Hội thảo: Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2030, kế hoạch 2021 – 2025.
Tiêu điểm tin

Hội thảo: Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2030, kế hoạch 2021 – 2025.

26/09/2019 - 3577 lượt xem

Ngày 23/9/2019, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM và Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform) tổ chức Hội thảo: "Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2030, kế hoạch 2021 – 2025".


Mục đích chủ yếu của Hội thảo là tạo diễn đàn thảo luận, lấy ý kiến về việc tổng kết, đánh giá thực hiện vai trò của kinh tế nhà nước, kết quả cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2011-2020, kiến nghị quan điểm, phương hướng cho giai đoạn 2021-2030; hỗ trợ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham gia phục vụ chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.


Đến dự Hội thảo có đại diện của các Bộ, ngành, cơ quan TW, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, viện nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, cơ quan báo chí, truyền hình, …. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 


Tại Hội thảo, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) đã trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu "Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại DNNN: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2020 và đề xuất phương hướng giải pháp cho giai đoạn 2021-2030".

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM)


Đánh giá về kết quả giai đoạn 2011-2020, Báo cáo của CIEM cho rằng, kinh tế nhà nước góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, duy trì được vai trò chủ đạo trên một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tuy vậy, hiệu quả đầu tư còn thấp so với các thành phần kinh tế khác, một số vai trò được giao thể hiện chưa rõ nét, hoặc không thực hiện được. Đối với cơ cấu lại DNNN, Báo cáo của CIEM nêu rõ: Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, kết quả thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại DNNN còn thấp, một số mục tiêu có thể không đạt được vào năm 2020 như mục tiêu "cơ cấu DNNN hợp lý hơn", mục tiêu "nâng cao một bước hiệu quả SXKD của DNNN", mục tiêu "quản trị DNNN đáp ứng chuẩn mực quốc tế".


Trong hệ thống các quan điểm đề xuất, báo cáo của CIEM khẳng định vai trò tổng thể đã xác định tại Cương lĩnh và Hiến pháp năm 2013 nhưng cần được cụ thể hóa và phù hợp hơn với bối cảnh mới, chẳng hạn kinh tế nhà nước không phải lực lượng cạnh tranh mà là lực lượng liên kết, hỗ trợ thành phần kinh tế tư nhân trở thành động lực chủ yếu của tăng trường kinh tế. Đối với cơ cấu lại DNNN, kiến nghị của CIEM tập trung vào các giải pháp hoàn thiện thể chế, đáp ứng chuẩn mực quốc tế về quản trị DNNN, đảm bảo quyền tự chủ, tự tự chịu trách nhiệm của DNNN.v.v.


Phát biểu bình luận tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng đây là chủ đề đặc biệt quan trọng, đồng tình với phần lớn nội dung báo cáo của CIEM, tuy vậy, cần nhìn nhận vai trò, hiệu quả của kinh tế nhà nước cũng như kết quả cơ cấu lại DNNN dưới góc độ hiệu quả chung của cơ cấu lại nền kinh tế nói riêng, kết quả cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam nói chung. Có thể nói 10 năm qua nền kinh tế có tăng trưởng nhưng cấu trúc, mô hình tăng trưởng không thay đổi nhiều, và một trọng những nguyên nhân là do kinh tế nhà nước và khu vực DNNN.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên 


Đồng tình và bổ sung thêm những nhận xét, đánh giá của ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Anh (Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển) nhấn mạnh cần có sự đa dạng hơn trong cải cách DNNN theo loại DNNN cụ thể, theo đó, "Thoái vốn, cổ phần hóa không phải là biện pháp duy nhất. Cách bán hết cổ phần, đập đi xây lại không giải quyết được mọi vấn đề. Điều quan trọng là phải xác định mục đích khi bán vốn cổ phần".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Anh


Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, đại diện một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đã thẳng thắn bày tỏ những hạn chế, bất cập về quan điểm nhận thức, thể chế kinh tế, cơ chế chính sách, cũng như cách thức thực hiện cơ cấu lại DNNN hiện nay, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp đổi mới cho giai đoạn tới, trước hết phải định vị lại vai trò của kinh tế nhà nước và khu vực DNNN cho phù hợp hơn với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, tạo ra áp lực và trách nhiệm đủ lớn cho các DNNN nâng cao hiệu quả hoạt động, thay đổi căn bản cách thức phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, v.v.

Một số đại biểu đóng góp ý kiến cho Hội thảo:

 

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu trân trọng cám ơn các bình luận và ý kiến góp ý, khẳng định sự cầu thị tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong quá trình hoàn chỉnh báo cáo, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho việc tham gia phục vụ chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 .

Toàn cảnh Hội thảo

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Thư viện - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tầng 4, nhà D, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi