Hội thảo “Nền kinh tế đổi mới sáng tạo – Kinh nghiệm của Israel” (19/6/2019)
Ti%C3%AAu%20%C4%91i%E1%BB%83m%20tin

Hội thảo “Nền kinh tế đổi mới sáng tạo – Kinh nghiệm của Israel” (19/6/2019)

21/06/2019 - 3300 lượt xem

Triển khai nhiệm vụ của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) làm đầu mối soạn thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0,  CIEM phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Nền kinh tế đổi mới sáng tạo – Kinh nghiệm của Israel”.

Tham dự hội thảo có đại biểu đại diện các bộ, ngành, viện nghiên cứu, các Hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí đã đến tham dự Hội thảo. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM và Ngài Nadav Eshcar, Đại sứ Nhà nước Israel tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.

         

 Giáo sư Avishay Braverman,  Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM và Ngài Nadav Eshcar, Đại sứ Nhà nước Israel tại Việt Nam (ảnh từ trái qua phải)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung và Ngài Nadav Eshcar  cho rằng, tuy hai nước cách xa nhau về địa lý, nhưng có nhiều điểm tương đồng và những lợi thế. Ngài Đại sứ cho rằng, thông qua trao đổi, học hỏi Việt Nam và Israel có nhiều điều kiện để đổi mới sáng tạo và phát triển.

Israel là quốc gia tiến bộ nhất tại Tây Nam Á và Trung Đông về phát triển kinh tế và công nghiệp. Giáo dục đại học có chất lượng là nguyên nhân chính khích lệ bùng nổ công nghệ cao và phát triển kinh tế nhanh chóng tại Israel. Israel có số lượng công ty khởi nghiệp nhiều thứ hai thế giới (theo một nghiên cứu năm 2005) và đứng thứ ba về số lượng công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm 2016, Israel xếp hạng 21 trong số các quốc gia cạnh tranh nhất thế giới, theo Niên giám Cạnh tranh Thế giới của IMD. Israel xếp hạng tư thế giới về tỷ lệ người làm công việc có kỹ năng cao vào năm 2016. Bước phát triển của Israel trong các công nghệ ưu việt về phần mềm, viễn thông và khoa học sự sống gợi lên so sánh với Thung lũng Silicon. Theo OECD, Israel cũng xếp hạng nhất thế giới về chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) theo tỷ lệ trong GDP.

 Giáo sư Avishay Braverman chia sẻ kinh nghiệm của Israel

          Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe Giáo sư Avishay Braverman thuyết trình với nội dung chính về nền kinh tế đổi mới sáng tạo – Kinh nghiệm của Israel.

Giáo sư Avishay Braverman giới thiệu sơ lược lịch sử quá trình thành lập và phát triển của Nhà nước Israel. Qua đó cho thấy, 60 năm trước Israel cũng là một đất nước gặp phải nhiều khó khăn nhưng đã vươn lên phát triển. Là nước nhỏ, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và không có tài nguyên thiên nhiên, nên muốn phát triển Israel không có cách nào khác hơn là phải dựa vào nguồn chất xám, đầu tư cho nghiên cứu khoa học và tập trung vào các ngành mũi nhọn có khả năng sinh lời.

Israel phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp trong nhiều thập niên nên Israel phần lớn tự cung cấp được lương thực, thực phẩm. Do tài nguyên nước khan hiếm, Israel có sáng kiến về các kỹ thuật bảo tồn nước và kỹ thuật hiện đại hóa nông nghiệp trọng yếu là tưới nhỏ giọt. Israel cũng ở vị trí hàng đầu về kỹ thuật khử muối và tuần hoàn nước trong đó Nhà máy thẩm thấu ngược nước biển Ashkelon có quy mô hàng đầu thế giới. Trong các trường đại học đều có trung tâm nghiên cứu và được chính phủ hỗ trợ. Ví dụ, các nhà khoa học Israel nghiên cứu lai tạo các cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng khắc nghiệt (chịu nhiệt độ cao, khô cằn cần ít nước) cho năng suất cao. Từ kết quả của những nghiên cứu đó, nhà nước hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ sư chuyển giao kỹ thuật để cùng ra ruộng hướng dẫn cho người nông dân.

 Người Israel cũng tận dụng ánh sáng mặt trời sẵn có cho ngành quang năng (Israel dẫn đầu về năng lượng mặt trời sử dụng theo bình quân, khoảng 90% hộ gia đình sử dụng tấm năng lượng mặt trời để đun nước). Sức mạnh quân sự Israel dựa chủ yếu vào các hệ thống vũ khí công nghệ cao, do Israel thiết kế và chế tạo. Israel một trong những quốc gia có năng lực sản xuất vũ khí công nghệ cao, đồng thời phóng được vệ tinh.

Israel chú trọng lĩnh vực giáo dục, đào tạo đội ngũ khoa học trẻ tận dụng sự phát triển công nghệ, trí tuệ nhân tạo của thế giới, xây dựng môi trường phát triển để tối đa hóa sự phát triển của đất nước. Israel nhập khẩu lao động chất lượng cao để phục vụ đất nước.

Israel chú trọng khởi nghiệp (Start-up Nation) và không chỉ là câu nói xuông, mà là khẩu hiệu hành động của chính phủ; sự hỗ trợ của cộng đồng và thiết chế; sự hưởng ứng của đội ngũ trí thức/giới doanh nhân trẻ tạo sự đột phá cho Israel. Vai trò của Chính phủ là dám chấp nhận rủi ro và đề ra những chính sách, biện pháp chấp nhận rủi ro, nhưng không để người dân lợi dụng để đánh cắp tài sản nhà nước.

Start-up phải được nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các cơ quan nghiên cứu cùng vào cuộc và cần có định chế rõ ràng. Start-up cần phải xác định phát triển trên một lĩnh vực nền tảng, sau đó mới phát triển sang các lĩnh vực khác. Về nguồn nhân lực, các công ty “Start-up” sử dụng ít lao động, chủ yếu là các kỹ sư mới ra trường. Tuy gọi là mới ra trường, nhưng kỹ sư của Israel đều đã trải qua đời quân ngũ trước khi vào đại học. Sự kết hợp hoàn hảo giữa sự chín muồi về tuổi tác, bản lĩnh “gan lì” của người lính, tính sáng tạo của một nhà khoa học, sự khao khát tìm lợi nhuận hầu như đều tồn tại trong mỗi CEO của các công ty Start-up.

Lãnh đạo là những người năng động, cùng nghiên cứu, cùng thảo luận với nhân viên, xác định mức độ ảnh hưởng ở mọi khía cạnh sau đó mới đưa ra kết luận chứ không phải là cuộc đấu trí.

Đại biểu trao đổi tại Hội thảo 

Đại biểu trao đổi tại Hội thảo 

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận và đặt ra một số câu hỏi với Giáo sư Avishay Braverman.

Toàn cảnh hội thảo

Tổng kết Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung đánh giá cao bài thuyết trình của Giáo sư Avishay Braverman và cho rằng những kinh nghiệm của Israel trong quá trình đổi mới sáng tạo rất bổ ích đối với Việt Nam. Viện trưởng Nguyễn Đình Cung mong muốn Đại sứ quán Israel và Giáo sư Avishay Braverman sẽ tạo nhiều cơ hội truyền đạt kinh nghiệm quý báu cho các chuyên gia Việt Nam./.

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Thư viện - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tầng 4, nhà D, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

 


Tin tức khác