ quan quản lý: Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

2. Tên chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Nguyễn Anh Dũng, Trung tâm tư vấn, quản lý và đào tạo

3. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài:

Phát hiện những vấn đề còn đang tồn tại đối với phát triển nguồn nhân lực khu vực Tây Bắc; Đề xuất một số chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực Khu vực Tây Bắc phù hợp với nhu cầu sử dụng của thị trường khu vực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Tây Bắc phát triển.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài

- Đối tượng: Nghiên cứu một số nội dung chủ trương, chính sách, biện pháp của nhà nước có liên quan đến nguồn nhân lực; chính sách sử dụng lao động, giải quyết việc làm; chính sách, biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các chính sách này liên quan chủ yếu đến khu vực Miền Núi, người dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc.

- Phạm vi nghiên cứu:

+ Về không gian: Đề tài nghiên cứu trong phạm vi khu vực Tây Bắc, bao gồm các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái.

+ Về thời gian: Đề tài chủ yếu thu thập các số liệu về doanh nghiệp, lao động từ năm 2004 đến 2008; số liệu dự kiến đến 2010; các văn bản có liên quan đến sử dụng lao động, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ 2000 đến nay.

5. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp tổng hợp: dựa trên kết quả điều tra, khảo sát và số liệu trong báo cáo đã được một số cơ quan, tổ chức thực hiện và công bố, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các sách báo, tạp chí, … liên quan đến đối tượng nghiên cứu, Đề tài thu thập và tập hợp lại theo nhóm vấn đề để phục vụ nghiên cứu.

- Phương pháp phân tích: phân tích sự khác biệt, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện các chính sách, biện pháp có liên quan đến sử dụng lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhưng yếu tố đặc thù trong phạm vi nghiên cứu.

- Phương pháp so sánh: dựa trên kết quả phân tích để so sánh sự khác biệt giữa các yếu tố, các chính sách nhằm đánh giá một cách tổng hợp các vấn đề liên quan đến đối tượng, phạm vi nghiên cứu của Đề tài.

- Phương pháp chuyên gia: thực hiện thông qua các hợp đồng nghiên cứu đơn lẻ; tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học để sử dụng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.

- Phương pháp điều tra, khảo sát: Đề tài sử dụng cơ sở số liệu, dữ liệu của các báo cáo điều tra, khảo sát do các tổ chức, cơ quan khác thực hiện.

6. Kết quả nghiên cứu

- Kết quả của nghiên cứu: hình thành bản báo cáo Đề tài có kết cấu gồm 3 chương. Nội dung của Đề tài đã làm rõ một số khái niệm về nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực của doanh nghiệp, tiếp cận và rút ra những kinh nghiệm của nước ngoài về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nêu ra những vấn đề ảnh hưởng đến nguồn nhân lực khu vực Tây Bắc thông qua nghiên cứu tổng quát các chính sách hiện hành.

- Những nghiên cứu, đề xuất trong Đề tài mong muốn sẽ đóng góp được một số ý tưởng nhất định với các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý có thêm căn cứ tham khảo trong quá trình nghiên cứu ban hành chính sách phát triển khu vực Tây Bắc.

Đề tài được kết cấu như sau:

Mở đầu

Chương I: Một số vấn đề lý luận về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; kinh nghiệm quốc tế

Chương II: Khung khổ pháp lý của nhà nước về phát triển nguồn nhân lực khu vực Tây Bắc; thực trạng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Tây Bắc; chất lượng nguồn nhân lực khu vực Tây Bắc hiện nay.

Chương III: Một số kiến nghị về chính sách và giải pháp phát triển nguồn nhân lực để doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Tây Bắc phát triển

Kết luận

7. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu năm: 2011

8. Báo cáo của Đề tài được lưu tại: Thư viện của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.