Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham dự Phiên họp toàn thể Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ
Tin%20t%E1%BB%A9c%20-%20s%E1%BB%B1%20ki%E1%BB%87n%09

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham dự Phiên họp toàn thể Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ

13/09/2021 - 4812 lượt xem

Sáng ngày 10/9/2021, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Trần Thị Hồng Minh – Thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tham dự trực tuyến Phiên họp toàn thể Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM – Thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung - MPI

Phiên họp do ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Cuộc họp có sự tham dự của các thành viên Hội đồng, đại diện một bố Bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp… và đơn vị truyền thông. Đây cũng là phiên họp đầu tiên của Hội đồng trong năm 2021 kể từ khi được kiện toàn sau khi có Chính phủ mới.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã gây ra những tác động hết sức nặng nề đến kinh tế - xã hội và sức khỏe của Nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn, phát huy cao độ các nguồn lực để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ, chăm lo đời sống cho Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chung tay, chung sức, đồng hành cùng Chính phủ, với các cấp, các ngành vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu kép.

Trong bối cảnh như vậy, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ với chức năng nhiệm vụ của mình, đặc biệt là với sự tham gia của nhiều hiệp hội doanh nghiệp lớn có vai trò rất quan trọng. Hội đồng đã trải qua hơn 13 năm hoạt động có nhiệm vụ đề xuất các sáng kiến về cải cách TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân; đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương; tổ chức đối thoại, tổng hợp, phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC. Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng. Hoạt động của Hội đồng là kênh thông tin hữu hiệu để Thủ tướng Chính phủ có thêm thông tin từ thực tế đưa ra các chính sách kịp thời, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; các chính sách tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tại phiên họp, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng trình bày báo cáo về tình hình, kết quả hoạt động 8 tháng đầu năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 của Hội đồng và cho biết, Hội đồng có 5 tổ công tác, trong đó Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông làm Tổ trưởng Tổ cải cách các quy định về khởi sự kinh doanh, bảo vệ cổ đông thiểu số.

Theo Báo cáo, trong 8 tháng đầu năm 2021, các hoạt động của Hội đồng cơ bản được triển khai theo Kế hoạch đề ra, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư thương mại; Hội đồng tiếp tục phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa Chính phủ và người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội đồng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hoạt động đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC và Chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ đầu mối của các cơ quan thành viên Hội đồng chưa được triển khai; công tác phối hợp, gắn kết trong hoạt động của từng Ban công tác, từng thành viên Hội đồng còn chưa chặt chẽ; kết quả hoạt động cơ bản mang dấu ấn của mỗi cơ quan, tổ chức của thành viên Hội đồng; công tác truyền thông về các hoạt động của Hội đồng chưa được quan tâm đúng mức.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Hội đồng đề nghị các Ban công tác, từng thành viên Hội đồng tập trung tổ chức triển khai một số nội dung như tích cực tham gia các hoạt động đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; kịp thời xử lý phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách TTHC; chủ động lấy ý kiến các Hiệp hội thành viên Hội đồng về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực của Bộ.

Các thành viên Hội đồng là tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chủ động tập hợp những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC của các thành viên hiệp hội, tổ chức mà mình đại diện (đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19) và tổ chức nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, báo cáo Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định; đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động của Hội đồng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 của Chính phủ cũng như các giải pháp hoặc sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC; huy động chuyên gia trong lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị mình hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ chung của Hội đồng…

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Đức Trung - MPI

Phát biểu tại Phiên họp, Viện trưởng CIEM, TS. Trần Thị Hồng Minh đánh giá cao những nội dung được Ban Thư ký của Hội đồng chuẩn bị trong Báo cáo. Viện trưởng cũng đề xuất Hội đồng nên xây dựng một chương trình dài hạn trong 5 năm tới vì giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn hết sức quan trọng khi bắt đầu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó Đảng đã xác định những định hướng cần lưu ý đối với công tác đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Thông tin về các hoạt động, kết quả đạt được thời gian qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói chung và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói riêng trong khuôn khổ hoạt động của Hội đồng và công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết cải cách TTHC được Bộ xem là nội dung trọng tâm và được thực hiện triệt để. Điều này được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật, trong việc tiếp nhận các thông tin, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Bộ đã thực hiện việc cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC do Bộ phụ trách.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã rất chủ động, tích cực đối thoại với doanh nghiệp, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; từ đó đã có những tham mưu kịp thời, xác đáng đối với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền khác. Liên quan đến cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Bộ được giao là cơ quan đầu mối chủ trì, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện. Việc thực hiện Nghị quyết 02 và một số nghị quyết khác của Chính phủ cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh đã đạt được một số kết quả khả quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tốt với các Bộ, ngành để thực hiện các nội dung báo cáo về chỉ số cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cắt giảm thời gian, chi phí. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để gặp gỡ các Hiệp hội doanh nghiệp, tìm ra các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Viện trưởng nhấn mạnh thời gian tới cần sự đồng hành, chung sức của tất cả các cơ quan liên quan để cải thiện hơn nữa các chỉ số môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, góp phần hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp vì sự phát triển chung của nền kinh tế và xã hội.

Phát huy vai trò, trách nhiệm là cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân, Phiên họp tập trung thảo luận về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp để khắc phục và phát huy hơn nữa thế mạnh và kết quả đã đạt được trong thời gian qua, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao; các quy định của pháp luật đang gây khó khăn, vướng mắc, cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực như đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, thuế, hải quan, lao động việc làm; những khó khăn vướng mắc và các vấn đề phát sinh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thủ tục về vận tải, lưu thông hàng hóa, thủ tục xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, thủ tục về thuế, bảo hiểm, hỗ trợ người lao động; việc tổ chức sản xuất kinh doanh, thực hiện các mô hình ba tại chỗ, một cung đường, hai điểm đến, đề xuất các mô hình, giải pháp sản xuất an toàn để bảo đảm duy trì sản xuất.

Kết luận Phiên họp, ông Trần Văn Sơn đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên Hội đồng trong thời gian qua và nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự. Người chủ trù Phiên họp yêu cầu Ban Thư ký Hội đồng sớm hoàn thiện báo cáo trên cơ sở những kiến nghị trong Phiên họp, cũng như xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021. Đồng thời, ông Trần Văn Sơn cũng đề nghị các thành viên Hội đồng, các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để hoạt động của Hội đồng có nhiều kết quả đáng chú ý hơn, đóng góp mạnh mẽ vào công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

 

 


Tin tức khác