Hội thảo "Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới"
Hoạt động

Hội thảo "Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới"

10/02/2023 - 6358 lượt xem

Chiều ngày 10 tháng 2 năm 2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Lazada Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”. Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đông đảo đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số và thương mại điện tử và các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh: “Trong những năm qua, phát triển bền vững đã được Chính phủ đặt trọng tâm ưu tiên, được thể hiện trong một số văn bản điều hành như Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 phê duyệt Kế hoạch Phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 136/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về phát triển bền vững. Các văn bản nêu trên đã nêu bật quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và chuyển đổi số quốc gia sẽ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững”

Đại diện của Lazada, ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Lazada Việt Nam chia sẻ: “Với mục tiêu thúc đẩy tiến bộ và phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua thương mại và công nghệ, Lazada luôn theo đuổi chiến lược phát triển bền vững kèm theo đó là những cam kết đầu tư lâu dài. Trong những năm qua, Lazada Việt Nam đã không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bồi dưỡng nhân tài và hỗ trợ phát triển cộng đồng địa phương thông qua nhiều sáng kiến có ý nghĩa giúp bảo vệ môi trường.”

Với bài đề dẫn "Hoàn thiện khung chính sách nhằm phát triển kinh tế số ở Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp chia sẻ: Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và kinh tế số đã phát triển khá nhanh trên thế giới từ trước 2020, song những cạnh tranh về địa chính trị trong lĩnh vực công nghệ và các dè dặt về lợi ích – chi phí và khả năng quản lý đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc các quốc gia tiếp cận kinh tế số. Bài học từ đại dịch COVID-19 buộc các nước phải gia tăng ứng dụng công nghệ số, tiến tới chuyển đổi số. Ông Dương cho rằng, các xu hướng nổi bật của kinh tế số trên thế giới bao gồm phát triển thương mại số, thỏa thuận kinh tế số, ứng dụng đồng tiền số và ngân hàng số. Theo đó, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế - pháp lý và cơ sở hạ tầng CNTT. Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020), thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, các văn bản về thương mại điện tử (Luật giao dịch điện tử, Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021.v.v.), cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các Hiệp định Thương mại tự do.

Bên cạnh đó, hạ tầng CNTT của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp, CIEM

Việt Nam là nước đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương về chuyển đổi tư duy hướng tới kinh tế số. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như: hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam. Từ đó, ông Dương đưa ra một số kiến nghị yêu cầu hoàn thiện chính sách đối với kinh tế số về an toàn, an ninh mạng; chính sách cạnh tranh; thuế với nền tảng số; sở hữu trí tuệ; phát huy trách nhiệm ESG trên nền tảng thương mại số.

Chia sẻ tại Hội thảo, Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Phụ trách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa ra một số vấn đề để phát triển bền vững thị trường TMĐT trong nền KTS. Đó là, hoàn thiện chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng; Đảm bảo môi trường TMĐT cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng; Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương; Phát triển TMĐT xanh – TMĐT gắn liền với bảo vệ môi trường; Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao và tăng cường vài trò của phụ nữ trong phát triển TMĐT và KTS theo hướng bền vững.

Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam đã trình bày những sáng kiến phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của Lazada. Bà Tú cho biết, để bảo vệ môi trường, năm 2023, Lazada sẽ triển khai dự án Giao hàng xanh, đưa 100 chiếc xe máy điện vào giao hàng tại Việt Nam, góp phần giảm phát thải. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu rác thải trong quá trình đóng gói và vận chuyển, Lazada đưa ra một vài sáng kiến như tái chế giấy, áp dụng công nghệ thông minh, vật liệu thân thiện với môi trường, giảm lượng vật liệu nhựa,… Đặc biệt, Lazada cho ra mắt Cẩm nang “Đóng gói hàng hoá hiệu quả, thân thiện với môi trường” đưa ra những lời khuyên hữu ích để các nhà bán hàng thuộc mọi quy mô có thể đóng gói hàng hoá đúng quy chuẩn và hiệu quả, nhằm tiết kiệm nguyên liệu đóng gói, giảm thiểu các rủi ro sai sót, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Toàn cảnh Hội thảo

Tiếp đó, ông Nguyễn Hoa Cương điều phối phiên thảo luận Nâng cao vai trò của các nền tảng số trong phát triển bền vững với sự tham gia của ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững và ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, xã hội số Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế và các đại biểu cũng trao đổi về các nội dung, quy định chính sách, định hướng cụ thể giúp xác định những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong phát triển kinh tế số trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững ở Việt Nam thời gian tới./.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi