Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham dự Diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng – tăng tốc phát triển kinh tế”
Tin tức

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham dự Diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng – tăng tốc phát triển kinh tế”

27/10/2022 - 2313 lượt xem

Trước bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động thì vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) lại càng trở thành vấn đề cấp bách. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham dự Diễn đàn tổ chức sáng ngày 26/10 tại Hà Nội.

Bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, với khu vực kinh tế tập thể, HTX hiện nay, vai trò liên kết vùng lại càng trở nên quan trọng khi mà khu vực này đang thu hút khoảng 7 triệu thành viên. Các HTX hiện nay đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX.

Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thịnh, hiện vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế.

Trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX thì vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế (còn gần 70% hợp tác xã nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế).

Không những vậy, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia cùng nhau chia sẻ những đánh giá, nhận định về thực tiễn liên kết vùng trong phát triển kinh tế. Đồng thời, cùng nhau thảo luận mở với chủ đề “Liên kết để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX” nhằm thông tin, hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã về tác động của mối liên kết vùng.

Các đại diện của MM Mega Market, BigC/GO!, VinaNutriFood... tham gia góp ý, tư vấn, gợi mở những giải pháp tháo gỡ đầu ra cho doanh nghiệp, HTX thông qua liên kết vùng. Bên cạnh đó, một số Chủ tịch HĐQT, Giám đốc doanh nghiệp, HTX nêu ra các nhu cầu hỗ trợ đầu ra sản phẩm....

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, và cần sự “vươn mình vượt khó” từ tất cả các khu vực kinh tế. Yêu cầu và thách thức từ những xu hướng này đối với khu vực kinh tế tập thể lại càng lớn và đặc thù hơn.

Trong bối cảnh ấy, việc ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nghị quyết đã nhấn mạnh việc giải quyết những khó khăn, yếu kém của các chủ thể kinh tế tập thể, tập trung vào nâng cao năng lực nội tại, tăng khả năng kết nối, phát triển các chuỗi giá trị nông sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các HTX.

Theo đó, một số nội dung mà các HTX và Liên minh HTX Việt Nam có thể cân nhắc, thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới là: đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản trị, tổ chức sản xuất, thương mại, gắn với quá trình gia tăng hợp tác, liên kết với các chủ thể khác trong các cụm liên kết ngành. Quá trình thực hiện cần đi vào thực chất, hướng tới hiệu quả và lợi ích cho tất cả các bên.

Bên cạnh đó, tìm hiểu, tham gia, triển khai và làm chủ các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với năng lực và yêu cầu của đất nước, địa phương và ngành. Thường xuyên trao đổi, kết nối với các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm tìm kiếm những hướng đi mới, thông lệ tốt, giải pháp hay để tăng năng lực ứng phó với những biến động phức tạp, khó lường của thị trường thế giới và trong nước./.

 

Nguồn: Báo Đảng cộng sản

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi