Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023: đổi mới nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng"
Đào tạo tiến sĩ

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023: đổi mới nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng"

12/01/2023 - 7705 lượt xem

Sáng ngày 12 tháng 1 năm 2023, với sự hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023: đổi mới nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng". TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM và ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu là các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, cán bộ nghiên cứu khoa học đến từ các cơ quan ban ngành, các Viện Nghiên cứu, trường đại học và đông đảo cơ quan truyền thông đến đưa tin.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ: Năm 2022 thực sự để các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, và kể cả đơn vị tham mưu cải cách và chính sách quản lý kinh tế thấm thía hơn về những cụm từ “bất định”, “phức tạp”, “khó lường”. Các nền kinh tế đã từng bước mở cửa trở lại, dù vẫn ghi nhận những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, xung đột Nga-Ucraina bùng phát tháng 2/2022, cùng với các biện pháp theo hướng cấm vận-trả đũa của nhiều nền kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề đến đà phục hồi của chuỗi cung ứng, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở nhiều quốc gia, kể cả các nền kinh tế hàng đầu.

Dù có nhiều khó khăn, các nền kinh tế đã và đang nỗ lực mở cửa trở lại, và tăng cường thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Hiệp định RCEP đi vào thực hiện từ đầu năm 2022 đã bước đầu giúp gắn kết các nền kinh tế thành viên vào đà phục hồi xuất khẩu ở khu vực. Hiệp định CPTPP tiếp tục ghi nhận sự quan tâm của nhiều nền kinh tế. Là thành viên quan trọng tại nhiều cơ chế chính thức và hợp tác nghiên cứu ở khu vực Đông Nam Á, chúng tôi đã thường xuyên tham gia trao đổi, phối hợp, hỗ trợ các nền kinh tế ở khu vực đi từ những thách thức rất phức tạp trong năm cho đến những thành công rất to lớn trong việc tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN, G20 và APEC.  Bối cảnh đó đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng theo dõi, cập nhật các đánh giá và kiến nghị nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng môi trường thuận lợi cho cải cách, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thời điểm đầu năm 2022 chính là thời điểm “chín muồi” cho tổng lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương luôn tư duy để tham mưu cho Chính phủ, cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ dừng ở “ứng phó” với các thay đổi ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, mà còn phải có những tham mưu cải cách quan trọng nhằm nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh những nhiệm vụ tham mưu thường xuyên đã trở thành “thương hiệu” như cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh, Viện đã có những tham mưu mới, quan trọng về hoàn thiện thể chế liên kết vùng, phát triển kinh tế tuần hoàn… Trong thời gian vừa qua, Viện cũng đã có những dịp tham vấn các chuyên gia, chia sẻ các ý tưởng xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 – một nhiệm vụ “mới”, “khó” mà Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho Viện.

TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: Không ngừng tư duy về đổi mới để cải thiện chất lượng tăng trưởng đang dần trở thành một phần văn hóa của CIEM. CIEM luôn vững tâm với định hướng này, bởi chúng tôi luôn có sự ủng hộ, đồng hành của các đối tác phát triển, đặc biệt là GIZ trong nhiều năm qua, và của tất cả các quý vị.

Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023 nhằm nhìn lại kết quả kinh tế và công tác cải cách và điều hành kinh tế trong năm qua, và đánh giá triển vọng kinh tế năm 2023.

Ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh

Tiếp đó, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh, ông Dennis chia sẻ: Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế trên toàn cầu rất phức tạp: đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị, an ninh mạng,… kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng 8,02%, khu vực ASEAN tăng trưởng 5%. Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hội nhập ASEAN trong những năm tiếp theo, xem xét kỹ bối cảnh kinh tế toàn cầu, trong nước, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, vi mô. Theo đó, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực chính cho phát triển kinh tế đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh… tận dụng đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, trung hòa các bon, tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học…

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam

Thay mặt nhóm nghiên cứu CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp trình bày tóm tắt báo cáo, đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47% theo Kịch bản 1, và 6,83% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 7,21% trong Kịch bản 1 và tăng 8,43% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 8,15 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2023 dự báo lần lượt ở mức 4,08% và 3,69%.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM 

Báo cáo phân tích thực trạng thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Việt Nam cho thấy thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, dịch COVID-19 đã đẩy nhanh xu hướng thay đổi thói quen mua sắm và kinh doanh trực tuyến. Việt Nam đã có những nỗ lực trong tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới như: vượt tiến độ thực hiện các cam kết trong Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO; cải thiện về thương mại không giấy tờ, song vẫn kém các quốc gia trong ESCAP và Đông Nam Á (thiếu cơ chế hỗ trợ cho thương mại kỹ thuật số);… Hoàn thiện khung khổ pháp lý và cơ sở hạ tầng và đưa ra một số nội dung Việt Nam cần xem xét nhằm tăng mức độ sẵn sàng về kỹ thuật.

Theo đó, báo cáo đưa ra một số kiến nghị chính sách như sau: Tập trung cải cách nền tảng kinh tế vi mô như: sửa đổi các luật quan trọng (Luật Giao dịch điện tử, Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng...), hoàn thiện khung chính sách và chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm hình thành một hệ sinh thái hiện đại cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam, mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn), thúc đẩy Chương trình tăng năng suất lao động quốc gia; Thực hiện hiệu quả các FTA (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,...) và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô: chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, giá cả, tiền lương và đầu tư.

PGS.TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM

Đóng góp ý kiến vào báo cáo của CIEM, PGS.TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá cao nội dung báo cáo. Các phân tích trong báo cáo sát với bối cảnh kinh tế trong năm 2022, khái quát khá sâu sắc kinh tế Việt Nam năm 2022, sử dụng nhiều tư liệu rõ ràng, có sức thuyết phục cao. Báo cáo đã đưa ra Dự báo triển vọng 2023 và tính dự báo có khả thi, chỉ ra 6 yếu tố tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam. Ông Bá cũng kiến nghị chỉ rõ hơn nguyên nhân của những hạn chế của một số vấn đề như giải ngân đầu tư công chậm và nhấn mạnh phải đổi mới sáng tạo trong thể chế.

GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường Đại học kinh tế quốc dân

GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường Đại học kinh tế quốc dân đánh giá cao Báo cáo và chia sẻ: tính bất định của tình hình kinh tế thế giới năm 2023 ngày càng bộc lộ rõ tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam, hiện các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 cũng rất khác nhau do đó cần cân nhắc kỹ về kịch bản dự báo năm 2023 đồng thời làm rõ hơn một số nội dung liên quan trong đó có việc xem xét yếu tố nào tác động mạnh nhất đến tăng năng suất lao động.

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica, đây là một trong những báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam của CIEM được trông đợi nhất trong năm, đạt được kỳ vọng của người đọc. Nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều thách thức trong bối cảnh phức tạp của nền kinh tế toàn cầu, có rất nhiều “cơn gió nghịch” (ngoại cảnh khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam) bên cạnh nhiều vấn đề nội tại trong nền kinh tế (thị trường trái phiếu, quản lý nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp…). Cần phải đưa ra các biện pháp giải quyết nội tại, các khó khăn mà chính chúng ta gây ra cho nền kinh tế. Ông Bình nhấn mạnh, cần đưa ra dự báo không chỉ trong năm 2023 mà còn xa hơn nữa, cần có chính sách mạnh mẽ hơn về tiền tệ, tài khoá so với cách đây 10 năm. Các doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản dự báo cho chính doanh nghiệp của mình, tăng cường quản lý rủi ro để kịp thời ứng phó với những thay đổi của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, trong năm 2023, cần đưa ra những giải pháp như: tăng sức chống chịu của doanh nghiệp, điều chỉnh thế chế để giảm chi phí đầu vào (năng lượng, đất đai); đầu tư công tập trung vào trọng điểm như: phát triển hạ tầng, vùng kinh tế chiến lược, chuỗi cung ứng, chuỗi đông lạnh…

Kết thúc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh cảm ơn những đóng góp, kiến nghị của các chuyên gia, các đại biểu và chỉ đạo Nhóm nghiêm cứu CIEM tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo. CIEM sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư việc rà soát tổng thể về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đổi mới thể chế liên kết vùng, phá vỡ giới hạn của nền kinh tế để tìm ra mô hình kinh tế mới,... tăng cường sức mạnh nội tại để đổi mới, phát triển kinh tế./.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu.

 

 

 

 


Tin tức khác