Hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”
Hoạt động

Hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”

15/03/2021 - 1924 lượt xem

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” vào ngày 12 tháng 3 năm 2021 tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì nhằm lấy ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà quản lý…để hoàn thiện Đề án.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội,... Đặc biệt lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt và chưa thực sự là một đồng lực quan trọng của nền kinh tế, cụ thể như: (i) năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp; (ii) năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn yếu và lạc hậu; và (iii tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Những điểm tồn tại, hạn chế này của khu vực kinh tế tư nhân trên có một phần nguyên nhân xuất phát từ rào cản thể chế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ, những rào cản đó liên quan tới nguồn lực, tiếp cận công nghệ, mặt bằng, hạ tầng, đặc biệt là bản thân các doanh nghiệp tư nhân phần lớn còn ở quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận còn hạn chế, thậm chí nhiều trong số đó chưa sẵn sàng cho đột phá phát triển. “Cơ quan quản lý phải đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên hết, tập trung giải phóng, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nội lực, tạo điều kiện kinh tế tư nhân phát triển. Mỗi cơ quan quản lý, cán bộ cần tự giác làm tốt trách nhiệm, cần phải thay đổi tư duy quản lý nhà nước theo hướng kiến tạo, cởi mở để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Đề án” Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân” là một nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết nhằm cởi trói cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là  trong bối cảnh  có một số cơ hội tốt để doanh nghiệp tư nhân trong nước tận dụng như các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự dịch chuyển chuỗi sản xuất trên phạm vi toàn cầu.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM -  đại diện Ban soạn thảo Đề án (ảnh MPI)

Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì soạn thảo. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đại diện Ban soạn thảo Đề án cho biết, trong những năm qua, Nhà nước đang từng bước thay đổi tư duy quản lý. Cụ thể trước đây Nhà nước được coi là một chủ thể đứng trên, quản lý và bao trùm thị trường và xã hội, đến nay tư duy quản lý đã được đổi mới theo cách nhìn nhận Nhà nước như một trong ba chủ thể: Nhà nước, thị trường/doanh nghiệp và xã hội. Ngoài ra, phương thức quản lý Nhà nước cũng đã được thay đổi rõ nét thể hiện sự thay đổi về chức năng quản lý nhà nước như sau: (i) Định hướng, quy hoạch và điều tiết phát triển kinh tế; (ii) Tạo lập khung khổ pháp luật, môi trường thể chế cho phát triển kinh tế; (iii) Can thiệp gián tiếp vào đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế; (iv) Thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; và (v) hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.  

Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho rằng, dù đã thu được nhiều kết quả, nhưng QLNN về kinh tế vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Nhà nước vẫn còn thực hiện nhiều chức năng mà thị trường hoặc khu vực kinh tế tư nhân có thể đảm nhận; trong khi chưa tập trung thực hiện tốt những chức năng quan trọng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: nguyên nhân quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân chưa trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là do những nút thắt trong quản lý nhà nước về kinh tế. Thực tế là vẫn còn nhiều rào cản, nút thắt, điểm nghẽn mà chúng ta chưa tháo gỡ, khơi thông nên chưa giải phóng được nguồn lực từ tư nhân mặc dù nguồn lực này rất lớn.

“Tôi rất sốt ruột. Rất nhiều chính sách phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành nhưng vẫn vướng, nhất là tiếp cận nguồn lực đất đai, tín dụng. Làm thế nào thể chế thuận lợi, hấp dẫn, thân thiện, bảo đảm an toàn cho người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thay vì mua vàng cất trữ. Thái độ ứng xử của Nhà nước đối với khu vực tư nhân thế nào, cần phải thay đổi từ tư duy. Công tác xây dựng thể chế của bộ, ngành phải thay đổi, phải kiến tạo chứ không chỉ xem xét ở khía cảnh quản lý".

Theo Bộ trưởng, muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển cao vào năm 2045 như văn kiện Đại hội XIII đề ra, phải dựa vào phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ còn mười năm để làm tốt việc này vì đến năm 2030, Việt Nam chuyển sang giai đoạn già hoá dân số. "Chúng ta đang có cơ hội vàng để hiện thực hoá khát vọng của dân tộc. Đó là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chiến tranh thương mại đang tạo ra làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ. Thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng cải thiện tốt hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới, tạo ra thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, đại dịch Covid-19 bên cạnh những tác động tiêu cực cũng mở ra nhiều cơ hội mới, đó là chuyển đổi kinh tế số”.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng đồng tình với nhận định này. Bà Lan cho rằng “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp tư nhân là tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt còn yếu và thiếu để cùng xây dựng chuỗi giá trị, đây là vấn đề Nhà nước cần phải nhanh chóng tháo gỡ và giải quyết. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động đơn độc, thiếu sự liên kết... Do đó, hơn lúc nào hết, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Phải tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh tới yếu tố liên kết của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh công nghệ số đang ngày càng phổ biến thì nguồn nhân lực chất lượng cao càng có vai trò thiết yếu.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp vẫn còn nhiều phản ánh, kiến nghị về khó khăn trong thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, về sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, nhiều quy định không hợp lý, không tương thích, tạo ra chi phí tuân thủ cao, can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ của doanh nghiệp, chưa có cơ chế kiểm soát được chất lượng của các quy định mới ban hành hoặc sửa đổi. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần tiếp tục tham vấn, theo dõi và tổng hợp tình hình nhằm đề xuất các nhóm giải pháp một cách thỏa đáng, phù hợp để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Qua đó, Chính phủ có thể xem xét, cân nhắc các giải pháp cũng như có thể có chương trình hành động cụ thể hơn. Đây cũng là những nội dung Đề án cần tập trung làm rõ đểkiến nghị các giải pháp khắc phục các yếu kém nêu trên một cách toàn diện.

Toàn cảnh Hội thảo 

Kết thúc Hội thảo, Bộ trưởng nhấn mạnh: đây là một Đề án quan trọng nhưng phạm vi rộng nên sẽ rất thách thức trong việc xác định các giải pháp cụ thể và tổ chức thực thi đầy đủ, nhất quán các giải pháp đề ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất trân trọng các ý kiến phát biểu và góp ý cho Đề án, Bộ sẽ nghiên cứu nghiêm túc và tiếp thu các ý kiến để sớm hoàn thiện Đề án trình Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ./.

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu.

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi