Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham dự Hội nghị triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua Ngành Kế hoạch và Đầu tư và Thống kê thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025
Ho%E1%BA%A1t%20%C4%91%E1%BB%99ng

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham dự Hội nghị triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua Ngành Kế hoạch và Đầu tư và Thống kê thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025

20/09/2021 - 5849 lượt xem

Ngày 17/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua Ngành Kế hoạch và Đầu tư và Thống kê thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Ảnh: Đức Trung - MPI

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chủ đề phong trào giai đoạn 2021-2025 là “Toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư đoàn kết, tiên phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo, đồng hành cùng Chính phủ chủ động chiến thắng dịch bệnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025”, Bộ trưởng đề nghị toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành thực hiện 3 nội dung: hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: (i) Đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19; (ii) hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt theo phát động của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (iii) huy động sức mạnh, trí tuệ tập thể; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, đoàn kết đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; cam kết quyết tâm hành động hiệu quả các nhiệm vụ được giao nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị
Ảnh: Đức Trung - MPI

Đại diện cho toàn thể các đơn vị trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có Bài phát biểu trước toàn thể Hội nghị. Với niềm vinh dự về những thành tựu đặc biệt quan trọng trong cải cách và phát triển gắn liền với sự chuyển mình về kinh tế -  xã hội của đất nước trong những năm qua, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: Kể từ năm 2020 trở lại đây, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực liên tục có những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài làm gia tăng khó khăn cho hoạt động kinh tế trên bình diện toàn cầu. Đối với nền kinh tế Việt Nam, dịch bệnh COVID cũng đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về gián đoạn chuỗi cung ứng, sàng lọc doanh nghiệp, sụt giảm của khu vực dịch vụ, v.v. Nhìn lại những khó khăn, bất định ấy để thấy những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta thời gian qua là thực sự có ý nghĩa. Những kết quả ấy có được một phần quan trọng là từ sự đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể với hai điểm nhấn nổi bật của Bộ thời gian vừa qua. Thứ nhất, Bộ đã giữ được sự bao quát, quyết liệt và khoa học để có những đánh giá, kiến nghị, chuẩn bị các kịch bản điều hành, và thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, kịp thời, dù bối cảnh trong nước và quốc tế thay đổi khá nhanh và phức tạp. Bộ đã tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện những biện pháp hướng tới duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì ổn định xã hội, qua đó góp phần tạo đồng thuận sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân hướng tới thực hiện “mục tiêu kép”. Thứ hai, Bộ không ngừng nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để có những tham mưu cho Chính phủ giữ đà cải cách thể chế kinh tế ngay cả trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID. Những Đề án quan trọng như Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Phát triển kinh tế ban đêm, hay những chương trình cụ thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của doanh nghiệp, chính là những biểu hiện sinh động trong nỗ lực mở rộng những không gian mới cho phát triển kinh tế. Qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nổi lên là một hình mẫu về tham mưu cải cách thể chế kinh tế ở khu vực, được các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) tín nhiệm, ủng hộ giữ vị trí Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự mở rộng APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2021-2025. Chương trình này đã được Hội nghị Bộ trưởng Cải cách cơ cấu APEC thông qua vào tháng 6 vừa qua. 

Về Chương trình hành động của ngành Kế hoạch và Đầu tư hướng tới một giai đoạn cải cách và phát triển mới, TS. Trần Thị Hồng Minh cho thấy: Chương trình hành động của ngành Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện rõ ràng, sắc nét những trọng tâm công tác phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Để đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Ngành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng các đơn vị trong Bộ sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất những chính sách mới phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước hướng tới một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường. Đó là tập trung nghiên cứu, tham mưu các chính sách liên quan tới phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch bệnh COVID. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh gắn với phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Thúc đẩy phát triển kinh tế số; mở rộng không gian số cho doanh nghiệp và tận dụng nguồn tài nguyên dữ liệu số. Tham mưu các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong bối cảnh đất nước tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới v.v. Xuyên suốt những trọng tâm công tác ấy chính là sự tìm kiếm, hoàn thiện những ý tưởng cải cách mới, thân thiện hơn với nền kinh tế thị trường đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và hội nhập, hướng tới sự phát triển bền vững.

Cuối bài phát biểu, Viện trưởng CIEM bày tỏ sự tin tưởng rằng Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua của ngành Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2021- 2025, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Bộ trưởng và sự quyết tâm thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành, sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực. Qua đó sẽ cùng đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục là hình mẫu về thúc đẩy cải cách và phát triển.

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu

 

 


Tin tức khác