Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”
H%E1%BB%99i%20ngh%E1%BB%8B%20h%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o

Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”

15/07/2022 - 5039 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform), sáng ngày 15/7/2022 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”. Hội thảo do TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì.

Hội thảo có sự tham gia của ông David Gottlieb, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; các chuyên gia cao cấp, các đại diện đến từ các cơ quan ban ngành Trung ương, các cơ quan truyền thông… Hội thảo tập trung thảo luận, tìm kiếm những ý tưởng về trọng tâm và lộ trình cải cách kinh tế, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phục hồi xanh hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Ảnh: TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo

Tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, trong những tháng đầu năm, các biện pháp hạn chế xuất nhập cảnh dần được gỡ bỏ nhờ đó Việt Nam đã có nhiều điều kiện tích cực hơn cho phục hồi và phát triển kinh tế trong 6 tháng đầu năm và làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2022. Theo chỉ số phục hồi của Nikkei, Việt Nam đã cải thiện chỉ số xếp hạng lên vị trí thứ 2, con số đã thể hiện rằng kinh tế VN đã phục hồi tích cực. Nhờ chính sách của Chính phủ, Việt Nam đã giữ vững nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế. Chính phủ duy trì đà cải cách, tạo không gian phát triển kinh tế cho doanh nghiệp và nhân dân.

Ông David Gottlieb, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam

Sau hơn hai năm đại dịch vừa qua, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, bất định, ảnh hưởng đến đà phục hồi, triển vọng tăng trưởng kinh tế đã kém tích cực hơn do những khó khăn từ đợt bùng phát đại dịch và các vấn đề mới phát sinh như cuộc xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp cấm vận của nhiều nền kinh tế, gia tăng các liên minh đối đầu, cấm vận trên toàn cầu,….đây là các nguyên nhân ảnh hưởng đến nền kinh tế trong thời gian tới. Việt Nam cũng bị tác động khi giá cả các loại mặt hàng cơ bản, an ninh lương thực, an ninh năng lượng tăng cao.

 

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho rằng cần lưu ý đến 5 vấn đề lớn, bao gồm: (i) Khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể COVID-19 và các dịch bệnh mới; (ii) Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; (iii) Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và “neo” kỳ vọng lạm phát; (iv) Khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại-công nghệ giữa Các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...; (v) Khả năng tạo thêm cơ hội và kỹ năng cho lao động nữ, qua đó giúp tận dụng tiềm năng từ nhóm lao động này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Kết thúc hội thảo, Viện trưởng CIEM ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và nhấn mạnh hội thảo giúp nhận diện được các vấn đề, nội dung trọng tâm để hỗ trợ nhóm nghiên cứu trong công tác tham mưu, tư vấn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ có được các chính sách, chủ trương đúng đắn nhất trong thời gian sắp tới khi thực hiện các nội dung liên quan đến cải cách và phát triển bền vững. 

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu

 

 

 


Tin tức khác