15/07/2024 - 1235 lượt xem
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định kinh tế Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, sau khi đánh giá khó khăn, thách thức và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những tháng cuối năm, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM
Điểm sáng FDI, tận dụng cơ hội từ các FTA
Tổng cục Thống kê công bố số liệu nhận định, trong 5 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam vẫn khá tích cực, với nhiều điểm sáng. Bà đánh giá thế nào về tình hình kinh tế những tháng đầu năm?
Việt Nam bước vào năm 2024 với cả những thuận lợi và khó khăn, thách thức từ bối cảnh kinh tế quốc tế, song khó khăn, thách thức được đánh giá nhiều hơn so với thuận lợi. Xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực, trong đó có Nga-Ukraine, Trung Đông, Biển Đỏ. Các nền kinh tế chủ chốt giữ lãi suất điều hành ở mức cao nhằm kiềm chế lạm phát.
Cạnh tranh chiến lược về khoa học, công nghệ, thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, vẫn diễn ra gay gắt, phức tạp. Nhiều nền kinh tế phải đối mặt với thời tiết cực đoan, ảnh hưởng tới tình hình và chính sách ứng phó đối với an ninh lương thực.
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam vẫn nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện, vừa xử lý kịp thời, hiệu quả những khó khăn, tác động bất lợi từ bên ngoài vừa củng cố nền tảng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Cách tiếp cận này đã phát huy hiệu quả đáng kể, thể hiện qua số liệu thống kê trong các tháng đầu năm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 đã tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát được kiểm soát hợp lý: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%. Tổng trị giá xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024 đạt 303,94 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, với các mức tăng tương ứng của xuất khẩu và nhập khẩu là 14,9% và 17,3%.
Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 8,62 tỷ USD, dù giảm 1,53 tỷ USD so với mức thặng dư 10,15 tỷ USD của cùng kỳ năm trước, song vẫn có quy mô tương đối lớn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô. Lượng khách du lịch quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch bệnh Covid-19).
Đặc biệt, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút đầu tư ngay cả trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 đã tăng cả về số dự án mới (tăng 27,5%), vốn đăng ký mới (tăng 50%), tổng vốn đăng ký (tăng 2%) và vốn thực hiện (tăng 7,8%), qua đó, giúp bổ sung nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Như bà đánh giá ở trên, dòng vốn FDI "chảy" vào đất nước là một điểm sáng nổi bật. Theo bà, vì sao nhà đầu tư nước ngoài lại "gõ cửa" Việt Nam?
Những diễn biến tích cực của dòng vốn FDI thời gian qua có nguyên nhân từ cả bối cảnh quốc tế và nỗ lực của Việt Nam.
Một mặt, căng thẳng địa chính trị phức tạp và kéo dài đã buộc các nhà đầu tư phải cân nhắc đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Theo đó, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trở thành một điểm đến tiềm năng. Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới 2024, FDI mới gia tăng đáng kể vào các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Mặt khác, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực quan trọng để trở thành một điểm sáng về cải cách và hội nhập kinh tế, qua đó, cải thiện mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Khảo sát mới đây của Bain & Company cho thấy các nhà đầu tư đánh giá hoạt động đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ tăng 83% trong giai đoạn 2025 - 2030. Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, thúc đẩy các chương trình, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới sáng tạo, mở rộng không gian cho các mô hình kinh tế mới.
Ngay từ đầu năm 2024, trên cơ sở tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã khôi phục Nghị quyết 02/NQ-CP về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, qua đó nhấn mạnh ưu tiên tập trung vào xử lý các vấn đề đối với môi trường kinh doanh.
Bên cạnh 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đi vào thực hiện hoặc hoàn tất ký kết, Việt Nam đang tích cực đàm phán, thúc đẩy một loạt các FTA khác nhằm cải thiện liên kết kinh tế, gia tăng cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lưu tâm hơn đến cải thiện hiệu quả tận dụng cơ hội từ các FTA, gắn với việc gia tăng kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Vượt khó khăn, đạt kết quả tương đối tích cực
Không thể phủ nhận, vẫn còn những bất cập trong nền kinh tế. Theo bà, đâu là những khó khăn nội tại mà nền kinh tế phải đối mặt trong 5 tháng qua?
Trong các tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải đối mặt với không ít khó khăn, bất cập trong nội tại nền kinh tế.
Thứ nhất, áp lực lạm phát còn lớn. Giá một số đầu vào, dịch vụ quan trọng chịu nhiều áp lực. Chẳng hạn, chỉ số giá vận tải đường hàng không trong quý I/2024 đã tăng tới 29,3% so với quý IV/2023, và tăng 85,44% so với quý I/2023; chỉ số giá vận tải đường sắt trong quý I/2024 đã tăng tới 28,27% so với quý IV/2023.
Thứ hai, khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chậm được cải thiện. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đóng góp một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam, đạt khoảng 71,6% trong 5 tháng đầu năm. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng.
Vì vậy, chỉ số Quản trị người bán hàng (PMI) còn thiếu vững chắc trong các tháng đầu năm, dù đã cải thiện lên mức 50,3 vào tháng 5.
Thứ ba, nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp để thích ứng với các xu hướng mới còn tương đối hạn chế.
Khi trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, một bộ phận doanh nghiệp còn nhìn nhận chưa đầy đủ hoặc chưa thực sự sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cũng như đáp ứng các quy định mới về phát triển bền vững ở một số thị trường xuất khẩu (chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu)...
Kinh tế Việt Nam đã vượt qua không ít khó khăn, thách thức trong những tháng đầu năm và
đạt được những kết quả tương đối tích cực. (Ảnh: Việt An)
Đâu là giải pháp khắc phục những khó khăn này, thưa bà?
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước với các kịch bản đủ chi tiết, trong đó có tính đến tác động của việc điều chỉnh lương ở khu vực công từ 01/7/2024, việc điều hành lãi suất và giá nông sản trên thị trường thế giới... Cân nhắc chặt chẽ về lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý. Thực hiện truyền thông thường xuyên, hiệu quả về các định hướng, giải pháp kiểm soát giá cả.
Thứ hai, đẩy nhanh cải cách thể chế kinh tế, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính để giảm chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế đặc thù cho phát triển một số vùng kinh tế-xã hội, đô thị lớn. Rà soát, hoàn thiện khung chính sách để mở rộng không gian phát triển cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo).
Thứ ba, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách. Rà soát, nâng cao năng lực tận dụng ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do. Đề xuất hỗ trợ kỹ thuật phù hợp từ các đối tác trong khung khổ nội dung hợp tác và nâng cao năng lực tại các FTA.
Thứ tư, hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới, và thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với khu vực doanh nghiệp trong nước.
Theo đánh giá của bà, Việt Nam có đạt được mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội 6-6,5% trong năm nay không? Đâu là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm?
Như đã đề cập ở trên, kinh tế Việt Nam đã vượt qua không ít khó khăn, thách thức trong những tháng đầu năm và đạt được những kết quả tương đối tích cực. Đây sẽ là cơ sở để cả Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng nỗ lực hơn trong các tháng cuối năm.
Theo tôi, nếu đánh giá đúng tình hình, đề ra hướng xử lý kịp thời để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế để phát huy sự hứng khởi kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đề ra.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2024 có thể dựa trên một số động lực quan trọng như:
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ có thể duy trì đà tăng trưởng, khi một số thị trường chủ chốt giảm lãi suất điều hành và giúp thúc đẩy chi tiêu dùng, trong đó có chi cho nhập khẩu. Nếu có thêm các chính sách, giải pháp và sản phẩm du lịch mới, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến thân thiện cho khách du lịch quốc tế, giúp cải thiện doanh thu cho các ngành, dịch vụ du lịch.
Đầu tư công có thể giải ngân mạnh mẽ hơn, nếu quyết liệt tháo gỡ các khó khăn cho đầu tư công, chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay, và tạo được sức lan tỏa tích cực từ các dự án có tính liên vùng, hoặc kết nối giữa các địa phương trong vùng.
Song song với đó, tiêu dùng trong nước có thể trở thành một động lực quan trọng hơn, nếu có giải pháp chính sách để thúc đẩy tiêu dùng của người dân, trong đó, có việc tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử và trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực quan trọng để trở thành một điểm sáng về cải cách và hội nhập kinh tế,
qua đó, cải thiện mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. (Nguồn: Vietnamplus)
Không gian mới thúc đẩy tăng trưởng
Nhóm nghiên cứu của CIEM mới đây đã công bố báo cáo về kinh tế sáng tạo. Dù là khái niệm khá mới, nhưng thực tế tại Việt Nam, mỗi năm việc xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đang giúp Việt Nam thu về hàng tỷ USD. Bà có thể chia sẻ thêm về kinh tế sáng tạo? Kinh tế sáng tạo có thể “sáng tạo” ra những không gian mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam thế nào, thưa bà?
Trong những năm gần đây, kinh tế sáng tạo nổi lên như một lĩnh vực quan trọng về khả năng tạo việc làm, kích thích đổi mới và đóng góp cho phúc lợi xã hội. Việc sử dụng công nghệ mới trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra những phương thức mới để sản xuất, phân phối và tạo thu nhập từ nội dung.
Các công nghệ đột phá đã giúp các ngành công nghiệp sáng tạo trở thành một lĩnh vực có thể đầu tư ở nhiều thị trường mới nổi. Số hóa có thể tác động tích cực đối với việc bảo vệ tài sản sáng tạo, dù đi kèm với một số thách thức lớn về khoảng cách về tiếp cận số toàn cầu, rào cản tiếp cận thị trường toàn cầu…
Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm quốc tế và các khái niệm về kinh tế sáng tạo đã có cũng như các khái niệm liên quan, nghiên cứu của chúng tôi đã đưa ra góc nhìn riêng về kinh tế sáng tạo, cụ thể là nền kinh tế hình thành dựa trên các chu trình lên ý tưởng, phát triển, sản xuất, phân phối và tiêu thụ (bao gồm cả xuất khẩu) các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ sáng tạo, gắn với thiết lập, tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Theo đó, kinh tế sáng tạo gắn liền với việc thương mại hóa các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ sáng tạo, đồng thời dựa trên nền tảng thiết lập, tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ một cách hợp lý.
Đối với Việt Nam, kinh tế sáng tạo đã phát triển khá đa dạng và năng động, bao gồm nhiều lĩnh vực thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao giá trị văn hóa và dựa trên tài sản trí tuệ. Kinh tế sáng tạo ở Việt Nam đã có không ít hoạt động, từ truyền thống đến các lĩnh vực trên môi trường số hiện đại, thậm chí có những ngành giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.
Một số chính sách, quy định đã được hoàn thiện và đáp ứng rất tốt yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế sáng tạo. Chẳng hạn, các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được hoàn thiện phù hợp với các cam kết quốc tế và các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Với góc nhìn ấy, tôi tin tưởng rằng, kinh tế sáng tạo có thể trở thành một không gian mới cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, nếu sớm hoàn thiện khung chính sách phù hợp.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và ...
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Đại sứ quán ...
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết của ...
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Lãnh đạo, Công đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã ...
Ngày 10/7/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trang trọng tổ chức Lễ Công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp Ban. Tham dự buổi lễ có các đồng chí ...
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ, ngày 09/07/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ...
Nhận lời mời của Giáo sư Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), TS. Trần Thị Hồng Minh đã tham dự Phiên họp Hội ...
Ngày 05 tháng 01 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng ...
Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì, trực tiếp tham mưu và đã được phê duyệt tại Quyết ...
Sáng ngày 21/5/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức buổi Lễ trao bằng tiến sĩ cho 5 nghiên cứu sinh của Viện...