12/09/2024 - 2402 lượt xem
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường biển - Go Circular” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy nhiệm cho Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn "Phát triển kinh tế tuần hoàn: Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam. Diễn đàn là sáng kiến của CIEM nhằm đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam kể từ khi Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam được ban hành. Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam do CIEM chủ động đề xuất nghiên cứu và báo cáo Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ thông qua tại Quyết định số 687/QĐ-TTg.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI); Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM; Bà Michaela Baur, Giám đốc quốc gia của GIZ Việt Nam và ông Dennis Quennnet, Giám đốc Chương trình phát triển kinh tế bền vững đồng chủ trì Diễn đàn.
Diễn đàn cũng tập trung cập nhập những diễn biến chính sách mới trên thế giới, thảo luận về cách thức điều phối, phối hợp hành động để xây dựng chỉ số và tiêu chí KTTH cụ thể, khả thi, phù hợp với thực tiễn cũng như những giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy phát triển mô hình KTTH tại Việt Nam.
Ông Trần Quốc Phương,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ: Thực tiễn công cuộc đổi mới trong gần 40 năm qua cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, đặc biệt, việc tăng trưởng GDP đạt được ở mức khá, quy mô nền kinh tế liên tục được mở rộng, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể.
Mặc dù vậy, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số, đô thị hoá và công nghiệp hoá. Những thách thức đó đòi hỏi Việt Nam phải hành động nhanh hơn, chuyển động mạnh mẽ hơn từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính, truyền thống sang cách tiếp cận bền vững, tuần hoàn và Việt Nam đã chủ động đề ra nhiều giải pháp thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hâu, cụ thể hoá mục tiêu cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26 đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Ngay từ đầu những năm 2020, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, xác định chủ trương, tư duy, định hướng và các nhiệm vụ phát triển KTTH. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022 phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam, qua đó khẳng định việc chủ động phát triển KTTH là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng tưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động, thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hoá Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2030, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Sau hơn 2 năm thực hiện, nhiều nhiệm vụ tại Quyết định số 687 đã được triển khai và mang lại những kết quả tích cực góp phần thúc đẩy, hiện thực hoá phát triển KTTH tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư vào phát triển các năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió, năng lượng điện sinh khối, nhiều mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm, trong sản xuất được áp dụng, nhiều ngành đã thực hiện tái chế phế liệu, rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp như tái chế giấy vụn, đồ nhựa, sắt thép,…
Từ phải qua: TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM đồng chủ trì Diễn đàn
Tuy vậy, thực tiễn cho thấy một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, các chính sách liên quan đến KTTH còn chưa hoàn thiện thống nhất và đồng bộ ở cấp Trung ương và địa phương dẫn đến khó khăn trong việc thực thi. Bên cạnh đó, nguồn lực cho phát triển KTTH còn thiếu, việc tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế. Thực tiễn đó đòi hỏi Việt Nam phải ban hành và thực hiện các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện hơn nữa cho phát triển KTTH gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc, tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình KTTH với cấp độ phù hợp theo các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Tiếp đó, TS. Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam phát biểu, nhấn mạnh: KTTH là một phần thiết yếu của nền kinh tế xanh và đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Do đó, việc xây dựng các Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH của MPI và dự thảo Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH của Bộ TNMT, cũng như nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang chủ động theo đuổi các phương pháp tiếp cận tuần hoàn, là những ví dụ tiêu biểu về sự thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Hải Phòng là trung tâm công nghiệp quan trọng của Việt Nam, do đó là một địa điểm phù hợp để phát triển KTTH và kinh tế xanh.
Theo TS. Michaela Baur, Đức có nhiều kinh nghiệm về phát triển KTTH, đặc biệt là trong tái chế và sử dụng hiệu quả tài nguyên: Từ chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất về quản lý chất thải bao bì được áp dụng từ những năm 1990 cho đến Chiến lược nguyên liệu thô quốc gia gần đây, hay Chương trình hiệu quả tài nguyên của Đức được thông qua lần đầu tiên vào năm 2010 và tiếp đó là 2012. Quản lý chất thải đã phát triển thành một lĩnh vực kinh tế hiệu suất cao quan trọng ở Đức. Khoảng 11.000 công ty với tổng số hơn 270.000 nhân viên tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 70 tỷ euro và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, việc sử dụng tài nguyên ở Đức hiện nay với 15 tấn bình quân đầu người vẫn còn quá cao và tỷ lệ sử dụng vật liệu tuần hoàn vẫn còn thấp, góp phần gây ra biến đổi khí hậu, ô nhiễm, mất đa dạng sinh học và suy thoái đất. Vì vậy, Đức vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết tình trạng này.
Bà Michaela Baur, Giám đốc quốc gia của GIZ Việt Nam
TS. Michaela Baur mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm của Đức trong cả khu vực nhà nước và tư nhân, những thách thức và giải pháp cho KTTH để Việt Nam có thể phát triển mô hình riêng cho mình. Bà cũng nhận định: mỗi quốc gia và mỗi lĩnh vực đều cần chính sách KTTH phù hợp với thực tế của nền kinh tế, do đó thay mặt Chính phủ Đức, GIZ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực KTTH, nguyên liệu thô và tái chế. Là quốc gia sản xuất và là đối tác thương mại quan trọng của Đức và Liên minh châu Âu, với khu vực kinh tế tư nhân năng động dưới sự lãnh đạo quyết tâm cao của Chính phủ, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm sản xuất xanh, tái chế, sửa chữa và thiết kế lại các sản phẩm và dịch vụ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Dennis Quennnet, Giám đốc Chương trình phát triển kinh tế bền vững tặng TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chiếc áo được doanh nghiệp sản xuất theo hình thức tuần hoàn
Tiếp đó, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo về việc triển khai Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam. Báo cáo cho thấy, kết quả đạt được tập trung vào 5 nội dung chính: Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật về phát triển KTTH với cách tiếp cận dựa vào thị trường, tôn trọng các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường ngày càng được nhất quán và đồng bộ, qua đó góp phần cụ thể hóa các chủ trương, định hướng về phát triển KTTH. Thứ hai, Nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về lợi ích của KTTH cũng như yêu cầu, áp lực và động lực đổi mới cho khu vực sản xuất, cung ứng các dịch vụ trong nền kinh tế. Thúc đẩy sự ra đời và phát triển của của các sáng kiến/mô hình KTTH trên thực tiễn trong các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, thương mại và dịch vụ. Bước đầu hình thành các thị trường mới về hàng hóa và dịch vụ môi trường, nguyên liệu thứ cấp, các sản phẩm thân thiện môi trường, việc làm xanh,… đặc biệt là thị trường vốn cho KTTH. Đến ngày 30/6/2024, 50 tổ chức tín dụng đã báo cáo phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 650,3 nghìn tỷ đồng trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm trên 45%) và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%), góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện tốt công tác quản lý rác thải với quan điểm phải tận dụng được tối đa giá trị tài nguyên của rác thải; giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Nguyễn Hoa Cương cũng chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân trong qúa trình trển khai thực hiện Đề án. Thứ nhất, nhận thức về KTTH còn nhiều hạn chế. Nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp, HTX, người tiêu dùng về KTTH chưa đầy đủ, thiếu nhận thức và hiểu biết về KTTH ở cấp quản lý, sản xuất và tiêu dùng. Thứ hai, hệ thống thể chế, quy định, chính sách cho phát triển KTTH cũng còn nhiều hạn chế: tư duy hệ thống trong hoạch định, điều hành chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống pháp luật về KTTH còn phân tán. Tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế. Cơ chế chính sách đặc thù, thử nghiệm cho phát triển KTTH chưa được ban hành. Việc tiếp cận KTTH và các biện pháp thúc đẩy KTTH trong khu vực và trên thế giới thiếu đồng nhất. Thứ ba, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính cho phát triển KTTH: thực tiễn cho thấy nguồn lực này chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư cho hoạt động R&D, KHCN cho phát triển KTTH còn hạn chế; chưa có sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu (viện, trường) với doanh nghiệp. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, KTTH thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Việc thúc đẩy kinh tế xanh, KTTH, tín dụng xanh sẽ khiến các TCTD phát sinh chi phí để đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ ngân hàng. Thứ tư, cơ sở hạ tầng cho phát triển KTTH còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KTTH. Công nghệ thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn thiếu đồng bộ, chủ yếu vẫn là chôn lấp. Vị trí của Việt Nam về mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn khiêm tốn... Thứ năm, sự gắn kết giữa các tác nhân trong các mô hình KTTH còn yếu; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, tập trung vào mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững. Thị trường các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ để vận hành đồng bộ với xu hướng của thế giới... Thứ sáu, hạn chế về nguồn nhân lực, thiếu chuyên gia/cán bộ giỏi về phát triển KTTH, để giúp giải quyết tốt và có hệ thống các vấn đề từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình sản xuất. Thứ bảy, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trọng việc thực hiện KTTH chưa hiệu quả. Hệ thống thông tin, dữ liệu và cơ chế chia sẻ chưa đáp ứng yêu cầu để giám sát, đánh giá các mục tiêu của KTTH…
Nhóm nghiên cứu CIEM cũng đưa ra một số khuyến nghị, đó là: cần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện KTTH; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về KTTH; hình thành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để thúc đẩy KTTH; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTTH; xây dựng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm tuần hoàn, tạo lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận cho các doanh nghiệp, cũng như các lợi ích dài hạn khác cho các bên liên quan; đẩy mạnh ứng dụng KHCN và ĐMST trong KTTH; tăng cường đầu tư vào R&D và chuyển giao các công nghệ phục vụ cho mô hình KTTH, đồng thời khuyến khích sự hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên giữa các bên liên quan; tăng cường liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện KTTH và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển KTTH.