Hội thảo công bố báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam"
Tin tức - sự kiện

Hội thảo công bố báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam"

24/03/2022 - 4127 lượt xem

Trong khung khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), sáng ngày 24/03/2022, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp với trực tuyến, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19. TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM

Phát biểu tại Hội thảo, TS Trần Thị Hồng Minh khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ có ý nghĩa đối với hội nhập quốc tế mà còn đối với công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Kết quả Báo cáo là sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu với sự phối hợp, góp ý, tham vấn của các chuyên gia đến từ các bộ, ban, ngành. Việt Nam đang đứng trước rất nhiều những thách thức. Các mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang dần mất lợi thế cạnh tranh, nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ già hóa dân số đòi hỏi phải đẩy nhanh việc tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Bối cảnh đó yêu cầu Việt Nam phải phát huy đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động. Để đạt được điều đó, cần phải có những nỗ lực nhằm tăng cường ý thức và hiệu lực bảo vệ SHTT của cả các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Thay mặt nhóm Nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) trình bày các kết quả nghiên cứu của Báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam”. Cụ thể, báo cáo đã rà soát các quy định về SHTT trong các cam kết quốc tế và văn bản pháp luật của Việt Nam. Các quy định hiện hành của Việt Nam đã cơ bản phù hợp với các quy định về thực thi quyền SHTT theo các điều ước quốc tế.

Ông Nguyễn Anh Dương cho biết, qua quá trình khảo sát cho thấy, khối doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu chưa quan tâm đúng mức tới việc thi hành Luật SHTT. Về xử lý các tranh chấp phát sinh đối với quyền SHTT, nhiều vụ việc đã được xử phạt hành chính nhưng số tiền xử phạt tương đối thấp và chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm luật SHTT…

Ông Nguyễn Anh Dương, trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM)

Để cải thiện chất lượng của hệ thống SHTT tại Việt Nam, báo cáo đưa ra bốn nhóm kiến nghị chính sách đối với sửa đổi, bổ sung Luật SHTT. Thứ nhất, cách tiếp cận đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT cần hướng tới nội luật hóa sớm hơn và cao hơn so với các cam kết quốc tế để tạo động lực cho doanh nghiệp và thích ứng với môi trường chuyển đổi số; Thứ hai, cần nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ SHTTcho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (đặc biệt là các doanh nghiệp, cá nhân ở nước ngoài); Thứ ba, cần vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc xử lý dân sự các tranh chấp liên quan đến quyền SHTT để giảm chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân; Thứ tư, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý SHTT và tính đến khả năng hợp nhất một số cơ quan quản lý SHTT, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan này.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT; tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về SHTT của Việt Nam trong Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu; hiệu quả sử dụng quyền SHTT được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng SHTT cao…

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng đã trao đổi những nội dung, quy định, chính sách, định hướng cụ thể giúp xác định cho việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT nhằm bảo đảm phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam và các hướng nghiên cứu tiếp theo về hoàn thiện pháp luật về SHTT ở Việt Nam trong thời gian tới./.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu.

 

 

 

 


Tin tức khác