Hội thảo “Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ cổ đông thiểu số”
Tin tức

Hội thảo “Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ cổ đông thiểu số”

02/03/2020 - 1923 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 28 tháng 02 năm 2020 Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ cổ đông thiểu số”.  Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện một số Bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia kinh tế và một số cơ quan báo chí, truyền thông.

Hội thảo được tổ chức để giới thiệu một số kết quả chính của báo cáo nghiên cứu “Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Cải thiện Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số” đồng thời đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến đăng ký kinh doanh nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và bảo vệ nhà đầu tư trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5, 2020.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện  trưởng CIEM chủ trì Hội thảo

 

Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu trình bày Báo cáo nghiên cứu: “Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Cải thiện Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số”.

Phần 1 của báo cáo về Khởi sự kinh doanh, trong đó phân tích thế nào là môi trường thể chế tốt? Tại sao khởi sự kinh doanh lại quan trọng ? Điểm số và thứ hạng Khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo Doing Business 2020 và các kiến nghị cải cách về Khởi sự kinh doanh. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 115 trong số 190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018 (104/190) với tổng số 8 thủ tục phải thực hiện. Cụ thể, theo tính toán của WB, Việt Nam mất 8 thủ tục với thời gian 16 ngày để khởi sự kinh doanh (16 ngày là thời gian thực tế chưa kể ngày nghỉ). Nếu khởi sự kinh doanh không thuận lợi sẽ làm tăng chi phí về thời gian và cơ hội; làm suy giảm động lực cạnh tranh và xa hơn là làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện tại, chỉ số khởi sự kinh doanh có liên quan ít nhất đến 4 luật (Doanh nghiệp, Thuế, Lao động, Bảo hiểm). Bởi vậy, để đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu thời gian, chi phí, rút ngắn gia nhập thị trường cho doanh nghiệp thì cần cải thiện chỉ số này hay cần bãi bỏ thủ tục khai trình lao động khi doanh nghiệp mới đăng ký thành lập, v.v...

Phần 2 liên quan đến phân tích thực trạng và đề xuất kiến nghị nâng cao cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số. Báo cáo đã phân tích và chỉ rõ một số lỗ hổng hiện nay trong quy định về bảo vệ quyền lợi của cổ đông.  Thực trạng quyền lợi của các cổ đông thiểu số đang bị chi phối bởi nhóm cổ đông lớn. Điều này bắt nguồn từ chất lượng quản trị của các doanh nghiệp cổ phần Việt Nam là rất thấp, do các doanh nghiệp này chủ yếu xuất phát từ doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa hoặc doanh nghiệp gia đình.  Vấn đề của một công ty lớn không chỉ tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người lao động và quyền lợi của cổ đông mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của ngành sản xuất, thậm chí là nền kinh tế. Do đó, cần nâng cao cơ chế bảo vệ cổ đông tại các công ty cổ phần thông qua việc mở rộng quyền, phạm vi của cổ đông, nhóm cổ đông tiếp cận thông tin hoạt động của công ty. Cụ thể là giảm bớt yêu cầu cổ đông thực hiện các quyền quan trọng như triệu tập họp đại hội đồng cổ đông, xem xét, trích lục biên bản hội đồng quản trị hay như hợp đồng phải thông qua hội đồng quản trị... bằng cách giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần cổ đông lớn từ 10% xuống 5% và bỏ quy định thời hạn sở hữu liên tục ít nhất 6 tháng, v.v…

Các đại biểu tham dự Hội thảo đồng tình với những vấn đề còn đang bất cập trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam mà báo cáo đã nêu và khẳng định môi trường thể chế tốt thì doanh nghiệp sẽ có lợi. Các ý kiến phát biểu cũng đồng tình với đề xuất trong Báo cáo đã nêu là cần có giải pháp cụ thể để nâng hạng Chỉ số khởi sự kinh doanh như cần liên thông các thủ tục hành chính với việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước qua kết nối điện tử nhằm đạt 3 mục tiêu: cắt giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí tài chính và giảm thời gian thực hiện cho doanh nghiệp. Hay đề xuất không cần đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nộp tờ khai sử dụng lao động. Thay vào đó, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh sau khi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp sẽ đồng thời chia sẻ dữ liệu về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và số lao động mà doanh nghiệp đó khai báo. Với phương án này, doanh nghiệp không cần phải khai trình lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động. Ngoài ra, thủ tục đăng ký bảo hiểm với cơ quan bảo hiểm xã hội (theo Luật Bảo hiểm) cũng được kiến nghị giải pháp tích hợp kê khai thông tin về bảo hiểm xã hội cùng với mẫu giấy đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm đăng ký kinh doanh; Các ý kiến cũng khẳng định cần nâng cao cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số tại các công ty cổ phần, làm rõ thu nhập từ lương, thù lao, thưởng của thành viên HĐQT, người điều hành tránh tình trạng vừa được hưởng lương như người lao động, lại vừa hưởng thêm thù lao.

Đại biểu tham dự phát biểu tại Hội thảo

 Đại biểu tham dự phát biểu tại Hội thảo

Đại biểu tham dự phát biểu tại Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Thư viện - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tầng 4, nhà D, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

 


Tin tức khác