Hội thảo “Tình hình thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27 tháng 7 năm 2020”
Đào tạo tiến sĩ

Hội thảo “Tình hình thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27 tháng 7 năm 2020”

11/12/2023 - 3890 lượt xem

Ngày 29/11/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Tình hình thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27 tháng 7 năm 2020”. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia kinh tế, các đại diện đến từ các cơ quan ban ngành, cáccán bộ nghiên cứu và một số đơn vị thông tấn báo chí đến đưa tin.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ: Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức  ký Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Là cơ quan nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách phát triển kinh tế, trong đó có phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ), CIEM thấy rằng đây là một nội dung rất quan trọng. Việc theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, thực tiễn ở các Bộ ngành, địa phương nhằm đưa ra những tham mưu cho Chính phủ, có được các giải pháp nhằm đưa chính sách vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực. Đây là một sáng kiến, là sự triển khai tiếp theo của CIEM. Viện đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nhiệm vụ quan trọng trong phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị báo cáo liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trong thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19, đa số các nền kinh tế trên thế giới đã gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến phát triển KTBĐ.

TS. Trần Thị Hồng Minh cũng nhấn mạnh, khi chúng ta triển khai các nội dung của KTBĐ, chúng ta sẽ tận dụng thêm nguồn lực mà trước kia chưa quan tâm hoặc quan tâm chưa đủ và còn lãng phí đó là “thời gian”. Chính vì vậy, CIEM phối hợp với các Bộ ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129 ngày 27/7/2020. Qua 03 năm thực hiện, đã có sự chuyển biến về mặt nhận thức của các Bộ, ngành cũng như các địa phương đã đưa ra chương trình hành động và triển khai các nội dung, thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn có những khó khăn liên quan đến quy hoạch của các Bộ, đặc biệt là các địa phương đưa ra những cơ sở pháp lý bổ sung để thực hiện KTBĐ, những vấn đề liên quan điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện (phòng cháy chữa cháy, y tế, thực phẩm, v.v) đã đồng bộ hay chưa để thực hiện các hoạt động KTBĐ. Trên thực tế, còn nhiều địa phương chưa tận dụng các cơ hội và còn những bất cập của chính sách, quá trình triển khai, tác động tới các kết quả phát triển KTBĐ. Được sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM đã thực hiện nghiên cứu, rà soát tình hình thực hiện triển khai KTBĐ trong 03 năm vừa qua. Hội thảo là cơ hội đưa ra những thông tin, các khuyến nghị, những đánh giá, đề xuất, giải pháp cụ thể từ các đại biểu, các chuyên gia để giúp nhóm nghiên cứu của CIEM hoàn thành Báo cáo một cách hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM

Đại diện nhóm Nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM trình bày những kết quả chính của Báo cáo, trong đó đề cập tới những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Đề án: (i) Hiệu quả của các hoạt động KTBĐ vào phục hồi và phát triển KT-XH còn khiêm tốn hơn so với mức tiềm năng; (ii) Các chuyển biến về chính sách cụ thể hướng tới phát triển KTBĐ chưa nhiều; (iii) Hệ thống CSHT, hệ thống giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, xuống cấp; (iv) Mức độ tương tác giữa mô hình KTBĐ với các mô hình kinh tế mới khác còn tương đối hạn chế. Các nguyên nhân được đưa ra do bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước trong giai đoạn 2020-2023 còn nhiều khó khăn, bất lợi. Dư địa tài khóa hạn hẹp hơn trong bối cảnh đã có nhiều biện pháp miễn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất. KTBĐ vẫn là một nội dung tương đối mới so với Việt Nam, chưa có nghiên cứu đủ khoa học và cập nhật trên cơ sở định lượng về khả năng phát triển mô hình KTBĐ. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về KTBĐ chưa đầy đủ. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều bất cập về nhận thức, tài chính, công nghệ sản xuất và tư duy quản trị phù hợp với mô hình KTBĐ, v.v.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, CIEM đã đưa ra một số kiến nghị. Thứ nhất, các Bộ, ngành và UBND các cấp tổ chức thực hiện sớm, đầy đủ, thực chất và với hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ được giao. Thứ hai, giao một đồng chí Lãnh đạo Chính phủ chủ trì thực hiện tổng rà soát các quy định pháp luật liên quan, trên cơ sở đó tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo trong các quy định, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh ở mức độ phù hợp; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các VBQPPL cần thiết. Thứ ba, tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và người dân, thông qua các mô hình, hoạt động cụ thể, sáng tạo, gắn với bối cảnh và các nền tảng, công cụ mới. Thứ tư, thúc đẩy thí điểm thực hiện kinh tế ban đêm.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và
cạnh tranh

TS. Hà Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc phụ trách, Trung tâm Phân tích và
Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã đưa ra những đánh giá tích cực về Báo cáo và đưa ra một số nhận xét, góp ý về các nội dung liên quan để nhóm nghiên cứu của CIEM tham khảo. Theo TS. Hà Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc phụ trách, Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, vai trò của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong Dự thảo chưa thể hiện nhiều; cần tham khảo thêm kinh nghiệm phát triển KTBĐ của một số nước như Trung Quốc; vấn đề về đảm bảo vệ sinh môi trường cũng nên được lưu ý.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa, Khoa Kế hoạch Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa, Khoa Kế hoạch Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nên chia các hoạt động KTBĐ thành 3 nhóm: (i) Các hoạt động bổ trợ cơ bản (giao thông, cơ sở hạ tầng để thu gom rác thải, công nghiệp sáng tạo, chăm sóc sức khỏe); (ii) Các hoạt động bổ sung cần mở rộng khung thời gian (taxi, cafe,…); (iii) Các hoạt động cốt lõi. Lưu ý chia khung thời gian phù hợp.

Phát biểu bế mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu. Dựa trên các đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, đại biểu, CIEM ghi nhận và sẽ nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ./.

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi