Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu: ”Doanh nghiệp Xã hội cộng đồng: thực trạng và giải pháp”.
Hội nghị hội thảo

Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu: ”Doanh nghiệp Xã hội cộng đồng: thực trạng và giải pháp”.

12/03/2019 - 4140 lượt xem

Trong khuôn khổ hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), ngày 5 tháng 3 năm 2019, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức buổi Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu:  ”Doanh nghiệp Xã hội cộng đồng: thực trạng và giải pháp”. Hội thảo do ông Phan Đức Hiếu -  Phó Viện trưởng CIEM chủ trì với sự tham gia của các đại biểu đến từ cơ quan Trung ương và địa phương như Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các nhà nghiên cứu, đại diện một số cơ quan ban ngành ở Hòa Bình và Lào Cai (nơi tiến hành khảo sát), các doanh nhân xã hội (đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp xã hội) và đại diện các cơ quan truyền thông.

Phát biểu khai mạc, ông Phan Đức Hiếu đánh giá cao vai trò của các Doanh nghiệp xã hội (DNXH)trong  giải quyết các vấn đề xã hội – môi trường cho cộng đồng. Ở Việt Nam, DNXH đã tồn tại từ lâu và với số lượng không hề nhỏ, nhưng mãi đến năm 2014, Luật Doanh nghiệp mới thể chế hóa các khái niệm này và đưa vào trong Luật. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng DNXH được đăng ký theo Luật Doanh nghiệp mới ở mức độ khiêm tốn nguyên do một phần là khái niệm DNXH còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ngoài ra, do phần lớn các DNXH là doanh nghiệp quy mô nhỏ, năng lực  doanh nghiệp (nhân lực, vốn) còn yếu và tâm lý còn e ngại…

Ảnh 1: Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Đại diện choTrung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP)-  bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Doanh nghiệp xã hội đã xuất hiện trong một thời gian dài nhưng gần đây mới được biết tới như là một cách tiếp cận sáng tạo và có định hướng thị trường để giải quyết các vấn đề xã hội”. Theo bà Phạm Kiều Oanh, có ba đóng góp to lớn mà các DNXH mang lại cho cộng đồng đó là: đưa ra giải pháp cho các vấn đề xã hội mà hiện giờ chưa được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, thể chế tài chính chưa chú ý tới như nhà ở, xử lý rác thải môi trường; hòa nhập cộng đồng đối với những người yếu thế, những người nghèo, dân tộc thiểu số...

Ảnh 2 : Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP).

Tiếp theo phần giới thiệu, Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), đại diện cho nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu. Theo đó, khái niệm về DNXH trong nghiên cứu mở rông hơn rất nhiều so với quy định tại Luật Doanh nghiệp, cụ thể là: doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cộng đồng tham gia thực hiện giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường ( vì lợi ích cộng đồng). Ví dụlà  các tổ chức xã hội thực hiện các hoạt động phục vụ nhu cầu chưa được đáp ứng hoặc tạo việc làm và thu nhập bền vững cho nhóm người dễ bị tổn thương. Hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mô hình kinh doanh hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường…Theo cách tiếp cận này, cả nước ước tính có khoảng gần 50.000 doanh nghiệp tạo tác động xã hội (nghiên cứu của Trường Đại học kinh tế quốc dân và UNDP, 2018).

 

Ảnh 3: Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM).

Theo kết quả nghiên cứu tại Hòa Bình và Lào Cai hiện tại mới chỉ có 2 doanh nghiệp đăng ký thành lập DNXH, tuy nhiên có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ (quy mô kinh doanh như hộ gia đình, hợp tác xã…) cũng đang cùng với địa phương tạo ra các tác động xã hội như xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao vị thế của phụ nữ và đồng bào dân tộc…Tuy nhiên, nhìn chung, quy mô các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đa số là nhỏ, kinh doanh manh mún; vốn nhân lực, khoa học, quản trị, năng lực cạnh tranh hạn chế…trong khi đó  các chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp này còn phân tán; quymô nhỏ, trong nhiều trường hợp chưa thiết thực.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và ngành hàng – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông thôn – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý DNXH; Rà soát, phổ biến và hướng dẫn DNXH trong chuỗi giá trị nông nghiệp tiếp cận được với các chính sách ưu đãi hiện có cho Doanh nghiệp; Có chính sách ưu đãi bổ sung cho DNXH tham gia cung cấp các hàng hóa công, dịch vụ công cho các hộ sản xuất nghèo, người dân cư trú tại các địa bàn, khu vực có điều kiện KT-XH khó khăn, hộ dân tộc thiểu số... Ngoài ra, cần tổ chức hỗ trợ phát triển DNXH như: hỗ trợ DNXH tiếp cận nguồn lực phát triển và nâng cao năng lực cho DNXH về quản trị kinh doanh; phát triển sản phẩm và thị trường, quản trị tài chính và kế toán, marketing; Năng lực lồng ghép giới.Gắn kết, phối hợp hoạt động của DNXH với trách nhiệm XH của các doanh nghiệp.Vận động chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy DNXH trong chuỗi giái trị nông nghiệp.

Ảnh 4: Ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và ngành hàng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông thôn

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bà Tẩn Thị Su, Giám đốc doanh nghiệp xã hội du lịch tại Sa Pa O’Châu phát biểu: ngoài thuận lợi duy nhất là doanh nghiệp địa phương do người địa phương làm chủ thì trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp là thủ tục pháp lý. Theo Chị Su, nên thiết lập một ban tư vấn (cấp tỉnh hoặc cấp huyện) dành cho các doanhnghiệp nhỏ và các mô hình khởi nghiệp tại cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tạo nhiều hơn những chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đã cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh. Mức cho vay phải hợp lý mới kinh doanh hiệu quả và tránh lãng phí vốn vay Nhà nước; đồng thời, tạo điều kiện về đất đai cho các doanh nghiệp địa phương để phát triển kinh doanh. 

Ảnh 5: Bà Tẩn Thị Su, Giám đốc doanh nghiệp xã hội du lịch tại Sa Pa O’Châu.

DNXH là xu thế phát triển chung trên thế giới do vậy Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với loại hình doanh nghiệp này. Trước mắt, CIEM đề xuất cần sửa đổi khái niệm, tiêu chí xác định DNXH tại Luật Doanh nghiệp; đồng thời, mở rộng khái niệm DNXH sang các pháp luật kinh doanh khác; hoàn thiện các quy định hướng dẫn thực thi các quy định liên quan đến DNXH; đơn giản hóa các thủ tục hành chính với các hoạt động kinh doanh của DNXH. 

Ảnh 6: Toàn cảnh Hội thảo

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).

 

 

 

 

 

 

 


Tin tức khác