Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 8/11/2023 phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030
Đào tạo tiến sĩ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 8/11/2023 phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030

11/11/2023 - 3623 lượt xem

Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính;  ngày 08/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1305/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 (Chương trình).

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được phân công chủ trì nghiên cứu, xây dựng, triển khai Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Theo đó, Bộ đã giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì soạn thảo Chương trình.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó; tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 - 7,5%/năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023 - 2030.

Phấn đấu nằm trong nhóm 03 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030.

Thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động trong một số lĩnh vực, địa phương

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình là thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.

Cụ thể, lựa chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam.

 Thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động về các yêu cầu, rào cản đối với cải thiện năng suất lao động và kiến nghị các giải pháp phù hợp.

Xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về năng suất, cải tiến năng suất, kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, cấp địa phương, cấp doanh nghiệp và cộng đồng.

Triển khai các giải pháp sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động

Nhiệm vụ và giải pháp khác là phát triển mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cụ thể, chú trọng lồng ghép giải pháp tăng năng suất lao động vào các chương trình, cơ chế, chính sách xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số sâu rộng trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp.

Xây dựng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo phù hợp cho từng giai đoạn phát triển; phát huy vai trò của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp là trung tâm.

Xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các giải pháp sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động; chú trọng tới chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số. 

Tăng năng suất lao động ở các tiểu vùng và từng địa phương trong vùng

Cùng với nhiệm vụ, giải pháp nêu trên là nhiệm vụ thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành.

Theo đó, phát triển vùng và liên kết vùng hiệu quả. Hình thành không gian phát triển các tiểu vùng phù hợp trong từng vùng kinh tế - xã hội để kết nối phát triển, phát huy lợi thế cạnh tranh và tăng năng suất lao động ở các tiểu vùng và từng địa phương trong vùng.

Hoàn thiện thể chế, chính sách cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp, xây dựng Luật Phát triển công nghiệp. Rà soát cơ cấu không gian phát triển công nghiệp; hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp và chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

Thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên; nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; hình thành các trung tâm dịch vụ mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics tại một số thành phố lớn.

Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê để theo dõi, đánh giá diễn biến năng suất lao động gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. 

Theo quyết định trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và phù hợp thực tiễn, trình Chính phủ vào năm 2025. Cụ thể,

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt công tác điều phối kinh tế vĩ mô, kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách phù hợp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

- Theo dõi, đôn đốc việc thực triển khai Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 ban hành tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp ban hành tại Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.

- Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính, giảm chi phí 6 kinh doanh cho doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, đề xuất sáng kiến triển khai thúc đẩy năng suất lao động trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương; nghiên cứu thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng các giải pháp công nghệ số.

- Nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2025.

- Chủ trì nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm thu hút dự án đầu tư trong và ngoài nước sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và có giá trị gia tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và phát triển các nguồn năng lượng mới như hydrogen xanh. - Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ban hành tại Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành tại Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021; nghiên cứu cơ chế, chính sách hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại các đô thị có tiềm năng.

- Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo.

- Chủ trì thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động quốc gia trong bối cảnh mới.

- Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê để theo dõi, đánh giá diễn biến năng suất lao động cấp quốc gia, cấp vùng, cấp ngành.

- Tổng hợp tình hình thực hiện, lồng ghép vào các báo cáo tình hình kinh tế-xã hội hàng năm; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chương trình sau 05 năm thực hiện (năm 2027) và tổ chức tổng kết Chương trình vào cuối giai đoạn.

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội

 

File Quyết định

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi