Hội thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế”
Hoạt động

Hội thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế”

09/12/2020 - 2263 lượt xem

Là đơn vị chủ trì xây dựng “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” trình Chính phủ trong quý IV/2020 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ và Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Ngày 8 tháng 12 năm 2020, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo. Phát hiểu mở đầu, ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh: Mặc dù, mới phát triển tại Việt Nam trong một thời gian ngắn, song mô hình KTCS đã phát triển mạnh và đang phổ biến rộng rãi trong xã hộị đồng thời mang lại thay đổi trong nềm kinh tế cũng như nhiều lợi ích chung cho doanh nghiệp, cho xã hội. Mô hình KTCS giúp giảm chi phí giao dịch và sử dụng tài sản và tài nguyên hiệu quả hơn, cơ hội của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam tạo ra một phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ 4.0. Ban soạn thảo sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, bộ, ngành khác cùng xem xét, rà soát các chính sách liên quan để thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội - CIEM, đại diện nhóm thực hiện báo cáo đã trình bày kết quả Dự thảo Báo cáo "Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế" cho biết: mục tiêu cụ thể của báo cáo nhằm đánh giá những tác động tích cực cũng như tiêu cực của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế; đồng thời, đề xuất giải pháp phát huy các ảnh hưởng tích cực và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế.

Ông Lưu Đức Khải nhấn mạnh, mô hình kinh tế chia sẻ sẽ tác động tới thúc đẩy kinh doanh, mở rộng cơ hội kinh doanh, tăng số lượng chủ thể tham gia thị trường trong nền kinh tế; đồng thời, đa dạng hóa và tăng chủng loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp và đưa ra nhiều hơn các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường.

Cùng với đó, mô hình kinh tế chia sẻ còn tác động tới thúc đẩy cạnh tranh và tăng tính minh bạch của thị trường; tăng tính minh bạch của thị trường trong nền kinh tế; nâng cao hiệu suất của thị trường một số ngành sản phẩm, dịch vụ trong nền kinh tế kinh tế chia sẻ. Đặc biệt, kinh tế chia sẻ tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế....

Tuy nhiên, với mô hình kinh tế chia sẻ, một số sản phẩm có thể bị lũng đoạn bởi doanh nghiệp kinh tế chia sẻ; nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ trong nước, lũng đoạn và chi phối thị trường kinh tế chia sẻ và một số sản phẩm dịch vụ ở Việt Nam; gây ra rủi ro chính sách và pháp lý đối với các chủ thể tham gia thị trường kinh tế chia sẻ. Cùng với đó, có những rủi ro phát sinh từ những biến tướng khó lường, khó dự đoán và khó kiểm soát của kinh tế chia sẻ...

Để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ này, CIEM đề xuất hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý kinh tế chia sẻ, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ.

Cùng với đó là đề xuất nghiên cứu rà soát các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài là bên cung cấp nền tảng kết nối và hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam để xác định lỗ hổng pháp lý và bổ sung.

“Cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách về tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh chia sẻ trên thị trường trong nước.”, ông Lưu Đức Khải cho biết. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực độc lập, tự chủ về công nghệ, phát triển nhanh các công nghệ nền tảng, nhất là các công nghệ nền tảng lớn, giảm dần lệ thuộc của nền kinh tế vào các nền tảng công nghệ lớn ở nước ngoài.

Ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội - CIEM

Ngoài ra, các đại diện tham dự hội thảo từ các Bộ, ngành như Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch cùng đều đồng qua điểm rằng trong xu thế toàn cầu cùng tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), việc tiếp cận và làm chủ ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hoạt động KTCS là xu thế tất yếu, phù hợp với những thay đổi trong nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế số, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử…và các quy định về thuế hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ.

Kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tại Việt Nam, bao gồm môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; Kiểm soát việc minh bạch về thông tin; Quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; Quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; Chống thất thoát thuế và nảy sinh một số vấn đề xã hội khác như lao động, việc làm và an sinh xã hội…Do đó, việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực trong mô hình KTCS là hết sức cần thiết. 

Toàn cảnh buổi Hội thảo 

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn đào tạo và Thông tin tư liệu

 

 

 


Tin tức khác