Hội nghị “Tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022: Kết quả, bài học và kiến nghị”
H%E1%BB%99i%20ngh%E1%BB%8B%20h%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o

Hội nghị “Tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022: Kết quả, bài học và kiến nghị”

09/12/2022 - 3658 lượt xem

Để tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu và tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP; nhận diện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; trên cơ sở đó đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023 và các năm tiếp theo, ngày 9/12/2022 Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị “Tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022: Kết quả, bài học và kiến nghị”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 đã được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực thực hiện, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương và củng cố thêm niềm tin về triển vọng phục hồi. Tuy vậy, bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó đoán định, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng đã khiến nhiều doanh nghiêp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động. Sang năm 2023, nhiều tổ chức cũng dự báo kinh tế nước ta thậm chí sẽ khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng hơn, cụ thể hơn, có địa chỉ hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn.”

 Ông Trần Duy Đông Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ( ảnh MPI)

Đại diện cho Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM trình bày Báo cáo cụ thể về tình hình và kết quả triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP. Bên cạnh những kết quả đáng chú ý trong việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, cụ thể năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, ước tính đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật, cả nước đã thành lập 11.700 Bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ thục hành chính (TTHC), trong đó có 56/63 tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh,… ông Cương cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại trong môi trường kinh doanh. Nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh; áp lực nặng nề bởi các chi phí mà doanh nghiệp vẫn đang phải gánh chịu như nguyên liệu, chi phí tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, phí hạ tầng cảng biển… Không chỉ vậy, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức, thiếu sự kết nối liên thông thủ tục hành chính trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, CIEM đưa ra một số kiến nghị, trong đó tập trung đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách TTHC, tạo chuyển biến thuận lợi cho môi trường kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cần coi doanh nghiệp là trung tâm và thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sự sáng tạo của doanh nghiệp; coi cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM 

Hội nghị cũng đã nghe bài trình bày của một số bộ, ngành; đại diện một số địa phương và hiệp hội về tình hình và kết quả cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; tình hình thực tiễn, những khó khăn và kiến nghị về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị ( ảnh MPI)

Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến chia sẻ từ các bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết và yêu cầu Tổ công tác triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tiếp tục theo dõi, tập hợp các phản ánh, kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp, các sáng kiến và kiến nghị từ tất cả các bên liên quan; phân tích, đánh giá và phân loại; từ đó hình thành các đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ./.

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu.

 


Tin tức khác