Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trả lời phỏng vấn Chương trình Góc nhìn VNews của Truyền hình Thông tấn xã về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2021
Góc nhìn chuyên gia

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trả lời phỏng vấn Chương trình Góc nhìn VNews của Truyền hình Thông tấn xã về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2021

16/07/2021 - 3481 lượt xem

Ngày 10/7/2021, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có những chia sẻ trong Chương trình Góc nhìn VNews của Truyền hình Thông tấn xã về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 và những giải pháp vượt qua thách thức, đạt được mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

CIEM trích lại nội dung Chương trình phỏng vấn như sau:

PV: Bà đánh giá như thế nào về nỗ lực của nền kinh tế Việt Nam 6 tháng qua?

TS. Trần Thị Hồng Minh: 6 tháng đầu năm 2021 là giai đoạn khó khăn của kinh tế Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới khi mà chúng ta phải đối mặt với những khó khăn mới của dịch bệnh COVID-19, với những biến thể mới và những phức tạp trong công tác phòng chống dịch bệnh. Có thể nói, 6 tháng đầu năm 2021, chúng ta về cơ bản đã đạt được những mục tiêu trong phòng chống dịch bệnh cũng như trong tăng trưởng kinh tế. Đối với mục tiêu phòng chống dịch bệnh, với sự phức tạp cũng như những biến thể mới của virus, vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt và nhiều thách thức mà chúng ta cần phải vượt qua. Đối với lĩnh vực kinh tế, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì chúng ta đã đạt được kết quả hết sức khích lệ. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt được 5,64%. Con số này so với mục tiêu đề ra dù chưa đạt được nhưng trong bối cảnh thực tế hiện nay thì lại hết sức đáng khích lệ

PV: Có thể thấy Việt Nam đã và đang nỗ lực để làm tốt công tác vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Bà ấn tượng với lĩnh vực, ngành nghề nào của Việt Nam trong 6 tháng qua?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Như đã nói ở trên, với con số tăng trưởng GDP đạt được 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam được các tổ chức tín nhiệm thế giới đánh giá rất khả quan. Việt Nam là nước duy nhất được cả 3 tổ chức tín nhiệm thế giới nâng hạng từ mức độ ổn định lên tích cực. Để đạt được những kết quả đó, cùng với những nỗ lực trong phòng chống dịch bệnh thì sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành và những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần đạt được những thành tích đó. Nổi bật trong các ngành kinh tế là ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Các số liệu cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng trong ngành này đạt được 11,42% so với cùng kỳ năm 2020. Hoặc như trong lĩnh vực xuất khẩu, 6 tháng đầu năm 2021 cũng đã đạt được những kết quả đáng tự hào, khi đạt được con số khoảng 158 tỷ USD, tăng khoảng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Một lĩnh vực có thể thấy rõ nhất sự tăng trưởng vượt bậc là ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Khu vực nông – lâm – ngư nghiệp cả trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và xã hội khi gặp khó khăn trong dịch bệnh. Một ví dụ rất rõ ràng là trong tháng 5, 6 vừa qua ở tỉnh Bắc Giang, trong khi tỉnh này bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, với sản lượng vải thiều lớn lên tới vài trăm ngàn tấn mà trong thời gian ngắn đã được các cấp, ngành, và sự nỗ lực của doanh nghiệp đã được tiêu thụ hết, thậm chí còn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa với nhiều hình thức kinh doanh điện tử được áp dụng. Như vậy, có thể thấy, qua khó khăn, nếu doanh nghiệp có được phương án kinh doanh hợp lý, sáng tạo cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ thì chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn do tác động của dịch COVID-19. 

PV: Theo bà, những bài học mà chúng ta rút ra được trong quá trình vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế là gì?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Theo tôi, thứ nhất, cần phải thực hiện linh hoạt và triệt để “mục tiêu kép”, đó là vừa phòng chống dịch bệnh và vừa phát triển kinh tế. Có thể trong giai đoạn này, mục tiêu phòng chống dịch là số 1 ở địa phương này nhưng ở giai đoạn khác thì mục tiêu phát triển kinh tế lại cần đặt lên hàng đầu, hoặc cần phải thực hiện đồng thời cả hai mục tiêu. Đây cũng là điểm mà chúng ta cần phải triển khai tốt hơn trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Thứ hai, đó là sự vào cuộc, sự đồng hành của Chính phủ cũng như của doanh nghiệp. Sự hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết và quan trọng nhưng sự sáng tạo, chủ động thích ứng của doanh nghiệp lại là điều kiện quyết định để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn. Tôi tin rằng, khi có được sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân và Chính phủ thì chúng ta có thể vượt qua được khó khăn để đạt được mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh vừa tăng trưởng kinh tế.

PV: Thưa bà, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ và thấp hơn so với kịch bản cập nhật của Chính phủ vào quý 1/2021. Quan điểm của bà về mục tiêu đạt được mục tiêu 6 – 6,5% trong năm nay?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Tôi cho rằng đây là những mục tiêu hết sức thách thức trong bối cảnh chúng ta vừa phải phòng chống dịch bệnh, vừa phát phát triển kinh tế. Tuy vậy, 6 tháng cuối năm 2021, chúng ta vẫn còn một số dư địa phát triển để đạt được mục tiêu tăng trưởng như Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Thứ nhất, về chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có tác động lớn đối với sự dịch chuyển của nền kinh tế theo hướng tích cực. Trong Nghị quyết 63 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2021 đã chỉ rõ những biện pháp hết sức cụ thể để đạt được những mục tiêu đề ra. Đó là những vấn đề như đẩy mạnh đầu tư công, thực hiện hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng liên quan tới đầu tư công. Nếu chúng ta làm tốt mục tiêu này thì sẽ tạo được những lan tỏa tới những mục tiêu khác.

Thứ hai, là các hoạt động của doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực xuất khẩu còn nhiều thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác, đặc biệt là thị trường EU, khi mà các nước này đã bắt đầu mở cửa trở lại khi đã đạt được thành công nhất định trong phòng chống dịch COVID-19. Việc Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EUKFTA, hay sắp tới đây là hiệp định RCEP sẽ là những điều kiện pháp lý hữu hiệu để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh xuất khẩu sang các thị trường này. Một thị trường quan trọng nữa là thị trường nội địa. Nếu các doanh nghiệp khai thác được thị trường 100 triệu dân này thì 6 tháng cuối năm 2021 cũng là môi trường cho doanh nghiệp đẩy nhanh, mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

PV: 6 tháng cuối năm chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đối với nền kinh tế. Theo bà, đâu là những thách thức lớn nhất và những giải pháp để vượt qua những thách thức, đạt được mục tiêu tăng trưởng là gì?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Thách thức đầu tiên, tôi cho rằng vẫn là khả năng phòng chống dịch COVID-19. Chúng ta đều biết, dịch COVID-19 với tốc độ lây lan ngày càng trầm trọng ở các nước châu Á và trên thế giới và những biến thể của virus ngày càng phức tạp hơn. Thách thức này có tác động dây chuyền tới các nước. Theo nguyên tắc vùng trũng thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn nội tại và ngoại sinh từ công tác phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, giải pháp đầu tiên vẫn là phải có một chiến lược phòng chống dịch bệnh triệt để, căn cơ. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thì các địa phương trên cơ sở kinh nghiệm phòng chống dịch thời gian vừa qua cần phải có chiến lược mới trong phòng chống dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kép. Vì đến thời điểm này, bối cảnh dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh đã khác, thậm chí là khác cơ bản. Các địa phương phải có sự phối hợp với nhau như thế nào để cùng phòng chống dịch bệnh chứ không chỉ mỗi địa phương có một chiến lược và kế hoạch khác nhau và không tạo ra được hiệu ứng lan tỏa và sự đồng thuận để vượt qua khó khăn. Bài học trong thời gian vừa qua là rất quan trọng để các địa phương rút kinh nghiệm.

Thứ hai, là sự vào cuộc của các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành sản xuất như thế nào để tránh tình trạng khi một ngành gặp khó khăn, một địa phương gặp khó khăn thì các bộ, ngành cũng chưa có sự phối hợp tốt nhất để hỗ trợ địa phương.  

Thứ ba, về phía doanh nghiệp, phải tận dụng các mô hình kinh doanh mới. Ví dụ như lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 về khoa học công nghệ để đẩy nhanh chuyển đổi số trong bản thân doanh nghiệp của mình cũng như tận dụng mô hình kinh tế mới để vượt qua khó khăn, thậm chí là mở ra hướng kinh doanh mới cho doanh nghiệp của mình trong thời gian khó khăn này.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà về những chia sẻ hết sức ý nghĩa!

 

Nguồn: Thông tấn xã


Tin tức khác