Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu về “Vấn đề lao động trong chuyển đổi số: Thách thức và giải pháp”
Ho%E1%BA%A1t%20%C4%91%E1%BB%99ng

Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu về “Vấn đề lao động trong chuyển đổi số: Thách thức và giải pháp”

30/03/2022 - 5736 lượt xem

Trong khung khổ Chương trình Ôxtrâylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), sáng ngày 30/3/2022, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu về “Vấn đề lao động trong chuyển đổi số: Thách thức và giải pháp” nhằm đề xuất một số giải pháp giải quyết vấn đề lao động để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Hội thảo tổ chức dưới hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, đảm bảo đầy đủ các bước an toàn chống dịch Covid-19. TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh: cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra yêu cầu phát triển đất nước đến năm 2030 là hướng vào đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số để tạo sự bứt phá và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Mặt khác, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, mỗi nền kinh tế đều đòi hỏi một lực lượng sản xuất tương ứng và đồng bộ về trình độ, đặc biệt là về lao động. Kinh tế số đòi hỏi phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nền kinh tế một cách hiệu quả. Trong quá trình chuyển đổi đó nhiều thách thức về lao động đang nổi lên đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp và kịp thời.

TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM 

Chuyển đổi số vừa làm mất việc làm nhưng cũng tạo ra việc làm mới. Việc làm mất đi tại các ngành mà công nghệ có thể thay thế con người, nhưng lại có những việc làm mới được tạo ra trong những ngành cần sự bổ trợ tương hỗ giữa công nghệ hiện đại và lao động có tay nghề. Điều này tạo ảnh hưởng và làm thay đổi lớn về cơ cấu lao động và thị trường lao động. Trong quá trình chuyển đổi số, các hệ thống tự động hóa sẽ dần thay thế cho lao động thủ công, nhưng việc tiếp cận các việc làm mới được tạo ra nhiều hay ít lại bị hạn chế do lực lượng lao động trong nước không được trang bị đủ kỹ năng cần thiết. Các kỹ năng mới cần có thời gian và nguồn lực để đào tạo nên việc tiếp cận được việc làm mới cần có thời gian, trong khi đó việc làm bị mất đi có thể xảy ra ngay lập tức.

TS. Đặng Đức Anh khẳng định: tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu chỉ ra ra rằng, Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng cho chuyển đổi số và lực lượng lao động Việt Nam bị tụt hậu khá xa so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực về các kỹ năng số cũng như các kỹ năng mềm khác. Vì vậy để thành công, Việt Nam cần đặc biệt nâng cao kỹ năng này cho lực lượng lao động của mình, nếu không chúng ta sẽ không thu được thành công như mong đợi là đi tắt đón đầu và nhiều lao động Việt Nam sẽ không tìm được việc làm. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần hành động sớm và quyết liệt hơn để giải quyết các vấn đề đang vướng mắc hiện nay của lao động trong chuyển đổi số, trước tiên cần tập trung nguồn lực để giải quyết nhu cầu trước mắt về nguồn nhân lực cho các ngành/lĩnh vực ưu tiên đã được xác định tại Quyết định 749/QĐ-TTg, nhưng về lâu dài cần có chiến lược đào tạo và đào tạo lại để cung cấp đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về trình độ chất lượng lao động ngày một cao của doanh nghiệp về lao động có tay nghề.

Ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng Ban, ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM)

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng Ban, ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) đã trình bày tóm tắt báo cáo và tập trung vào ba nội chính gồm: Làm rõ một số vấn đề lý luận về nguồn nhân lực trong chuyển đổi số; Phân tích và làm rõ thực trạng vấn đề lao động trong chuyển đổi số tại Việt Nam, tập trung vào 4 lĩnh vực  gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics và đề xuất một số giải pháp giải quyết vấn đề lao động thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Cụ thể, đối với nghiên cứu về các vấn đề lao động trong chuyển đổi số ở lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics: làm rõ các cơ hội việc làm cũng như những khó khăn, bất cập nảy sinh liên quan trong quá trình chuyển đổi số đối với người sử dụng lao động; đối với người lao động; đối với công tác quản lý thị trường lao động và các vấn đề xã hội liên quan đến việc làm người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số. Đề xuất giải pháp nhằm khai thác cơ hội và giải quyết khó khăn, bất cập về vấn đề việc làm cho người lao động trong quá trình chuyển đổi số…

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng đã tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm và đều đồng nhất cho rằng, để đạt các mục tiêu nêu trên, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ từ tập trung nguồn lực cho phát triển đội ngũ người lao động có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề nghiệp cho chuyển đổi số, các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cần nâng cao về chất lượng; hỗ trợ phát triển, nâng cao khả năng ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người lao động, doanh nghiệp về chuyển đổi số; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ở cơ sở về chuyển đổi số. Thị trường lao động cần linh hoạt hơn để người lao động dễ dàng di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác; Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ hơn với khu vực tư nhân để tạo khung khổ thể chế và thúc đẩy hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng chuyển đổi số./.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu

 


Tin tức khác