Hội thảo “Năng lực công nghiệp của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ở Việt Nam: gợi ý điều chỉnh chính sách công nghiệp nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình”.
Hoạt động

Hội thảo “Năng lực công nghiệp của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ở Việt Nam: gợi ý điều chỉnh chính sách công nghiệp nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình”.

16/06/2020 - 4291 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ, ngày 12/6/2020 Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả Báo cáo nghiên cứu “Năng lực công nghiệp của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ở Việt Nam: gợi ý điều chỉnh chính sách công nghiệp nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình”.

 

Tham dự Hội thảo có đại diện một số Bộ, cơ quan có liên quan (Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương,..), đại diện một số cơ quan nghiên cứu, các Hiệp hội/doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, các cán bộ nghiên cứucủa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và một số cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đại diện Nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu. Sử dụng cách tiếp cận vi mô, đi từ phân tích các yếu tố cấu thành năng lực công nghiệp của doanh nghiệp, nội dung của nghiên cứu tập trung vào làm rõ năng lực công nghiệp của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ngành chế biến, chế tạo và thực trạng chính sách công nghiệp trong giai đoạn vừa qua có ảnh hưởng như thế nào đến năng lực công nghiệp của khu vực này. Các kết quả nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ lý luận về năng lực công nghiệp của khu vực doanh nghiệp tư nhân ngành chế biến, chế tạo và vai trò của nhà nước thông qua một số gợi ý điều chỉnh chính sách công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn phát triển quan trọng tới đây nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình.

 

Ảnh 1: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đại diện Nhóm nghiên cứu trình bày Báo cáo nghiên cứu

 

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số nhận xét về năng lực công nghiệp của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nướcvà thực trạng chính sách công nghiệp trong thời gian qua, cụ thể: (i) Doanh nghiệp tư nhân ngành chế biến chế tạo đã phát triển nhanh về số lượng, nhưng quy mô nhỏ đến vừa, tập trung ở những ngành có trình độ công nghệ thấp; (ii) Năng lực công nghiệp còn khá thấp, vị thế yếu trong ngành chế biến chế tạo, xét về giá trị gia tăng (VA), năng suất lao động, xuất khẩu, năng lực công nghệ, năng lực quản lý, kỹ năng, năng lực xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển; (iii) Điều chỉnh chính sách công nghiệp theo các giai đoạn, nhất là định hướng xuất khẩu đã có tác động thuận lợi hóa cho sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào ngành chế biến chế tạo; mở cửa cho họ tham gia vào các ngành ưu tiên, hướng xuất khẩu; (iv) Các công cụ của chính sách công nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến mở rộng quy mô của khu vực này, nhưng ít đến thay đổi năng suất lao động; có tác động hỗ trợ tăng năng lực công nghiệp của doanh nghiệp tư nhân thông qua các ưu đãi, hỗ trợ. Tuy vậy, chính sách công nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như các ngành ưu tiên khó cho doanh nghiệp tư nhân tham gia, doanh nghiệp có thể “chơi vơi” nếu không được nâng cao năng lực công nghiệp. Bên cạnh đó công cụ của chính sách công nghiệp vừa dàn trải, thiếu phối hợp, thiếu trọng tâm hỗ trợ, liều lượng chưa đủ.

Ảnh 2. Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo

 

Bên cạnh bài trình bày của nhóm nghiên cứu, Hội thảo cũng được nghe một số ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự. Đa số ý kiến đánh giá cao những kết quả nhóm nghiên cứu trình bày. Ông Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị trong thời gian tới các doanh nghiệp tư nhân cần xem xét tới việc liên kết với các viện nghiên cứu và các trường đại học. Ở một số nước trên thế giới hoạt động liên kết này mang lại hiệu quả cao, một mặt đáp ứng nhu cầu lao động trình độ cao cho doanh nghiệp, mặt khác đảm bảo đầu ra trong đào tạo cho các trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bản thân doanh nghiệp chưa chú trọng đến xây dựng mối liên kết này.

Ý kiến của một đại biểu khác cũng nhấn mạnh trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, đây là động lực và là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp thuộc các thành phần/khu vực kinh tế. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có cơ hội thuận lợi phát triển cần có chính sách đồng bộ và được thực thi thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Hiện tại, nhiều chính sách còn có sự bất cập như chính sách thuế (nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu thì được miễn thuế nhưng sử dụng nguyên vật liệu trong nước sản xuất hàng xuất khẩu thì không được miễn thuế, …); về môi trường (cần có khu xử lý nước/chất thải tập trung); quy định về xuất xứ hàng hóa v.v.

 

Ảnh 3. Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo

 

Ảnh 4. Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo

 

Ảnh 5. Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo

 

Kết thúc Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu và mong muốn tiếp nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, các chuyên gia để có những nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới.

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Thông tin - Tư liệu.

 Tham khảo tài liệu tại Thư viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930


Tin tức khác