Nhận diện những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp khu vực tư nhân đang gặp phải qua một số nghiên cứu, khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong quý I/2023
Đào tạo tiến sĩ

Nhận diện những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp khu vực tư nhân đang gặp phải qua một số nghiên cứu, khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong quý I/2023

13/04/2023 - 4636 lượt xem

Triển khai các nhiệm vụ được giao, trong đó có việc tiếp tục theo dõi, đánh giá triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đề xuất các giải pháp cải cách thể chế thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển theo hướng bền vững trong điều kiện, bối cảnh mới, trong quý I/2023, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức khảo sát tại một số địa phương như tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Quang và Quảng Ninh về tình hình phát triển kinh tế tư nhân cũng như tham gia trao đổi tại Diễn đàn "Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững".

 

Ảnh: TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM làm việc cùng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh

Thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp có thể nhận diện một số khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp khu vực tư nhân đang gặp phải như sau:

Một là, tăng trưởng kinh tế đang bị chậm lại ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.

Hai là, lãi suất ngân hàng tăng, khiến doanh nghiệp phải tăng chi phí vốn, yếu tố trực tiếp tác động vào giá thành sản phẩm, dịch vụ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu nêu trên. Bên cạnh đó, áp lực về giá nhiên liệu (xăng, dầu) làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp biến động mạnh, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí vận tải (hành khách), vận chuyển.

Ba là, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững chặt chẽ hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp phải thay đổi tổ chức sản xuất, dây chuyền công nghệ sẽ đi kèm với gia tăng chi phí đầu tư. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ vốn để tiếp cận được những công nghệ tiên tiến, dẫn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thấp.

Bốn là, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt doanh nghiệp khu vực tư nhân thường gặp khó khăn khi tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh do quy mô nhỏ.

Năm là, trình độ lao động của doanh nghiệp còn thấp, không được đào tạo bài bản, khó khăn trong tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, do đó không bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu việc làm trong bối cảnh mới (gắn với chuyển đổi số, phục hồi xanh…). Thêm vào đó, năng lực quản trị của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; việc quản lý và điều hành dựa vào kinh nghiệm nên khó khăn trong việc điều hành, quản lý, đặc biệt trong điều kiện hội nhập như hiện nay.

Sáu là, môi trường đầu tư, kinh doanh còn tiềm ẩn những rủi ro, bất cập chính sách; một số quy trình, thủ tục hành chính chưa được thuận lợi do các cấp thực thi có tâm lý lo ngại làm sai dẫn đến nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, khảo sát tại một số địa phương cũng cho thấy sự thiếu đồng bộ, thống nhất của các văn bản pháp luật đặc biệt là ở cấp Thông tư cũng gây ra không ít trở ngại cho doanh nghiệp trong việc vận hành kinh doanh và thực thi các quy định pháp luật.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu

 

 

 

 


Tin tức khác