Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam: Động lực mới trong bối cảnh khó khăn
Tin tức

Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam: Động lực mới trong bối cảnh khó khăn

31/07/2020 - 4003 lượt xem

 

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Phát triển kinh tế ban đêm được kỳ vọng có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Hoạt động sôi động về đếm tại Tạ Hiện, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Đề án Phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) ở Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt là một bước tiến lớn trong đổi mới tư duy về hoạt động này. Phát triển KTBĐ được kỳ vọng có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Để có cái nhìn rõ hơn về phát triển KTBĐ, BNEWS/TTXVN xin trích dẫn bài viết của TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
*Phát triển kinh tế ban đêm là yêu cầu đặt ra từ trước COVID-19…

Như tên gọi, kinh tế ban đêm hướng nhiều đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về đêm. Khung giờ “đêm” tùy thuộc vào định nghĩa, có thể hẹp trong khoảng từ 6 giờ tối đến 10 giờ tối, nhưng cũng có thể kéo dài từ 6 giờ tối cho đến 6 giờ sáng của ngày hôm sau. Dù theo định nghĩa nào, kinh tế ban đêm gắn với một cách nhìn nhận mới: khung giờ đêm là một không gian cho hoạt động kinh tế, gắn với sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng, việc làm, thu nhập và giá trị cho xã hội, chứ không chỉ là thời gian để mọi người nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình sau một ngày làm việc.

Kinh tế ban đêm không phải là mô hình hoàn toàn mới, mà đã trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới. Sự hình thành và phát triển ấy được minh chứng qua những số liệu cụ thể: tại Vương quốc Anh, trung bình doanh thu hàng năm từ kinh tế ban đêm đạt 66 tỷ bảng và tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm; hay tại Australia, quy mô doanh thu từ kinh tế ban đêm ở các khu đô thị lớn đạt tới 136 tỷ  đôla Australia trong năm 2018, tương đương 5% quy mô kinh tế nước này, và tạo việc làm cho 1,1 triệu người. Dù vậy, chỉ đến khi Trung Quốc – nền kinh tế đang phát triển lớn nhất – chủ trương nghiên cứu định hướng phát triển kinh tế ban đêm, mô hình này mới nhận được sự quan tâm từ các nước châu Á khác.

 Dù có không ít thành tựu về tăng trưởng kinh tế, Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro về “bẫy thu nhập trung bình”. Để xử lý rủi ro này, một định hướng quan trọng mà Việt Nam đã và đang thực hiện là tìm kiếm thêm các động lực tăng trưởng, đặc biệt thông qua các mô hình kinh tế mới. Không khó nhận thấy sự lưu tâm của lãnh đạo Chính phủ đối với phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Dù vậy, không nhiều người để ý rằng Chính phủ đã chủ trương nghiên cứu phát triển kinh tế ban đêm ngay từ tháng 7/2019 – thời điểm Việt Nam còn đang chứng kiến những số liệu khá tích cực về tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng,...

*Việt Nam chọn tư duy mở đối với kinh tế ban đêm

Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, sau một thời gian khẩn trương nghiên cứu và tham vấn các Bộ, ngành, địa phương. Như vậy, Đề án được hoàn thiện chỉ trong 1 năm từ khi có chủ trương, và khoảng 9 tháng từ khi giao việc chính thức cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng Đề án này không chỉ có sự quyết liệt về tiến độ, mà quan trọng hơn là tư duy mở nhất có thể đối với kinh tế ban đêm.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Thứ nhất, khung thời gian cho kinh tế ban đêm được mở rộng nhất, từ 6 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Gắn với khung thời gian này là tư duy hướng tới hoạt động kinh tế liền mạch nhất, gắn với một nền sản xuất 24 giờ trong một “xã hội 24 giờ”. Dù hoạt động kinh tế ban đêm được giới hạn ở một số lĩnh vực dịch vụ (văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, du lịch), tính lan tỏa đối với các hoạt động sản xuất – kinh doanh khác cũng là yếu tố được tính đến.

Thứ hai, bản thân đơn vị soạn thảo Đề án – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cũng nhìn nhận khá đầy đủ, thậm chí đi kèm với tranh luận, về cả lợi ích và rủi ro từ kinh tế ban đêm. Đồng thuận càng khó hơn khi chạm đến những hoạt động dịch vụ có tính “nhạy cảm” thường có trong khung giờ ban đêm.

Tìm kiếm bằng chứng cụ thể để cân đo lợi ích, chi phí là không dễ, bởi chính các Bộ, ngành và địa phương cũng không có nhiều thông tin, thống kê đủ chi tiết và hệ thống. Chính ở đây, tư duy mở thể hiện ở chỗ Đề án vẫn đề xuất cho thí điểm hoạt động kinh tế ban đêm ở một số địa phương, chứ không dè dặt hay đòi hỏi phải chờ “đánh giá đủ” rủi ro – điều thường gặp phải trong tư duy quản lý nhà nước truyền thống.  

*Đại dịch COVID-19 còn tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế ban đêm

Đề án phát triển kinh tế ban đêm được phê duyệt ngày 27/7/2020 – thời điểm đất nước đang theo dõi, đánh giá từng phút giây về diễn biến dịch COVID-19 mới. Có thể sẽ có băn khoăn về khả năng thực thi Đề án ngay tại thời điểm này, khi không ít thành phố du lịch đang quan ngại về khả năng phòng chống dịch, còn khách du lịch thì có xu hướng hoãn, hủy chuyến.

Tiểu cảnh cầu Vàng được sắp đặt tại khu vực Công viên Đông cầu Rồng (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Tâm/TTXVN

Dù vậy, Đề án đã được “thử lửa” ngay từ giai đoạn xây dựng và hoàn thiện, nhất là từ giai đoạn tháng 3 và tháng 4 gắn với giai đoạn phòng chống dịch và giãn cách xã hội của cả nước. Thực tế cho thấy, đại dịch COVID-19 không làm giảm sự quan tâm đối với việc xây dựng, tham vấn về định hướng phát triển kinh tế ban đêm. Việc ban hành Đề án càng thể hiện quyết tâm không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào cho tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, có thể tin tưởng mô hình thí điểm về kinh tế ban đêm sẽ sớm được triển khai và nhân rộng.

Sẽ còn nhiều điều phải làm để cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế ban đêm trên thực tế. Tuy nhiên, kinh tế ban đêm đã có tương tác không nhỏ với các mô hình kinh tế khác như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, v.v. Chẳng hạn, hoạt động giao đồ ăn qua mô hình kinh tế chia sẻ đã rất phổ biến trong khung thời gian của kinh tế ban đêm.

Như vậy, phát triển kinh tế ban đêm có thể cùng với các mô hình kinh tế mới khác bổ sung đáng kể động lực cho tăng trưởng ở Việt Nam, đúng như tục ngữ “tích tiểu thành đại”. Hi vọng khi thực hiện Đề án, các Bộ, ngành, địa phương sẽ mạnh dạn để có những bước đi cụ thể, có thể chưa xa nhưng thật vững chắc./.

 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam, 31/7/2020


Tin tức khác