Vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0: Thực trạng và giải pháp
Hoạt động nghiên cứu

Vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0: Thực trạng và giải pháp

02/08/2022 - 3641 lượt xem

1. Tên đề tài: Vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0: Thực trạng và giải pháp

- Cấp quản lý: cấp Bộ

- Cơ quan chủ quản: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Cơ quan quản lý: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

2. Chủ nhiệm đề tài:  ThS. Nguyễn Hoa Cương – Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

3. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát của đề tài: Đề xuất một số quan điểm, định hướng và giải pháp để xác định phù hợp và thực hiện có hiệu quả vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Mục tiêu cụ thể của đề tài: (1) Tổng quan, làm rõ những vấn đề lý luận chủ yếu về vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V; (2) Rà soát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ của Nhà nước dành cho DNN&V; (3) Đánh giá vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ và phát triển DNN&V ở Việt Nam thời gian qua; (4) Đề xuất một số giải pháp để xác định phù hợp và thực hiện có hiệu quả vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các giải pháp sẽ tập trung vào việc đảm bảo tính hiệu quả khi triển khai, đáp ứng nhu cầu mới của doanh nghiệp trong tình hình mới, phù hợp với yêu cầu mới đặt ra của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế toàn cầu.

4. Phạm vi nghiên cứu

- Về nội dung: Đề tài tập trung chủ yếu vào những nội dung liên quan đến vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V thông qua (i) xác định/phân loại vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V; và (ii) một số chính sách hỗ trợ và kết quả thực thi.

- Về không gian: Việt Nam và khảo cứu kinh nghiệm 5 quốc gia (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức).

- Về thời gian: Phân tích thực trạng vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V ở Việt Nam từ cuối những năm 1990 khi Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho đến năm 2021; trong đó tập trung vào giai đoạn từ năm 2017- kể từ khi Luật Hỗ trợ DNN&V được ban hành- cho đến nay. Đây là khoảng thời gian mà nhiều quy định, chính sách mới về hỗ trợ DNN&V được ban hành. Đồng thời, việc tổng kết, đánh giá trong giai đoạn này cũng cung cấp những dữ kiện quan trọng để triển khai xây dựng chính sách hỗ trợ DNN&V trong giai đoạn 5 năm và 10 năm sắp tới.

5. Đối tượng và phương pháp tiếp cận nghiên cứu

5.1. Đối tượng nghiên cứu: Vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ và phát triển DNN&V.

5.2. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu:

Để thực hiện các mục tiêu nghiên cứu nêu trên, đề tài tiếp cận vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V trong bối cảnh CMCN 4.0 thông qua việc xác định vai trò của Nhà nước và việc thực hiện vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V, dưới sự tác động của các yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Trong đó, yếu tố CMCN 4.0 là yếu tố mới, việc phân tích yếu tố mới này giúp xác định các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V trong bối cảnh CMCN 4.0.


Hình 1: Khung phân tích nghiên cứu của Đề tài

 

Đề tài sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu bao gồm:

- Phương pháp phân tích tổng quan tài liệu: thu thập, rà soát, phân tích và tổng hợp các tài liệu sẵn có trong và ngoài nước về vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V; so sánh, đối chiếu thực tiễn với lý thuyết để tìm ra những vấn đề liên quan đến vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V.

- Phương pháp thống kê, mô tả: trên cơ sở các số liệu thống kê để đánh giá thực trạng, những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế của vai trò hỗ trợ của Nhà nước đối với DNN&V thời gian qua và hoàn thiện các nội dung của đề tài.

- Phương pháp thảo luận nhóm trọng tâm: tập hợp thông tin định tính thông qua quá trình trao đổi, bao gồm các những quan điểm, suy nghĩ, nhận thức, thái độ, niềm tin và hành động của các cơ quan Nhà nước, DNN&V, các bên liên quan đến việc hỗ trợ DNN&V để đánh giá những kết quả đạt được thời gian qua.

6. Kết cấu đề tài

Kết cấu chính của Đề tài ngoài phần mở đầu, kết luận gồm 3 chương chính sau:

Chương 1. Cơ sở lý luận về vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V

Chương 2. Thực trạng vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V ở Việt Nam

Chương 3: Giải pháp xác định phù hợp và thực hiện có hiệu quả vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ DNN&V tại Việt Nam.

 

 


Tin tức khác