Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”
Hợp tác quốc tế

Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”

15/01/2024 - 5897 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ, ngày 15/1/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM và ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng, Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia kinh tế, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cơ quan, Bộ ngành, Viện nghiên cứu và đông đảo cơ quan báo chí, truyền thông đến đưa tin.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM và ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng,

Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ: năm 2023 đã khép lại với rất nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế thế giới và khu vực như biến đổi khí hậu, xung đột Nga-Ucraina kéo dài, xu hướng thắt chặt tiền tệ ở các thị trường chủ chốt, tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới và thêm những khó khăn, thách thức mới, trong đó có xung đột bùng phát ở dải Gaza, Biển Đỏ, lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng thiết yếu ở một số quốc gia, xu hướng “an ninh hóa”, “vũ khí hóa” các công cụ chính sách thương mại,… Đồng thời, năm 2023 cũng chứng kiến sự phát triển đột phá của các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Trước những bước phát triển nhanh chưa từng có tiền lệ của AI, Việt Nam cũng đã chuyển nhanh từ trạng thái ngạc nhiên, ấn tượng sang thảo luận sôi nổi về việc tận dụng cơ hội mới, xử lý tác động đối với lao động, việc làm, an ninh và an toàn thông tin,… AI cũng trở thành chủ đề của nhiều thảo luận về hợp tác quốc tế, thậm chí là một lĩnh vực cạnh tranh chiến lược.

Theo TS. Trần thị Hồng Minh, trước bối cảnh thế giới biến động nhanh và khó lường, Việt Nam vẫn kiên định với các định hướng cải cách, giải pháp điều hành nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Việt Nam là một điểm sáng trong việc thúc đẩy các FTA gắn với cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế. Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ, trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn,… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc

TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan nghiên cứu và tham mưu hàng đầu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM luôn phát huy quan điểm và truyền tải thông điệp phải không ngừng nâng cao chất lượng thể chế kinh tế. Trong bối cảnh phát triển mới, thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng. Để làm được điều đó, bên cạnh sự ủng hộ và đồng hành của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, CIEM đã học hỏi và tiếp thu nhiều thông lệ, kinh nghiệm tốt từ các đối tác – trong đó có các cơ quan, chuyên gia Đức – để có những đề xuất mới, quan trọng về cải cách thể chế ở Việt Nam.

CIEM mong muốn được lắng nghe những đánh giá, bình luận của các chuyên gia, các đại biểu về những chuyển biến, vấn đề thể chế kinh tế trong năm 2023, và những kiến nghị chính sách để nền kinh tế tăng tốc phục hồi tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tiếp đó, ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh phát biểu cho thấy: đã trở thành truyền thống, đầu năm mới trong khuôn khổ hợp tác CIEM-GIZ do Chính phủ Đức hỗ trợ sẽ công bố báo cáo nghiên cứu đánh giá nền kinh tế năm trước và phân tích dự báo tình hình năm tiếp theo. Đây là một tập quán rất tốt, cung cấp cho Chính phủ Việt Nam bức tranh tổng quan về kinh tế năm trước, đồng thời đưa ra các khuyến nghị liên quan tới kinh tế cho cả năm tiếp theo.

Ông Dennis Quennet nhấn mạnh, đóng góp cho sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam là một trong những ưu tiên của Hợp tác Đức tại Việt Nam. Năm 2023 vừa kỷ niệm 30 năm hợp tác giữa hai nước trong việc hỗ trợ Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và GIZ mong muốn được tiếp tục chia sẻ với Việt Nam các kinh nghiệm quốc tế về lạm phát, quản lý tiền tệ, đầu tư, thương mại, quản lý thu và chi ngân sách.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM

Đại diện nhóm Nghiên cứu của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM trình bày Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng. Báo cáo đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo Kịch bản 1, và 6,48% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong Kịch bản 1 và tăng 5,19% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.

Báo cáo cũng đánh giá kết quả hai năm thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản liên quan đến tổ chức thực thi RCEP. Kết quả trong giai đoạn 2018-2023 cho thấy tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia tham gia Hiệp định RCEP nhìn chung giữ xu hướng giảm. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong RCEP còn tương đối thấp (0,67%). Tuy vậy, góc nhìn về tận dụng ưu đãi trong FTA ở khu vực RCEP cần được mở rộng, bởi RCEP được thiết lập trên cơ sở đã có một loạt FTA ở khu vực Đông Á. Chính vì vậy, việc hiện thực hóa RCEP đã tạo thêm động lực cho các hoạt động tận dụng FTA ở khu vực này (trong đó có các FTA của ASEAN) ngay trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.

Ông Dương cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục xử lý một số thách thức trong quá trình thực hiện RCEP trong thời gian tới, trong đó có các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác trong RCEP, và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP. Thách thức lớn nhất là tăng cường nhận thức, quán triệt cho các cơ quan, doanh nghiệp về tư duy phù hợp để tiếp cận và khai thác hiệu quả cơ hội từ RCEP.

PGS.TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá cao Báo cáo, nhóm nghiên cứu đã trình bày rõ những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam phải đương đầu trong năm 2023. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã phân tích khá chi tiết tình hình kinh tế vĩ mô trong năm 2023, sử dụng nhiều số liệu, tư liệu lấy từ nguồn chính thức được công bố, công khai, cộng thêm việc phân tích, lập luận sắc sảo. Báo cáo đã đưa ra được những đề xuất, kiến nghị rất tốt, đi từ việc tích cực đẩy mạnh đổi mới thế chế nói chung và thể chế kinh tế nói riêng đến việc làm thế nào để có những chính sách, biện pháp nâng cao năng suất lao động. Báo cáo là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị đối với các cơ quan, tổ chức đang nghiên cứu về vấn đề này.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh

Tham gia bình luận cho Báo cáo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh đưa ra những nhận định sắc bén. Trước hết, với tình hình kinh tế Thế giới (KTTG), TS. Thành cho rằng, việc hồi phục kinh tế thế giới gặp nhiều trục trặc, khó khăn. Nền kinh tế của nhiều đối tác chiến lược của Việt Nam đi xuống, tăng trưởng KTTG khó khăn, trung bình từ 3-3,5%. Bên cạnh đó, lạm phát cao, chính sách tiền tệ của các nước phát triển giảm áp lực nhưng những rủi ro còn rất cao. TS. Võ Trí Thành cũng đề cập tới những vấn đề tích cực trong bối cảnh hiện nay như, vấn đề chuyển đổi số, xanh, dịch chuyển cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới đồng thời đưa ra một số đề xuất để nhóm nghiên cứu cân nhắc.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận khác. Hầu hết các ý kiến đóng góp, bình luận tại Hội thảo đều đánh giá cao chất lượng của Báo cáo. Nhóm nghiên cứu đã đi sâu vào phân tích và nghiên cứu các lĩnh vực rất cụ thể, chi tiết, nêu bật những khó khăn thách thức và đưa ra những kiến nghị chính sách để cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô đồng thời cũng cho rằng, nên đưa thêm kịch bản rủi ro của nền kinh tế để hoàn thiện Báo cáo.

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Dennis Quennet, cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh cho rằng, kinh tế Việt Nam có điều kiện khá thuận lợi để khởi đầu năm 2024. Cũng như các nền kinh tế mới nổi khác trên thế giới, Việt Nam hiện đang hướng tới một nền kinh tế tri thức. Để đạt được điều đó, cần hết sức chú trọng tới chuyển giao công nghệ trong quá trình chuyển dịch, các phương thức đầu tư mới, cũng như quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực.

Bế mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu, các đơn vị truyền thông tới đưa tin. CIEM ghi nhận  các đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, đại biểu và sẽ nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo./.

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi