Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”.
Tiêu điểm tin

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”.

15/07/2021 - 7156 lượt xem

Với sự hỗ trợ của Chương trình Ôxtrâylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 15/7/2021, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”.

Cần thúc đẩy các cải cách đủ sâu, rộng để phục hồi tăng trưởng bền vững

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhấn mạnh quan điểm này tại Hội thảo trực tuyến “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM (ảnh chụp qua màn hình)

Bối cảnh kinh tế trong 6 tháng qua không hề dễ dàng hơn so với năm 2020

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM đánh giá bối cảnh kinh tế trong 6 tháng vừa qua không hề dễ dàng hơn so với năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế toàn cầu phục hồi rõ nét hơn, dù chưa đồng đều giữa các nhóm nền kinh tế. Các nền kinh tế phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, trong khi các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm.

Đà phục hồi kinh tế còn nhiều bất định, do rủi ro bùng phát các đợt dịch bệnh mới, diễn biến lây lan nhanh của các biến thể COVID-19 mới khiến nhiều quốc gia áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế; chậm trễ trong phổ biến vắc-xin và tiêm chủng; rủi ro nợ và áp lực lạm phát…

Bước vào đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, những đợt dịch với diễn biến khá phức tạp, nhất là đợi dịch thứ tư từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế. Rút kinh nghiệm từ ba đợt dịch trước, Chính phủ đã tiếp cận điều hành trong đợt dịch thứ tư đã có sự linh hoạt cần thiết để vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Chính phủ tiếp tục kiên định với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các biện pháp hỗ trợ tiếp tục được thực hiện, điều chỉnh nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, qua đó góp phần vào ổn định xã hội.

Đồng thời, nhiều giải pháp, nhiệm vụ hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số để tạo sức bật cho nền kinh tế trong dài hạn và thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới tiếp tục là ưu tiên trong các tháng đầu năm 2021.

Tốc độ tăng GDP đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó quý I tăng 4,65% và quý II tăng 6,61%. Đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu; mặc dù vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn. Kinh tế Việt Nam đã có quý đầu tiên mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng và tiếp tục nằm trong nhóm duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức cao ở khu vực châu Á.

Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% trong 6 tháng đầu năm 2021, tái khẳng định vai trò là “bệ đỡ” cho nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn. Xuất khẩu nông sản là điểm sáng tăng trưởng, một phần do sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, mặt khác các Bộ, ngành đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, nỗ lực mở cửa thị trường, tận dụng lợi thế từ các FTA, phát triển kênh bán hàng qua thương mại điện tử, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,91%. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành đã phục hồi trở lại, tăng mạnh lên 13,01% trong quý II/2021.

Phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo động lực tăng trưởng; tuy vẫn chủ yếu tập trung ở ngành công nghệ thấp và ở khâu gia công, lắp ráp, với giá trị gia tăng thấp. Khu vực dịch vụ tăng 3,96% trong 6 tháng đầu năm 2021. Hoạt động của khu vực dịch vụ chưa phục hồi hoàn toàn với nhiều hoạt động như du lịch, vận tải gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% trong 6 tháng đầu năm 2021, tái khẳng định vai trò là “bệ đỡ” cho nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn. Xuất khẩu nông sản là điểm sáng tăng trưởng, một phần do sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, mặt khác các Bộ, ngành đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, nỗ lực mở cửa thị trường, tận dụng lợi thế từ các FTA, phát triển kênh bán hàng qua thương mại điện tử, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Các doanh nghiệp ít nhiều cũng chủ động cân nhắc điều chỉnh hướng sản xuất – kinh doanh. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, có hơn 67 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 8,1% về số doanh nghiệp và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Triển vọng và xu hướng kinh doanh được các doanh nghiệp phân ngành chế biến chế tạo nhìn nhận lạc quan hơn.

Tình hình lao động – việc làm cũng chịu những ảnh hưởng đáng kể. Tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi giảm 90,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động trong độ tuổi trong cả nước 6 tháng đầu năm 2021 là 2,52%.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy người lao động trong khu vực phi chính thức trở nên bấp bênh hơn do các cú sốc, nhất là trong đại dịch COVID-19. Tổ chức Lao động Quốc tế nhận định, đại dịch COVID-19 khiến cho đối tượng là nữ lao động di cư bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với trước.

Thu NSNN trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 775,0 nghìn tỷ đồng, tương đương 57,7% dự toán cả năm, và bằng 19,4% GDP. Chi NSNN đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 17,3% GDP, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thu NSNN so với dự toán tương đối cao trong 6 tháng đầu năm, tạo thêm dư địa tài khóa cho Chính phủ để cân nhắc hỗ trợ nền kinh tế và cụ thể là cộng đồng doanh nghiệp “bật lên” trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.

Phát hành trái phiếu chính phủ trong quý II/2021 cao hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Tuy vậy, giá trị phát hành ròng không lớn, do nhiều trái phiếu chính phủ đáo hạn trong các tháng đầu năm 2021.

Định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế: Điểm sáng trong bối cảnh khó khăn

Từ đầu năm 2021, Việt Nam trải qua hai đợt bùng phát dịch COVID-19, nhất là đợt dịch từ cuối tháng 4 với những diễn biến rất phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

“Ngay tại thời điểm này, chúng ta còn đang theo dõi số ca mắc COVID-19 hàng ngày, hàng giờ, với nhiều quan ngại. Đợt dịch này đã lan đến các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn, gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế”, bà Minh cho biết.

Trước những diễn biến mới, Chính phủ mới đã nhanh chóng bắt tay vào điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ mới vẫn hướng tới “mục tiêu kép”, song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn với những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vắc-xin…

Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Để hiện thực hóa những ưu tiên này, kiểm soát lạm phát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Bà Minh chỉ rõ, những ý kiến tranh biện về kịch bản diễn biến giá cả và yêu cầu kiểm soát lạm phát trong những tuần vừa qua cũng phản ánh sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp.

Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện tiếp cận để các nhóm này trụ vững qua thời kỳ khó khăn.

“Một điểm sáng nữa mà chúng ta hầu như rất ít nói tới trong những tháng vừa qua, đó là việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế”, bà Minh cho biết.

Ngay trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới, mô hình phát triển kinh tế bền vững…

TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, thực tế, ngay ở vòng lấy ý kiến cuối cùng trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn nhận được những đề xuất bổ sung nhiệm vụ mới có tính chiến lược, cấp thiết, dài hạn về phát triển hạ tầng pháp lý và kỹ thuật cho nền kinh tế.

Sự quyết liệt trong nỗ lực cải cách của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

“Xin thông tin thêm, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vinh dự đại diện Việt Nam dẫn dắt quá trình xây dựng Chương trình Nghị sự mở rộng của APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2021-2025, được các Bộ trưởng cải cách cơ cấu của APEC thông qua vào tháng 6/2021", bà Minh cho biết thêm.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Minh nhấn mạnh rằng, chúng ta vẫn cần thúc đẩy các cải cách đủ sâu rộng để phục hồi tăng trưởng một cách bền vững./.

 

Nguồn: Kinh tế và Dự báo 

 

 


Tin tức khác