Hội thảo “Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hóa trong thập kỷ tới”
Ho%E1%BA%A1t%20%C4%91%E1%BB%99ng

Hội thảo “Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hóa trong thập kỷ tới”

17/09/2019 - 3316 lượt xem

Sáng ngày 13/9/2019, Ngân hàng Thế giới và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn với chủ đề “Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hóa trong thập kỷ tới”. Hội thảo có sự tham gia và thảo luận của các chuyên gia kinh tế đầu ngành của Việt Nam.

Đồng chủ trì hội thảo là TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; và Bà Steffi Stallmeister – Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Theo TS. Nguyễn Đình Cung – đô thị hóa là quá trình thúc đẩy, cơ cấu cho phát triển. Khi bước sang giai đoạn giữa của quá trình đô thị hóa (tốc độ đô thị hóa được dự đoán tăng từ 35% lên 50% vào năm 2025), thách thức đặt ra cho quá trình đô thị hóa nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng đồng thời đảm bảo bình đẳng và bền vững sẽ ngày càng trở nên bức thiết hơn, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới về đô thị hóa.

Theo ông Zhiyu Jerry Chen, đại diện nhóm nghiên cứu của WB, chính sách Đổi Mới của Việt Nam đã in đậm trong cấu trúc hai tầng đô thị hóa và công nghiệp hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện phân bổ bình đẳng về nguồn lực tài chính, thúc đẩy công nghiệp hóa ở nông thôn và chuyển dịch đất đai quá nhiều đã dẫn đến mô thức tăng trưởng về không gian tương đối đồng đều và dàn trải. Quá trình tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa nhiều vào lao động giá rẻ và chuyển dịch đất đai thay vì tăng hiệu quả. Hệ quả là, các cực có năng suất cao hơn không có đủ nguồn lực để duy trì tăng trưởng, kéo theo sự suy giảm trong tăng trưởng của cả nước. Trước những thách thức như (1) thắt chặt nguồn lực tài khóa và (2) thu hẹp lực lượng lao động đô thị do giảm lợi tức dân số, quá trình đô thị hóa của Việt Nam đang đứng trước “ngã ba đường” và phải thay đổi.

Nhóm nghiên cứu đề xuất các chính sách về đô thị hóa mới cần phải chú trọng đến tính “kinh tế tích tụ” và “liên kết vùng”, và hướng đến giải quyết ba vấn đề thể chế quan tọng trong chuyển đổi: (1) phân bổ tài khóa và nguồn lực; (2) đất đai và quy hoạch và; (3) chuyển dịch lao động. 

TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không được nhầm lẫn rằng phát triển và mở rộng đô thị sẽ phát triển kinh tế vì phát triển kinh tế và đô thị phải luôn song hành với nhau. Phải định dạng vấn đề này trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và có giải pháp để giảm bớt chênh lệch giữa các vùng trong phát triển kinh tế. Đồng thời phải làm rõ mối quan hệ phát triển công nghiệp giữa các vùng khác nhau”.

Đồng tình với các nhận định của nhóm nghiên cứu, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam lâu nay vẫn ưu tiên tính công bằng, thay vì hiệu quả. Việc phân bổ nguồn lực đồng đều khiến cho các thành phố lớn thiếu nguồn lực để tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa và đô thị hóa. Đóng góp của 5 thành phố lớn nhất của Việt Nam (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) hầu như chỉ dao động trong khoảng 35-40% GDP trong suốt giai đoạn từ năm 2005 đến nay.

Các đại biểu khác cũng nêu lên một số vấn đề đáng lưu ý đối với quá trình đô thị hóa của Việt Nam. Đó là việc thiếu liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong quy hoạch phát triển; quy mô quá nhỏ của các tỉnh thành khiến cho nguồn lực bị phân tán; và việc chuyển đổi đất đai quá dễ dàng hiện nay sẽ dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm trong tương lai. Cuối cùng và cũng quan trọng không kém là, phải thay đổi cả phương thức quy hoạch và quản lý đô thị đi kèm với việc nâng cao trình độ quản lý của bộ máy quản lý ở các thành phố.

Một số hình ảnh Hội thảo:

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Thư viện - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tầng 4, nhà D, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

 


Tin tức khác