Chính sách bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ của Việt Nam trước khả năng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ Trung Quốc và những biến động tài chính toàn cầu
Đề tài NCKH cấp nhà nước

Chính sách bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ của Việt Nam trước khả năng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ Trung Quốc và những biến động tài chính toàn cầu

16/02/2015 - 16646 lượt xem

Tóm tắt đề tài

1.    Tên đề tài:

Chính sách bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ của Việt Nam trước khả năng quốc tế hóa đồng NDT Trung Quốc và những biến động tài chính toàn cầu”.

- Cấp quản lý: cấp Nhà nước

- Cơ quan chủ quản: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Cơ quan quản lý: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

2. Chủ nhiệm đề tài:  TS. Võ Trí Thành , Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

3. Mục tiêu nghiên cứu:

Mục tiêu cuối cùng của Đề tài là đề xuất hệ thống quan điểm, định hướng và giải pháp chính sách đồng bộ nhằm bảo đảm ANTC-TT cho Việt Nam dưới tác động của việc Trung Quốc quốc tế hoá NDT và tác động của biến động tài chính toàn cầu, có tính đến xung đột địa chính trị mới trên biển Đông.

4. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:

- Đối tượng: Chính sách bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ của Việt Nam

- Phạm vi:

Phạm vi về nội dung nghiên cứu:

+ Phân tích kinh nghiệm quốc tế hoá của Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản;

+ Kết quả và các vấn đề đặt ra đối với quốc tế hóa NDT Trung Quốc;

+ Kinh nghiệm về tác động của quốc tế hóa các đồng tiền chủ chốt và của khủng hoảng tài chính đối với ANTC Hàn Quốc và Malaixia và các đối sách;

+Nội dung ANTC-TT được phân tích xoay quanh các chỉ số an toàn tài chính vĩ mô và vi mô thuộc chỉ tiêu an toàn tài chính (chọn lọc) và dựa trên các ngưỡng rủi ro, cảnh báo kèm theo (theo thông lệ quốc tế và của Việt Nam.

Phạm vi về thời gian: Đề tài chủ yếu nghiên cứu các vấn đề ANTC-TT của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2006 (trước khủng hoảng) đến nay (chủ yếu đến tháng 12/2013, trong một số trường hợp cập nhật đến quý 1/2014). Kinh nghiệm Hoa Kỳ được chọn lọc một số thời điểm trong thế kỷ 20. Kinh nghiệm quốc tế hóa đồng Euro được tham khảo từ những năm 1990 đến nay, của Nhật Bản từ những năm 1980 đến nay, của Hàn Quốc từ 5 thập niên lại đây, và của Malaixia từ trước khủng hoảng châu Á (1997-1998) đến nay.

Phạm vi về không gian: Đối với Việt Nam, kết quả khảo sát được thực hiện tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng và Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh.

5. Phương pháp nghiên cứu:

Cách tiếp cận nghiên cứu

Đề tài nhìn nhận các nhân tố tác động đối với ANTC Việt Nam từ việc quốc tế hóa NDT và những biến động (bất ổn) tài chính toàn cầu thông qua các kênh lan truyền, các nhân tố bên trong và bên ngoài . Đáng lưu ý là vấn đề quốc tế hóa đồng tiền, kể cả NDT được nhìn nhận không những theo khía cạnh kinh tế mà còn theo khía cạnh chính trị, kinh tế chính trị.

Đề tài đánh giá quan hệ kinh tế (chủ yếu là thương mại và đầu tư) giữa Việt Nam và Trung Quốc thông qua 3 cấp độ/kênh: Chính thức và phi chính thức (biên mậu) với Trung Quốc Đại lục và với Hồng Kông để thấy tính đa phương diện trong quan hệ 2 nước.

Hơn nữa, Đề tài còn khảo sát nhận thức, quan điểm và đánh giá của gần 800 đối tượng (bao gồm các nhà quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, nghiên cứu và các lực lượng thị trường (các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tiểu thương, người dân đô thị) về tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với Việt Nam, mức độ sử dụng và triển vọng quốc tế hóa Nhân dân tệ và tác động đối với ANTC-TT Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu:

    Với cách tiếp cận trên, nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện các phương pháp nghiên cứu sau nhằm đánh giá khả năng, mức độ quốc tế hóa của đồng NDT:

1.         Phương pháp truyền thống như thống kê, mô tả, tổng hợp, so sánh, và khảo sát thực tế.

2.         Phương pháp chuyên gia tài chính và nghiên cứu tình huống (kết hợp với các đánh giá có tính tổng quát và/hoặc định lượng). Tương tự như khảo sát thực tê, phương pháp này đưa ra những thông tin, phân tích bổ trợ cho những nhận định từ phía Việt Nam cũng như một số nền kinh tế nhỏ khác về quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Hơn nữa, phương pháp này có thể giúp chi tiết hóa các định hướng chính sách nhằm duy trì ANTC-TT/ổn định tài chính ở Việt Nam, để nhóm nghiên cứu có thể đưa ra những gợi ý chính sách có hiệu quả và khả thi.

3.         Phương pháp định lượng để đánh giá khả năng quốc tế hóa đồng NDT và tác động của việc quốc tế hóa đồng NDT đối với khả năng ổn định tài chính của Việt Nam.

Trước hết, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá tỷ trọng tiềm năng của đồng NDT trong cơ cấu dự trữ ngoại tệ quốc tế (khả năng và mớc độ quốc tế hóa của đồng NDT).

Đề tài còn vận dụng Lý thuyết cuộc chơi (game theory)  mô phỏng tác động nhờ mô hình kinh tế lượng dựa nhiều vào giả thiết các nền kinh tế chủ chốt không có các biện pháp ứng phó khi Trung Quốc có các biện pháp thúc đẩy sự quốc tế hóa của đồng NDT.

6. Nội dung nghiên cứu:

Ngoài phần mở đầu và kết luận, Đề tài gồm 5 Phần. Phần đầu đưa ra các vấn đề lý luận và thức tiễn về QTH đồng tiền và ANTC-TT. Phần kế tiếp phân tích kinh nghiệm quốc tế hoá đồng tiền của một số nước chủ chốt và kinh nghiệm về tác động của quốc tế hóa đồng tiền và của biến động tài chính (khủng hoảng) đối với Hàn Quốc và Malaixia và các đối sách của các nước này. Phần thứ ba phân tích các vấn đề liên quan tới quốc tế hoá NDT, chủ yếu đánh giá quá trình, thành tựu quốc tế hóa NDT và các vấn đề đặt ra. Phần tiếp đó đánh giá tác động có thể của QTH NDT và quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và của khủng hoảng tài chính đối với ANTC-TT Việt Nam từ năm 2008 đến nay (2014). Phần cuối cùng đưa ra hệ thống quan điểm, định hướng và các giải pháp chính sách đảm bảo ANTC-TT Việt Nam trong điều kiện mới.

Những đóng góp khác của Đề tài bao gồm các bài báo xuất bản trong nước, đào tạo 2 tiến sỹ kinh tế, là tư liệu tham khảo phục vụ công tác định hướng của Ban Kinh tế Trung ương, và công tác giảng dạy và đào tạo.

7. Đề tài đã được nghiệm thu cấp quốc giavới kết quả đạt loại Khá.

8. Báo cáo của Đề tài được lưu tại:  Cục Thông tin khoa họccông nghệ quốc gia và Thư viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương                                                                                

Liên hệ:

Chủ nhiệm đề tài : TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng

Email: votrithanh@mpi.gov.vn

Thư ký khoa học:

Email: TS. Lê Xuân Sang, Trưởng ban – Ban Chính sách kinh tế vĩ mô

 lsang@mpi.gov.vn; lsangciem@gmail.com

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi